Còn hôm vừa rồi là cuộc tấn công bạo lực của hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhằm ngăn cản lưỡng viện lập pháp nước này xác nhận chính thức thắng cử của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020.
Sau hơn 200 năm, Washington lại xuất hiện cảnh bạo lực hỗn loạn đến như thế. Không chỉ có riêng ông Biden mà nhiều chính khách nữa thuộc cả phe Đảng Dân chủ lẫn phía Đảng Cộng hoà đều nhìn nhận ngày 6/1 vừa qua là ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sau nước Anh, nước Mỹ được coi là nền dân chủ lâu đời thứ hai trên thế giới. Trong mọi nền dân chủ xưa nay, nghị viện được coi là trung tâm và trái tim của nền dân chủ. Tấn công bạo lực và phá phách trụ sở cũng như cản trở công việc, thóa mạ nghị viện luôn bị coi là những hành vi tấn công trực diện vào nền dân chủ. Nước Mỹ ngày 6/1 vừa qua trong tình trạng như thế. Chính khách và giới truyền thông đã dùng nhiều ngôn từ khác để định tính hóa sự việc này như đảo chính, khủng bố nội địa, nổi loạn...
Trước khi những người này tràn vào trụ sở quốc hội, đích thân ông Trump đã diễn thuyết tại cuộc tụ tập của họ trước trụ sở Quốc hội Mỹ. Từ cuộc tụ tập biểu tình phản đối ôn hòa đã trở thành trận phá phách bạo lực hỗn loạn. Đã có ít nhất 4 người bị thiệt mạng, cảnh sát bắt giữ hơn 60 người, các vị dân biểu phải sơ tán, phiên họp bị ngừng trệ, văn phòng của một số dân biểu bị chiếm giữ...
Cũng chính vì bạo loạn này mà nhiều người vốn ủng hộ ông Trump buộc phải công khai thể hiện thái độ bất bình và chấm dứt sự ủng hộ ông Trump. Những hình ảnh và diễn biến như thế buộc thế giới bên ngoài nước Mỹ phải nhìn nhận thực chất nền dân chủ ở Mỹ bằng con mắt khác. Quốc hội Mỹ cuối cùng rồi cũng hoàn tất việc xác nhận ông Biden là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và bà Kamala Harris - Thượng nghị sĩ bang California, là Phó Tổng thống Mỹ.
Bà Harris trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, lại còn là phó tổng thống da mầu và xuất thân gốc nước ngoài đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ông Biden hiện đã 78 tuổi và là Tổng thống Mỹ cao tuổi nhất khi chính thức nhậm chức. Việc xác nhận ông Biden là Tổng thống mới và bà Harris là Phó Tổng thống mới, hay nói theo cách khác là chính thức xác nhận lần cuối cùng và dứt điểm ông Trump không thể có nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai, được nhìn nhận là chiến thắng của nền dân chủ ở Mỹ, được đánh giá là nền dân chủ ở Mỹ vẫn còn hoạt động.
Nhưng nền dân chủ ấy đã bị tổn hại rất nặng nề mà không biết đến khi nào trong tương lai nước Mỹ mới có thể khắc phục được những tổn hại ấy. Từ nay, nước Mỹ không còn có thể lấy chính nền dân chủ ở đó ra làm mô hình khuôn mẫu cho thế giới bên ngoài. Dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền như ngày 6/1 vừa qua đã gây tổn hại cho thể diện và uy danh của chính nước Mỹ.
Vụ bạo loạn ở thủ đô nước Mỹ vừa qua còn là cái kết đầy tai tiếng của nhiệm kỳ của ông Trump. Phải đến sau khi Quốc hội Mỹ xác nhận chính thức thắng cử của ông Biden và bà Harris, ông Trump mới có tuyên bố công nhận sẽ có chính quyền mới và cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong trật tự. Phải đến khi ấy, ông Trump mới lên án vụ bạo loạn.
Nhưng ông Trump không thoát khỏi cái bóng của chính mình khi không thừa nhận đã thất cử và không chúc mừng người thắng cử. Điều có thể chắc chắn được sau bạo loạn ở Washington ngày 6/1 vừa qua là nước Mỹ sẽ phải bận rộn với chính mình trong thời gian dài và Đảng Cộng hòa sẽ dần tự thoát khỏi sự ảnh hưởng của ông Trump.