“Uống nước lã mà truyền dạy hay sao?”
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc Cung đình Huế; Hát Ca trù người Việt; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” … UNESCO đã xưng tụng những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là “Báu vật nhân văn sống”. Họ chính là chủ thể của di sản, vừa là người sáng tạo, vừa là người trình diễn và phát triển, truyền dạy... giá trị của di sản văn hóa phi vật thể qua bao đời nay và cho thế hệ mai sau.
Nghệ nhân dân gian là kho tư liệu sống vô giá của quốc gia đang lần lượt ra đi, những người còn sống cũng mong manh như “ngọn đèn trước gió”. Hầu hết những nghệ nhân dân gian ở các loại hình khác đều xuất thân từ những vùng nông thôn, quanh năm gắn bó với nghề nông, suốt một đời lam lũ, vất vả đều có chung nỗi băn khoăn.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ (Hà Nội) từng trải lòng: “Lắm lúc chúng tôi cũng buồn lắm. Nhà nước cứ bảo khẩn cấp rồi cái nọ, cái kia nhưng mà khẩn cấp mà cứ vin vào cái ngọn như thế, còn chúng tôi có đả động gì đến đâu. Lấy gì mà ăn, ăn bám vào con, bây giờ cứ đi dạy không trông nom cửa nhà được cho các con, uống nước lã mà truyền dạy sao”?
Bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội bức xúc: “Mặc dù ca trù đã được vinh danh nhưng sau vinh danh, nó vẫn chưa được quan tâm đúng như những gì đáng được nhận. Cứ cái đà này, không khéo các cụ xin “từ” danh hiệu cũng nên”. Có những người tuổi cao mà vẫn thức đêm này sang đêm khác để hát thì chả được danh hiệu gì, vậy mà có những người chỉ đi nước ngoài lại được nghệ nhân ngay. Chúng tôi, những người thuộc khối quần chúng, chỉ có cái tâm gìn giữ di sản văn hóa của mình mà cũng không khỏi thấy ngậm ngùi, bất công”.
Nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư (85 tuổi) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ Anh) trăn trở, nếu không có sự quan tâm đúng mức, khoảng trống giữa các thế hệ ngày một lớn, lớp trẻ sẽ “hụt hơi” trong cuộc chạy đua tiếp sức để bảo tồn vốn quý của tổ tiên. Tuổi này, gần đất xa trời, mong tỉnh, Nhà nước sớm quan tâm đến nghệ nhân già như chúng tôi chứ đến lúc nhắm mắt xuôi tay rồi thì còn biết gì nữa. Đừng để lễ phong tặng trở thành lễ truy tặng”.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc, nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu ra đi ngậm ngùi trong bệnh tật, đói nghèo, không được đãi ngộ gì. Trong đám tang cụ Chúc, học trò của cụ là ca nương Phạm Thị Huệ đã phải thốt lên: “Mong Nhà nước sớm có chế độ chính sách quan tâm đến nghệ nhân để các cụ đỡ thiệt thòi”.
GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đặt câu hỏi, không biết việc ban hành một chính sách đãi độ cho các nghệ nhân dân gian thì khó ở chỗ nào, vướng ở khâu nào mà khó khăn đến thế? Các nghệ nhân đều ở tuổi gần đất xa trời, có gần 70 cụ đã nhắm mắt xuôi tay mà chưa một lần được biết khoản tiền đãi ngộ. Trong khi, các địa phương đua nhau dốc tiền tỷ cho các dự án bảo tồn văn hóa cổ truyền nhằm được UNESCO công nhận.
Báu vật sống được hỗ trợ sinh hoạt phí
Nghị định 109/2015/- CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ban hành ngày 28 tháng 10 năm 2015. Theo Nghị định, mức trợ cấp 1 triệu đồng/tháng dành cho 3 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt ở trên thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp 850.000 đồng/tháng áp dụng đối với 3 đối tượng nêu trên thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở và đối tượng 4 thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở. Còn mức trợ cấp 700.000 đồng/tháng áp dụng đối với đối tượng 4 thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở.
Cùng với chế độ trợ cấp hàng tháng theo 3 mức nói trên, các nghệ nhân dân gian thuộc diện được hưởng trợ cấp còn được đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo (mức đóng tại thời điểm ban hành Nghị định này bằng 4,5% mức lương cơ sở do Chính phủ quy định); đồng thời được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, các đối tượng trên khi qua đời thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tổ chức mai táng được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng là 7 triệu đồng/ người. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Mức trợ cấp đó chưa hẳn đã lớn nhưng thực sự ý nghĩa với các nghệ nhân với hiện đa số đang thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Đây là tin vui đối với những “báu vật sống”. Được tôn vinh và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, các nghệ nhân sẽ yên tâm trao truyền bí quyết, vốn liếng mà mình đang giữ cho thế hệ trẻ. Và tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc sẽ được bảo tồn, phát huy và vinh danh.