Nghệ An: Dân khổ vì nhà máy Xử lý nước thải hoạt động cầm chừng

(PLO) - Một nhà máy được xây dựng từ vốn vay nước ngoài để xử lý nước thải, nhưng hai năm qua từ ngày hoàn thành người dân vẫn chưa được hưởng lợi đầy đủ vì dự án chưa được đưa vào hoạt động chưa ổn định, đủ công suât để phát huy đầy đủ hiệu quả của dự án, bởi sự phớt lờ chỉ đạo của một doanh nghiệp và sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy nước thải TP. Vinh
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy nước thải TP. Vinh
Hệ thống xử lý nước thải hàng trăm tỷ đồng cầm chừng hoạt động
Là thành phố lớn với dân số gần nửa triệu người và mỗi ngày có hàng trăm nghìn m3 nước thải xả ra môi trường. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải, dự án “Thoát nước và xử lý chất thải các thành phố cấp tỉnh, chương trình miền Trung: Vinh – Nghệ An” được thiết lập từ nguồn vốn vay của Ngân hàng tái thiết Đức. 
Trong đó đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bao gồm hệ thống xử lý nước thải gồm hệ thống thu gom, các trạm bơm và một Nhà máy xử lý nước thải TP.Vinh (Nhà máy) được đặt tại xã Hưng Hòa có công suất 25.100m3/ngày do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư, tổng trị giá các công trình này hơn 200 tỷ Đồng, được thi công hoàn thành vào tháng 12/2012. 
Vậy nhưng, đến nay đã gần 2 năm kể từ khi hoàn, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chưa được hoạt động ổn định và đủ công suất để phát huy hiệu quả của dự án chỉ vì trạm bơm không được vận hành đủ công suất cấp nước cho Nhà máy.  
Qua tìm hiểu, xử lý nước thải là hoạt động liên hoàn, khép kín: Nước thải bẩn trên địa bàn thành phố sẽ được hệ thống kênh, mương gom về hồ sinh thái. Sau đó, qua trạm bơm, nước thải được bơm vào nhà máy và sau khi xử lý đạt yêu cầu nước sẽ được đưa ra hệ thống kênh mương. 
Tuy nhiên, thời gian qua, Trạm bơm nước thải số 2 đặt ở phường Trung Đô (một trong 3 trạm bơm có chức năng thu gom nước thải để đưa về xử lý tại nhà máy do Cty Cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh – INFRAVI quản lý) đã bơm nước không đủ khiến không chỉ Nhà máy phải hoạt động cầm chừng mà nước thải ứ lại gây ô nhiễm môi trường. 
Một người dân phường Vinh Tân bức xúc: Mang tiếng là hồ sinh thái nhưng ở đây lại quá bẩn, vì đủ loại rác thác khắp thành phố đổ  dồn về nhưng không được xử lý. Còn một người dân phường Trung Đô ngao ngán: Do bị ô nhiễm trầm trọng nên người dân ở đây đổi tên từ hồ sinh thái sang hồ “sinh bệnh”!?
Khi chỉ đạo của chính quyền bị phớt lờ
Theo tìm hiểu, sau khi công trình hoàn thành sẵn sàng bàn giao vào tháng 12/2012 thì gói thầu Nhà máy xử lý nước thải do Nhà thầu thi công là Công ty SFC không thể bàn giao cho đơn vị vận hành lúc đó là Infravi, mà Infravi chỉ nhận bàn giao hệ thống thu gom và trạm bơm. 
Lý do INFRAVI đưa ra là nhà máy phải vận hành qua đủ 4 mùa mưa nắng để kiểm nghiệm và vì INFRAVI không phải là đơn vị trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án nên việc bàn giao, tiếp quản phải có lịch trình cụ thể về thời gian và quan trọng nhất là “thành phố chưa bố trí được kinh phí vận hành cho INFRAVI”. 
Trên cơ sở đó, UBND TP Vinh đã giao SFC tiếp tục quản lý vận hành. Để kiện toàn tổ chức công tác vận hành toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, kết hợp giữa đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành là SFC và đơn vị địa phương là INFRAVI, đặc biệt là tiết kiệm chi phí vận hành, tại các cuộc họp với UBND tỉnh, UBND thành phố, các Sở ngành, INFRAVI và SFC đã thống nhất thành lập liên danh vận hành INFRAVI – SFC, thống nhất cơ chế phối hợp vận hành giữa trạm bơm và Nhà máy. Tuy nhiên, INFRAVI sau đó lại có văn bản phản đối và không phối hợp. 
Cụ thể, sau khi tổ chức họp với sự có mặt của INFRAVI và SFC cùng các ban, ngành liên quan, ngày 13/6/2014, UBND TP.Vinh có Thông báo số 126 truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Lê Quốc Hồng: “…INFRAVI và SFC thống nhất thành lập liên danh để quản lý và vận hành các trạm bơm nước thải, hệ thống ống áp lực và nhà máy xử lý nước thải...báo cáo UBND TP trước ngày 20/6/2014”. 
Nhưng sau đó INFRAVI lại có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, TP.Vinh và các ban, ngành liên quan với nội dung: Không thực hiện liên danh như kết luận của UBND TP.Vinh. 
Về vấn đề này, ngày 26/6/2014, UBND TP. Vinh đã có liên tiếp hai công văn: Công văn 3014 giao INFRAVI làm việc với SFC để cung cấp về công suất bơm và thống nhất chế độ bơm nước thải từ trạm bơm dẫn vào nhà máy xử lý; Còn Công văn 3015 “phân định”: SFC thực hiện vận hành nhà máy xử lý nước thải theo sổ tay vận hành và bảo dưỡng đã được UBND TP Vinh phê duyệt, INFRAVI khẩn trương tổ chức thu phí nước thải theo Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh; vận hành và bảo dưỡng hệ thống đường ống và trạm bơm nước thải theo đúng quy trình được duyệt… Vậy nhưng mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.
Trước tình trạng này, ngày 3/9/2014 ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì họp có sự tham gia của UBND TP Vinh, các sở ngành, INFRAVI và SFC. Trong buổi họp đã có sự thống nhất cần thiết phải thành lập liên danh SFC-INFRAVI để đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến lựa chọn đơn vị công ích theo Nghị định 130/2014/NĐ-CP, Luật Đấu thấu số 43/2014/QH13, Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì chỉ có thể giao cho Liên danh SFC-
INFRAVI, hoặc phải thực hiện đấu thầu không thể giao riêng cho INFRAVI. Các bên dự họp, đã thống nhất thành lập liên danh. Tuy nhiên, sau đó INFRAVI lại tiếp tục có văn bản trình bày một phương án phối hợp khác - như vậy lại một lần nữa INFRAVI không thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP.Vinh.
Với động thái này, nhiều người băn khoăn liệu INFRAVI được ai chống lưng mà lần này lượt khác không thực hiện chỉ đạo của UBND TP Vinh? Và đặc biệt là phớt lờ quyền lợi của người dân vì chi phí đầu tư cũng như vận hành suy cho cùng là tiền thuế của người dân?
Một mặt INFRAVI không phối hợp, một mặt khác INFRAVI đã thực hiện chế độ bơm cầm chừng, thậm chí nhiều ngày ngừng bơm nước thải gây khó khăn cho việc vận hành Nhà máy và ứ đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Hoàng Quân (phường Hưng Bình, TP Vinh) bức xúc: Tiền thì thu mà nước thải thì không xử lý, họ làm ăn kiểu gì vậy?. Còn ông Vũ Quang (phường Vinh Tân) gay gắt: Nhà máy và hệ thống thu gom hàng trăm tỷ đồng đều từ đi vay nước ngoài, sau này cũng đổ đầu người dân. Việc nhà máy hoạt động không hiệu quả thì tỉnh và thành phố cần xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể liên quan.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An và TP Vinh cần nhìn thẳng vào sự thật làm rõ việc vì sao nước thải không được bơm đủ cho nhà máy, vì sao INFRAVI lại có những biểu hiện phớt lờ chỉ đạo của UBND TP và vì sao lại có sự chênh lệch về chi phí bảo dưỡng như vậy?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!
Về sự việc này, một số tài liệu mà chúng tôi có được liên quan đến chi phí vận hành, bảo dưỡng trong khi UBND TP.Vinh duyệt cho SFC giai đoạn đầu năm 2013 để vận hành nhà máy khoảng 152 ngàn đồng/tháng (1,8 tỷ đồng/năm) thì chi phí mà INFRAVI đang trình UBND TP Vinh riêng chi phí quản lý vận hành hệ thống là 1,5 tỷ đồng/tháng (18,2 tỷ đồng/năm), cộng thêm chi phí khấu hao là 10,7 tỷ đồng/năm, trong khi đó phần lớn chi phí là cho công tác quản lý vận hành Nhà máy Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy? 

Đọc thêm