Ngày thế giới về di sản nghe nhìn 27/10: Nhìn về thực tế bảo tồn ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 27/10 hàng năm, thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày thế giới về di sản nghe nhìn, nhằm tôn vinh và nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn những tư liệu quý giá này đối với sự phát triển của nhân loại. Việt Nam là một quốc gia giàu di sản văn hóa, nhưng công tác bảo tồn di sản nghe nhìn vẫn còn nhiều thách thức. Hơn hết, làm thế nào để công chúng tiếp cận, hình thành ý thức bảo tồn sâu rộng vẫn là vấn đề lớn cần lời giải.
Bức ảnh tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn cơm cùng đồng bào chiến sĩ tại Chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Bộ VH,TT&DL)
Bức ảnh tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn cơm cùng đồng bào chiến sĩ tại Chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Bộ VH,TT&DL)

Ngày Thế giới về di sản nghe nhìn

Ngày Thế giới về di sản nghe nhìn 27/10 được Tổ chức UNESCO và Hội đồng Điều phối Hiệp hội Lưu trữ Nghe nhìn (CCAAA) thành lập nhằm vinh danh công tác bảo tồn tài liệu nghe nhìn trên toàn thế giới. Ngày này được thiết lập từ năm 2005, nhấn mạnh mối nguy cơ mà các tài liệu nghe nhìn phải đối mặt như xuống cấp do thời gian, điều kiện bảo quản không đảm bảo, hoặc sự lạc hậu của công nghệ. Các tài liệu nghe nhìn thường có tính chất dễ bị hư hỏng, đòi hỏi những nỗ lực bảo quản chuyên biệt để tránh mất mát và bảo tồn cho các thế hệ sau.

Các sự kiện trong ngày này thường bao gồm triển lãm, hội thảo, chiếu phim và các hoạt động giáo dục, nhằm khuyến khích cộng đồng quốc tế, từ các tổ chức đến cá nhân, cùng tham gia vào nỗ lực bảo vệ di sản nghe nhìn. UNESCO đặc biệt nhấn mạnh rằng việc bảo tồn di sản nghe nhìn không chỉ là việc giữ gìn những ký ức văn hóa mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu văn hóa và giáo dục trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, công tác bảo tồn di sản nghe nhìn đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong những năm gần đây, đặc biệt nhờ các dự án số hóa, phục hồi và bảo quản. Năm 1979, sự ra đời của Viện phim Việt Nam (tiền thân là Viện Tư liệu phim Việt Nam) là minh chứng cho thấy Nhà nước ta đã quan tâm, đánh giá cao giá trị của việc bảo quản, lưu trữ tư liệu điện ảnh. Dù lúc bấy giờ vẫn chưa được gọi tên là di sản nhưng điện ảnh Việt Nam đã được bảo quản, gìn giữ ở một mức độ nhất định.

Đáng chú ý, Viện Phim Việt Nam đã tiến hành các dự án số hóa với hàng trăm bộ phim tài liệu và tư liệu lịch sử để bảo tồn. Số hoá di sản cũng là một phần của chiến lược dài hạn nhằm lưu giữ và phổ biến di sản văn hóa nghe nhìn của Việt Nam. Cạnh đó, việc phục hồi các phim tư liệu lịch sử đã đóng góp lớn vào việc bảo tồn di sản nghe nhìn. Nhiều bộ phim cũ đã bị hư hỏng do thời gian và điều kiện bảo quản không tốt, nhưng nhờ các dự án phục hồi, chúng đã được khôi phục và bảo quản an toàn hơn. Nhiều bộ phim tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phục hồi và trình chiếu trong các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Việc khôi phục phim tư liệu cũng bao gồm việc xử lý các vấn đề về âm thanh và hình ảnh, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi công bố lại.

Bên cạnh việc bảo tồn phim ảnh, các tư liệu âm thanh cũng đã được chú trọng bảo tồn. Một trong những ví dụ điển hình về thành tựu bảo tồn tư liệu âm thanh lịch sử là việc khôi phục, bảo quản và số hoá bản ghi âm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, Việt Nam cũng chú trọng bảo tồn các bản ghi âm liên quan đến âm nhạc truyền thống, điển hình là Nhã nhạc cung đình Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những bản ghi âm của Nhã nhạc đã được số hóa và lưu trữ nhằm bảo tồn một phần quan trọng của văn hóa cung đình nhà Nguyễn.

Các dự án số hóa này không chỉ giúp bảo vệ các bản ghi âm khỏi sự hư hại theo thời gian mà còn góp phần đưa loại hình âm nhạc cổ truyền này tiếp cận với công chúng qua các kênh truyền thông hiện đại. Ngoài ra, nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng từ thời kỳ kháng chiến đã được khôi phục và phát hành lại, giúp giữ lại những âm thanh sống động của một thời kỳ đấu tranh hào hùng. Đơn cử, những bản ghi âm của các nghệ sĩ như NSND Quang Thọ và Nhạc sĩ Hoàng Vân đã được lưu trữ và phổ biến, nhằm bảo tồn những giá trị nghệ thuật và văn hóa quý báu.

Những thành tựu trong việc bảo tồn di sản nghe nhìn ở Việt Nam đã thể hiện nỗ lực to lớn từ các cơ quan quản lý văn hóa, tổ chức, đơn vị và các cá nhân tâm huyết. Tuy nhiên, với đặc tính dễ hư hại và cần môi trường bảo quản đặc biệt, nhiều tài liệu nghe nhìn đã bị mất đi hoặc đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Trên thực tế, công tác bảo tồn di sản nghe nhìn ở nước ta gặp vô vàn khó khăn do sự thiếu hụt nguồn lực và công nghệ. Một trong những nguyên nhân chính trong đó là thiếu môi trường lưu trữ đạt tiêu chuẩn cho các tài liệu nghe nhìn.

Vào năm 2016, trong chuyến công tác lần thứ ba trở lại Việt Nam để hỗ trợ công tác phục chế và bảo tồn kho phim tư liệu, chuyên gia phục chế phim tài liệu nổi tiếng người Bỉ, Jean-Pierre Verscheure, đã cảnh báo rằng: Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, kho phim tư liệu của Việt Nam sẽ hoàn toàn biến mất sau 10 - 15 năm nữa. Theo đó, các cuộn phim tại Việt Nam bị xuống cấp nhanh chóng do điều kiện thời tiết nóng ẩm, tuổi thọ của phim giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 30 - 40 năm thay vì 100 năm như ở môi trường lạnh. Quá trình phục chế cũng đối mặt với nhiều thách thức do thiếu hụt cơ sở vật chất, điều kiện lưu trữ chưa đảm bảo và cần nguồn kinh phí lớn để duy trì công tác bảo quản.

Để di sản “sống” trong lòng công chúng

Hình ảnh về kho phim của Hãng Phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Đạo diễn Thanh Vân)

Hình ảnh về kho phim của Hãng Phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Đạo diễn Thanh Vân)

Một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa sự trường tồn của di sản nghe nhìn tại Việt Nam là sự thiếu ý thức bảo tồn từ phía cộng đồng. Việc nhiều người chưa nhận thức rõ giá trị của các tài liệu này dẫn đến tình trạng ít quan tâm đến công tác bảo tồn. Nhiều tổ chức và cá nhân vẫn chưa hiểu đầy đủ tầm quan trọng của việc số hóa và lưu trữ các tư liệu quý giá này. Hậu quả là không ít tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh và âm nhạc ở Việt Nam đã bị lãng quên, khi công chúng không được tiếp cận với những tác phẩm mang giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc.

Ví dụ điển hình là các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, một tượng đài trong nền âm nhạc Việt Nam, nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa tiếp cận rộng rãi với giới trẻ. Sự thiếu nhận thức về giá trị của những ca khúc này đã khiến công tác bảo tồn trở nên khó khăn hơn. Câu chuyện này đặt ra một thách thức lớn cho công tác bảo tồn di sản nghe nhìn: Không chỉ giữ gìn mà còn cần làm sao để di sản “sống” trong lòng công chúng, để công chúng thụ hưởng và cảm nhận được vẻ đẹp và tầm quan trọng của di sản.

Như vậy, cốt lõi của vấn đề bảo tồn không dừng lại ở việc lưu trữ, mà là làm cho các di sản nghe nhìn trở nên gần gũi và dễ tiếp cận với công chúng. Một giải pháp khả thi đã được triển khai ở Việt Nam là số hóa các tác phẩm và đưa chúng lên các nền tảng trực tuyến, giúp người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, trải nghiệm. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, chiếu phim miễn phí hay các chương trình giáo dục về di sản nghe nhìn là những cách hữu hiệu.

Điển hình như sự kiện Triển lãm và chiếu phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) do Viện Phim Việt Nam tổ chức tại Điện Biên Phủ và Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và công chúng với những hoạt động thiết thực. Cụ thể, Triển lãm “Dấu ấn Điện Biên trong Điện ảnh” đã trưng bày khoảng 250 hình ảnh cùng tư liệu lịch sử quý giá về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên cạnh triển lãm, các bộ phim tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được chiếu, bao gồm các tác phẩm kinh điển như “Điện Biên Phủ” (1954), “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (1964), “Hồi ức Điện Biên” (1994). Khi di sản nghe nhìn chiếm được sự yêu mến và quan tâm của công chúng, việc bảo tồn sẽ trở nên hiệu quả hơn, các tác phẩm không chỉ dừng lại ở tư liệu lịch sử mà sẽ trở thành nguồn cảm hứng sống động.

Giáo dục và truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức bảo tồn di sản. Việc lồng ghép nội dung về di sản nghe nhìn vào chương trình học có thể giúp thế hệ trẻ thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của các tư liệu nghe nhìn. Song song đó, các chương trình truyền thông trên mạng xã hội góp phần thu hút sự chú ý của giới trẻ, mở rộng phạm vi tiếp cận. Hơn hết, việc khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn qua các hoạt động như thi làm phim tài liệu, chụp ảnh, hoặc tổ chức sự kiện liên quan đến di sản có thể tạo ra nhiều động lực. Khi cộng đồng tự chủ động tham gia, việc bảo tồn di sản sẽ không còn là trách nhiệm của một nhóm nhỏ mà trở thành phong trào toàn xã hội.