Ngành Hải quan thúc đẩy công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên

(PLVN) -  Tổng cục Hải quan mới đây đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) với Hải quan các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn thực hiện ký trực tuyến bản Thỏa thuận.

Tạo thuận lợi thương mại cho các thành viên

Theo Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (DNƯT) được Hải quan các nước ký kết trực tuyến, các nội dung trọng tâm được ký kết như công nhận lẫn nhau và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Cụ thể, mỗi bên tham gia sẽ chấp nhận việc thẩm định và công nhận của Chương trình của bên tham gia khác cấp cho thành viên. Sau khi các bên đã thiết lập tính tương thích Chương trình của họ, mỗi bên tham gia sẽ đối xử với các thành viên của Chương trình của các bên tham gia khác theo cách có thể so sánh với Chương trình của chính mình và cố gắng cung cấp các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho các thành viên trong phạm vi có thể.

Đó là các biện pháp như: Thông quan nhanh chóng bằng cách giảm việc kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, đối với hàng hóa xuất phát từ hoặc vận chuyển cho một thành viên của Chương trình của các bên tham gia khác, tùy thuộc vào việc đánh giá mức độ rủi ro an ninh; Ưu tiên kiểm tra cho hàng hóa xuất phát từ hoặc vận chuyển cho một thành viên của Chương trình của các bên tham gia khác đã được lựa chọn để kiểm tra thực tế. Trong trường hợp có sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế, cố gắng ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa có nguồn gốc từ hoặc được chuyển đến một thành viên của Chương trình của các bên tham gia khác...

Về nội dung trao đổi thông tin và liên lạc, các bên tham gia sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để thực hiện có hiệu quả các biện pháp sau: Thường xuyên trao đổi cập nhật thông tin về thành viên thuộc Chương trình tương ứng của họ bao gồm tên, địa chỉ, định danh duy nhất/số tham chiếu AEO, tình trạng công nhận và bất kỳ thông tin liên quan khác thông qua một kênh liên lạc đã đồng ý theo một cách đảm bảo an ninh; Cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi đối với các Chương trình tương ứng của họ, bao gồm cả các thủ tục hành chính và thực hiện hoặc các thay đổi về tên của các Chương trình của mình, trao đổi thông tin có lợi được các bên đồng ý…

Về tương lai, các bên tham gia sẽ tích cực triển khai thực hiện Thỏa thuận này nhằm củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung trong tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia. Mỗi bên tham gia cố gắng cung cấp cho các thành viên của Chương trình của các bên tham gia khác những lợi ích hơn nữa phù hợp với Thỏa thuận này; tham gia vào các cuộc đối thoại để thảo luận về các cơ hội để cho phép nối lại thương mại sau sự gián đoạn trong các tình huống khẩn cấp...

Tiến tới mở rộng công nhận DNƯT

Trao đổi trên báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, thông qua việc công nhận lẫn nhau, các DNƯT sẽ được hưởng nhiều lợi ích cụ thể như tăng lợi ích kinh tế do giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa khi xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia ký kết Thỏa thuận… DNƯT sẽ được hưởng lợi từ các thỏa thuận công nhận lẫn nhau khi có hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác thuộc các quốc gia đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Để tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này, DNƯT của Việt Nam có thể nghiên cứu xem xét tìm kiếm các nhà cung cấp cũng như khách hàng tại các quốc gia có ký thỏa thuận với nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, do đây đang là bước khởi đầu nên Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước sẽ triển khai, ghi nhận thực tế và chủ động phối hợp xử lý khó khăn có thể phát sinh. Đơn cử, về mặt công nghệ thông tin áp dụng khi đánh giá và phân loại DNƯT của các quốc gia ký kết thỏa thuận để có biện pháp theo dõi và quản lý phù hợp.

Trong quá trình tiến tới ký kết được Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, Việt Nam còn có một số điều kiện công nhận DNƯT chưa tương đồng với điều kiện của các nước. Để giải quyết vấn đề nêu trên, qua xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đang bổ sung các điều kiện mà Việt Nam còn thiếu nhằm đảm bảo các điều kiện công nhận DNƯT của Việt Nam tương đồng với các nước tham gia ký kết.

Đồng thời, trên cơ sở định hướng đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về DNƯT trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) về các điều kiện áp dụng, các chế độ được ưu tiên, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Hải quan; quyền hạn và nghĩa vụ của doanh nghiệp, công tác quản lý hải quan đối với các DNƯT, xây dựng và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DNƯT giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Về triển khai DNƯT trong khu vực, tất cả các nước trong ASEAN đều đã triển khai chính thức Chương trình DNƯT với các cấp độ khác nhau phụ thuộc vào tình hình của từng quốc gia. Nhưng về cơ bản, các nước đều triển khai Chương trình dựa trên khuyến nghị của WCO về Khung tiêu chuẩn về an ninh, an toàn (SAFE). Vì vậy, việc triển khai thực hiện thí điểm Thỏa thuận với các nước ASEAN sẽ tạo tiền đề để Tổng cục Hải quan tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận về DNƯT với các nước đối tác quan trọng trên thế giới mà Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã đề ra.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được công nhận DNƯT, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Thống kê năm 2021 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 74 DNƯT đạt 221 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch của cả nước.

Đọc thêm