Trong những năm qua, nền kinh tế xã hội nước ta đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Các chương trình chăm sóc sức khỏe quan trọng phòng chống một số bệnh xã hội như bệnh suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em được đẩy lùi từng ngày, theo hàng năm. Năm 1999, tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi bị SDD của Nghệ An ở mức 45,1%, là 1 trong 7 địa phương có tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi bị SDD cao nhất cả nước. Đến năm 2013 là 19,3% đứng thứ 27/63 tỉnh, thành.
|
Một buổi giám sát tại Trung tâm Y tế xã |
Tuy nhiên, tình trạng an ninh lương thực ở nhiều vùng còn bấp bênh do chịu ảnh hưởng của thiên tai bất thường. Các nguyên nhân của SDD là phức hợp từ nguyên nhân trực tiếp do ăn uống, bệnh tật đến các yếu tố chăm sóc trong đó có cách nuôi dưỡng trẻ còn thiếu hiểu biết của các bà mẹ, nhất là ở miền núi.
Với mục tiêu chung của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm) Nghệ An là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc dinh dưỡng hợp lý; hạn chế các vấn đề sức khỏe mới nảy sinh có liên quan đến dinh dưỡng.
Với những mục tiêu cụ thể: Người dân được nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý; tỷ lệ bà mẹ có kiến thức thực hành dinh dưỡng đúng tăng; giảm tỷ lệ SDD thiếu cân (cân nặng theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm 19,3% đến năm 2013; tỷ lệ SDD thể còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 0,8%....
Trong năm 2013, các hoạt động chăm sóc về kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai với những chỉ tiêu như sau: 85% bà mẹ mang thai được khám thai ít nhất 3 lần/kỳ thai nghén; 90% trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng ít nhất 3 tháng/lần; 100% trẻ em dưới 2 tuổi SDD được theo dõi cân nặng hàng tháng… Trong đó, kết quả đạt được trong công tác truyền thông phòng chống SDD trẻ em là hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn.
Hoạt động này được duy trì có chất lượng như mở các lớp học được làm bố, làm mẹ, các lớp học thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi, các lớp học đã mở thường xuyên tại tuyến xã, phường và tại trung tâm tỉnh. Với các hoạt động như: phối hợp đài truyền hình đưa tin các ngày lễ; treo băng rôn, các pano; in tờ rơi…
Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ chuyên trách và kế toán dinh dưỡng vào tháng 4/2013 cho 4 huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương, Đô Lương. Hoạt động tại xã điểm, huyện điểm có 105.000 tờ rơi theo dõi trẻ em < 5 tuổi; Cấp 210 cân trẻ, bổ sung xuống tận thôn bản để cho cộng tác viên có phương tiện cân trẻ hàng tháng và đánh giá tỷ lệ SDD hàng năm trẻ dưới 5 tuổi; Cấp 976 thước đo chiều cao cho 20 huyện thành.
Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp liên ngành được phối kết hợp có kết quả cao như: phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ngành giáo dục mầm non, hội phụ nữ trong nhiều hoạt động tập huấn cộng tác viên, thực hành dinh dưỡng, mở lớp làm bố làm mẹ…
Tuy nhiên, hoạt động này còn có nhiều khó khăn như địa bàn rộng, đi lại khó khăn, trình độ dân trí dân còn thấp, đặc biệt 4 huyện vùng núi cao, dân tộc thiểu số. Một bộ phận dân cư đang ở mức chưa đủ ăn về lượng, tập quán còn lạc hậu. Một số thôn bản chưa có điện nên vấn đề truyền thông còn hạn chế. Nguồn kinh phí hoạt động được tại địa phương chỉ dựa vào Trung ương và tỉnh; Việc các huyện miền núi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt; tỷ lệ SDD còn ở mức cao so với trung bình toàn quốc….
Năm 2011, tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi ở Nghệ An bị SDD là: 20.9%. Do chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh Nghệ An đến 2015 là 15%, trung bình mỗi năm phải giảm 1,18%, vì thế tỷ lệ SDD cân nặng trên tuổi không đạt, trong khi đó, đối với chỉ tiêu của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế giao cho tỉnh Nghệ An là năm 2012 giảm 0,7% (thực hiện 0,8%); năm 2013 chỉ tiêu Trung ương giao giảm 0,6% (thực hiện 0,9%). Năm 2013, tỷ lệ trẻ em< 5 tuổi còn 19,3%. Năm 2013, Nghệ An đứng thứ 27 trên toàn quốc tỷ lệ giảm SDD, được Bộ y tế đánh giá giảm nhanh bền vững.