Người mặc nhiên xác định đường phố và vỉa hè thuộc sở hữu của mình nên mới ngang nhiên không cho người khác đỗ xe, bán hàng hoặc đổ rác (đổ rác sang nhà hàng xóm thì được). Từ sự mặc định sở hữu này mà người ta giải quyết vấn đề bằng cách bôi bẩn lên xe, đuổi, đánh hoặc gọi chính quyền ra trông xe cho mình (nếu là quan chức cấp trên).
Những người được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự đường phố cũng coi đường phố là của mình nên có thể bán và cho thuê hè phố theo thỏa thuận mà ngôn ngữ dân gian gọi là “hụi chết”, chăng dây trông xe thu tiền, đánh đuổi hàng rong, vứt cân của họ xuống sông, đỗ xe của mình tùy tiện, đi ngược chiều hoặc đi xe máy không cần đội mũ bảo hiểm. Học theo cái lối đó, trẻ con, thanh niên cũng biết đường phố thành chỗ đá bóng, bất chấp tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cách hành xử người với người trên đường phố thì không chấp nhận được. Phương tiện đang lưu thông bỗng xuất hiện một dân phòng nào đó nắm ghi đông hoặc kéo đuôi xe giữ lại. Va chạm thì tháo mũ bảo hiểm đập vào mặt người ta hoặc chửi bới, đấm đá không thương tiếc, phụ nữ, người già cũng không tha. Nạn lăng mạ cảnh sát giao thông ngày càng phát triển, từ thanh niên săm trổ đến phụ nữ nhà giàu, từ tài xế xe tải cho đến tướng về hưu. “Quyền được lăng mạ” cảnh sát giao thông cũng được mặc định, rất công khai giữa thanh thiên bạch nhật, trong chốn đông người.
Đường phố, dĩ nhiên là nơi công cộng cho nên người ta có thể họp chợ, đổ rác, vứt phế thải,... nên thứ văn hóa bị coi là mạt hạng “đầu đường, xó chợ” có môi trường để sinh sôi. Những hành vi chỉ có thể diễn ra trong nhà thì giờ người ta mang ra giữa đường phố mà hành xử như lột truồng vợ, đánh ghen tình địch, chửi chồng, mắng con, khỏa thân đi lại hoặc đốt xe của chính mình.
Ngược lại, thứ văn hóa “đầu đường, xó chợ” lại thâm nhập vào gia đình với lời ăn, tiếng nói của bố mẹ với con cái, ngược đãi nhau trong nhà. Thậm chí, có cả cách hành xử của chính quyền như cắt điện, nước của nhà người ta vì một vi phạm nào đấy. Lối hành xử này không xứng với chính quyền quang minh, chính đại mà chỉ là trò bẩn của đường phố.
Có trường hợp chợ búa hóa không gian đường phố bằng cách xóa bỏ một sân chơi giữa các chung cư, lá phổi xanh của cư dân thành nơi họp chợ, ví dụ như ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đôi khi, đường phố cũng là nơi phơi bày thực trạng của phong trào, thành tích, ví dụ như các biển trưng là “Đường phố phụ nữ (hoặc thanh niên, tổ dân phố gì đấy) tự quản” đầy rác rưởi và cỏ mọc, hàng quán lấn chiếm, đã lâu rồi chẳng ai ngó ngàng đến.
Có cảm giác người ta đang trút buồn bực của mình ra đường phố. Vì vậy, muốn xây dựng một văn hóa đường phố văn minh, sạch đẹp thì trước hết cần đến văn hóa, tầm nhìn, cách xử sự của người quản lý đô thị. Bởi, ngay cả những nơi được xây dựng khang trang, dành cho giới nhà giàu như chung cư cao cấp mà hè phố, đường nội bộ, không gian chung cũng bị xẻ thịt làm nơi gửi xe, cho thuê mở quán hoặc quy định chung cư nào chưa đủ điều kiện phòng chữa cháy thì cắt điện, đẩy cư dân vào trạng thái hoang dã, làm sao văn minh lên được?.