Xuân này con không về
Có mặt tại gia đình ông Lê Văn Tiến (SN 1946) bà Lê Thị Huệ (SN 1948, trú tại phường Nghi Thu, TX Cửa Lò, Nghệ An) khi cả nhà đang ngóng thi thể của thiếu tá Lê Hồng Quân tại TP.HCM đưa về nhà. Bà Huệ từ lâu đã ốm đau liên miên, bà kiệt sức từ khi nghe tin con trai tử nạn trên chuyến bay.
“Trưa hôm qua (28/1) gia đình xem ti vi nói có vụ tai nạn trong TP.HCM lại là đơn vị của thằng Quân, ông Tiến liền điện vào cho con trai nhưng không liên lạc được. Cả nhà đứng ngồi không yên, rồi điện cho con gái trong đó đến đơn vị anh trai xem răng. Thì con gái điện về báo là máy bay bị nạn nhưng anh nỏ bị chi mô, hắn nói rứa co bố mẹ yên tâm nhưng cả nhà linh tính có chuyện chẳng lành. Đến tối xem thời sự thì biết tin mới rụng rời hết chân tay”, bà Huệ nức nở khóc.
Sau khi nhận được tin từ đơn vị báo về, ông Tiến đã bay vào trong TP.HCM để làm việc với đơn vị và có nguyện vọng đưa anh Quân về quê an táng. Ông Lê Sơn (SN 1960, em gái bà Huệ) nói: “Chị Huệ vốn đã ốm đau, từ khi nghe tin bà ngất xỉu rồi nằm một chỗ gọi tên con trai, không ăn uống được chi, không hề chợp mắt…”.
Năm 1992 khi Quân đang học lớp 12, Trường THPT Thanh Chương 1 thì có đợt sơ tuyển phi công tại trường. Vì đam mê với nghiệp lính để gin giữ bầu trời tổ quốc Quân tham gia và đã vượt qua vòng sơ tuyển. Tốt nghiệp xong cấp 3, Lê Hồng Quân thi đậu vào Học viện Phòng không không quân. Sau 8 năm được rèn luyện, đào tạo (gồm 5 năm tại Hà Nội và 3 năm học ở Nha Trang), Lê Hồng Quân ra trường và công tác tại Trung đoàn 917, Sư 370, Quân chủng Phòng không không quân.
Ông Tiến và bà Huệ sinh được 5 người con, anh trai đầu là Lê Thanh Thu cũng theo nghiệp lính nhưng bị thương trong lúc làm nhiệm vụ và là thương binh. Quân sinh thứ hai trong gia đình, từ bé đã ngoan ngoãn, học giỏi nên được nhiều người quý mến. Mãi tới năm 35 tuổi mới lập gia đình, đứa con gái đầu lòng hơn 6 tuổi, đứa con gái thứ hai mới hơn 12 tháng tuổi.
“Từ khi đi làm đến giờ hắn có năm mô được ở nhà ăn tết với bố mẹ mô, hiểu là nghiệp lính nên bố mẹ cũng không trách được nhưng muốn nó ở nhà lắm. Tết năm ngoái (20140 sau tết hắn đi công tác nên ghé về thăm nhà được ba ngày rồi đi biệt từ đó đến giờ luôn…”, bà Huệ kể.
|
Những người trong gia đình bà Huệ đau đớn, thất thần khi nghe tin phi công Quân tử nạn. |
Cuộc trò chuyện cuối cùng
Bà Huệ cho biết thêm, “Tối trước khi xảy ra tai nạn một hôm Quân có điện về hỏi thăm mẹ và bố. Lần mô điện về hắn cũng nói “con chào mẹ, con Quân con trai mẹ đây”. Rứa mà, trưa hôm sau đã xảy ra chuyện, răng ông trời lại nỡ cướp con trai của tui mà hắn có tội chi mô…”. Bà Huệ lại nức nở khóc. Không ai ngờ được đó là lần cuối bà trò chuyện với con trai. Trước đó, anh Quân hẹn về thăm gia đình nhưng vì nhiệm vụ phải trực nên không về được, Quân đã điện thoại về báo tin và xin lỗi cả nhà.
Cụ Nguyễn Thị Thanh (82 tuổi – hàng xóm nhà bà Huệ) nói “Thằng Quân ngoan lắm, lần mô về cũng mua quà sang cho bà, hỏi thăm bà. Trưa ni nghe mấy đứa nói mới biết tui không tin nên sang hỏi bà Huệ coi sự tình răng. Ai Ngờ thằng Quân mất thật rồi…”, bà đưa bàn tay nhăn nheo dụi dụi đôi khóe mắt đang đỏ và gạt dòng nước mắt đang lăn dài trên má.
Được biết, gia đình thiếu tá Quân giàu truyền thống cách mạng, ông nội là chiến sỹ địch bắt tù đày, hai cậu là liệt sĩ gồm liệt sĩ Lê Hồng Lương (hi sinh năm 1972) và liệt sĩ Lê Văn Trường (hi sinh năm 1979). Bố mẹ Quân cũng tham gia cách mạng với nhiệm vụ bảo vệ, sữa chữa và làm giao thông đẻ thống tuyến cho bộ đội hành quân.
“Mất mát lớn lao của gia đình không có gì bù đắp được, dẫu rằng gia đình quá đau xót vì cháu đã hi sinh nhưng cũng rất tự hào về cháu mình vì nhiệm vụ, vì bình yên bầu trời tổ quốc mà hi sinh… gia đình có nguyện vọng đưa cháu về an táng tại quê nhà cho gần bố gần mẹ. Chỉ tội vợ nó và hai đứa trẻ bơ vơ…”, ông Sơn rưng rưng nước mắt.
Trước đó, vào sáng ngày 28/1, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện theo kế hoạch thường xuyên máy bay trực thăng UH1 thuộc Trung đoàn không quân 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không- Không quân mất liên lạc và rơi tại khu rừng tràm, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, cách điểm xuất phát (sân bay Tân Sơn Nhất) theo hướng Tây Tây Nam khoảng 15 km.
Trong phi cơ có 4 chiến sĩ hi sinh gồm: Thượng tá Trần Văn Đức, chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 917; Thượng tá Đỗ Văn Chính - cơ giới trên không; Lê Hồng Quân, phi công phụ dẫn đường; Nguyễn Việt Cường - phi công đang đào tạo lái chính.