Các rạp chiếu phim Pháp lại bị đóng cửa
Cuối tháng 10 vừa qua, hai bộ phim ADN của Maiwenn và Adieu les cons của Albert Dupontel lần lượt ra mắt. Bất chấp việc Pháp ngay sau đó dã áp dụng trở lại lệnh giới nghiêm để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, cả hai bộ phim đều lọt vào danh sách 10 bộ phim Pháp ăn khách nhất trong tuần lễ khởi chiếu trong vòng 10 năm trở đây. Chỉ trong những ngày đầu, các bộ phim này đã thu hút hơn nửa triệu lượt người xem. Điều đó cho thấy khán giả Pháp vẫn mong muốn được xem các tác phẩm mới dù tình hình dịch bệnh khiến họ phải tuân thủ nhiều quy định.
Bản thân các đạo diễn kiêm diễn viên Pháp Maiwenn và Albert Dupontel cho biết họ đã từng đắn đo, do dự về việc có nên cho ra mắt phim mới trong thời điểm này hay không. Tuy nhiên, cuối cùng, 2 bộ phim vẫn đã được trình làng bởi cả hai đạo diễn đều muốn bày tỏ tình đoàn kết của họ với các đoàn làm phim cũng như với giới phân phối, phát hành. Các nhà quản lý các rạp chiếu phim đều cho biết là việc công chiếu tác phẩm mới ở thời điểm này đã khiến các phòng chiếu của họ chỉ đầy hơn một nửa số ghế. Lệnh giới nghiêm đã khiến cho suất chiếu phim quan trọng nhất vào lúc 20h00 hàng ngày bị hủy bỏ, do đó hạn chế ngay từ đầu lượng người xem.
|
Nhiều rạp chiếu phim ở Pháp phải đóng cửa. |
Trên thực tế, điều có thể thấy rõ là nếu được ra mắt ở một thời điểm khác, trong bối cảnh tình hình khác, chắc chắn 2 bộ phim nói trên sẽ thành công nhiều hơn so với thời điểm hoàn toàn không thuận lợi như hiện nay. Việc nước Pháp ra lệnh phong tỏa lần thứ 2 đã làm tiêu tan mọi hy vọng của giới chuyên ngành điện ảnh tại Pháp. Các nhà phân phối đặt nhiều hy vọng vào việc giới thiệu phim mới để kích hoạt trở lại hệ thống các rạp chiếu phim ở Pháp.
Song, lệnh giới nghiêm trong 2 tuần từ giữa tháng 20 và sau đó là lệnh phong tỏa lần thứ 2 có hiệu lực từ ngày 30/10 vừa qua đã buộc các rạp chiếu phim tại Pháp lại phải đóng cửa ít nhất là trong vòng một tháng. Tình huống này khiến cho ngành điện ảnh Pháp một lần nữa rơi vào vòng lẩn quẩn dù có cố gắng cách mấy nhưng cũng không tìm ra được một giải pháp.
Hơn 600 rạp phim của Cineworld phải đóng cửa
Trong khi đó, tại Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa hơn là bao. Chuỗi rạp chiếu phim Cinemark lớn thứ hai ở Mỹ hiện vẫn đang tìm cách duy trì hoạt động của 260 rạp chiếu phim (tức là khoảng 80%) trên tổng số 332 rạp của hệ thống. Ngược lại, tập đoàn Cineworld lại không được may mắn như vậy. Được thành lập vào năm 1995, Cineworld là một tập đoàn của Anh với tổng cộng khoảng 800 rạp chiếu phim tại 10 quốc gia trên thế giới. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vào đầu năm 2020, doanh thu của Cineworld hàng năm ước tính lên đến 4,5 tỷ euro (đương đương khoảng 5,3 tỷ USD). Trong năm 2019, con số này đã lên tới mức kỷ lục 4,8 tỷ euro (khoảng 56,5 tỷ euro).
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến tình hình kinh doanh của chuỗi rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn do không có khán giả. Mới đây. ban giám đốc tập đoàn này đã thông báo việc đóng cửa 663 rạp chiếu phim Cineworld, bao gồm cả các rạp tại Anh và tại Mỹ. Theo thông báo, trước mắt, 127 rạp Cineworld tại Anh và chi nhánh Regal gồm 536 rạp chiếu phim tại Mỹ sẽ tạm ngừng hoạt động trong mùa dịch.
Trong khi đó, chuỗi rạp chiếu phim Cineplex, vốn là chi nhánh của tập đoàn Cineworld tại Canada, vẫn đang tạm thời duy trì hoạt động. Quyết định đóng cửa các rạp chiếu phim của Cineworld được cho là tạm thời nhưng tập đoàn này vốn đã gặp một số khó khăn tài chính từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Do đó, các nhà quan sát nhìn nhận không mấy lạc quan về khả năng mở lại các rạp đã đóng cửa của chuỗi nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Hy vọng mong manh là khả năng Cineworld sẽ sớm tìm được các nguồn tài chính hỗ trợ khẩn cấp cho hoạt động của tập đoàn.
Nổi tiếng là một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành phân phối điện ảnh, việc tập đoàn Cineworld thông báo đóng cửa đã tác động trực tiếp đến 45.000 nhân viên, trong đó có tới 85% là người Mỹ, làm việc cho tập đoàn này.
Việc không có các bộ phim mới ra lò càng khiến cho tình hình của hệ thống các rạp chiếu phim trở nên bi đát hơn bởi những bộ phim mới được ví như nguồn năng lượng không thể thiếu để vận hành guồng máy khổng lồ của hệ thống phân phối. Việc chiếu lại những bộ phim cũ, dù là với giá thật mềm nhưng vẫn không đủ để tạo luồng dưỡng khí cần thiết để các rạp chiếu phim có thể “sống khỏe”.
Hiệu ứng domino
Sở dĩ tập đoàn Cineworld buộc phải tạm ngừng hoạt động là vì các hãng phim lớn của Mỹ đều đã gác lại toàn bộ kế hoạch ra mắt phim mới trong đó có nhiều phim thương mại có kinh phí cao, còn gọi là dòng phim “bom tấn”. Trên danh sách các bộ phim đã nhiều lần bị dời lại có tập 9 của loạt phim Fast and Furious. Ngày ra mắt phim Jurassic World: Dominio cũng đã bị dời lại cho đến mùa hè năm 2022, tức là muộn hơn 18 tháng theo dự kiến ban đầu.
Bộ phim Dune (Xứ Cát) được chuyển thể từ truyện cùng tên của Frank Herbert, Matrix 4 hay tập 2 của bộ phim Nữ thần chiến binh Wonder Woman cũng đã bị lùi lại hơn 1 năm và làm đảo lộn toàn bộ lịch ra mắt phim của tập đoàn Warner Bros. Phiên bản mới của thám tử Hercule Poirot trong "Án mạng trên sông Nile" tiếp nối dòng phim phóng tác từ truyện trinh thám của Agatha Christie hay bộ phim ca nhạc West Side Story phiên bản 2020 của Steven Spielberg cũng đều bị “lỗi hẹn” thêm ít nhất là 1 năm do đại dịch Covid-19. Tương tự như vậy là số phậm các phim Người Dơi của Matt Reeves, Tia chớp, Black… đều đã hoặc là bị hoãn chiếu cho tới đầu năm 2022 hay giữa năm 2023 hoặc bị dời lại vô thời hạn.
Sự kiện các hãng phim lớn ngưng kế hoạch ra mắt phim đã tạo ra hiệu ứng domino. Dòng phim Marvel cũng đành phải gác lại cho tới cuối năm 2021. Ngày ra mắt tập phim thứ 25 của điệp viên 007 bộ phim "James Bond no time to die" đến nay cũng đã 3 lần bị dời lại dù phim đã được quay xong. Cineworld đã trông cậy rất nhiều vào James Bond như một tiếng súng “mở màn” của dòng phim bom tấn giúp mang lại doanh thu lớn cho hệ thống nhưng không thành. Từ Âu sang Mỹ, nhiều người trong giới điện ảnh đang đi tìm những phương cách để trỗi dậy nhưng đến nay đều được cho là lại bị ném vào vực sâu không đáy.