Nghi án dàn dựng vụ cướp tài sản ở Hà Nội: Nhiều dấu hỏi chưa được làm rõ

(PLO) - Ngày 27/1/2016 tới đây, vụ án Hồ Thanh Sơn cướp tài sản của một cựu kiểm sát viên sẽ được TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đưa ra xét xử sơ thẩm sau nhiều lần hoãn và trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, điều lạ lùng là đã qua 5 lần mở phiên tòa nhưng Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào quyết định phân công kiểm sát viên tham gia vụ án này. Liệu đằng sau việc vi phạm tố tụng này có điều gì ẩn khuất? 
Bị cáo trước vành móng ngựa.
Nhiều dấu hiệu… lạ 
Luật sư Đoàn Trọng Bằng- người bào chữa cho bị cáo Hồ Thanh Sơn đã từng kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định kiểm sát viên nào sẽ được phân công tham gia vụ án. Trong khi đó, khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định rõ, kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra; tham gia phiên tòa, đọc cáo trạng… 
Vậy các kiểm sát viên đã tham gia các phiên tòa xét xử vụ án Hồ Thanh Sơn cướp tài sản căn cứ vào văn bản được phân công nhiệm vụ nào để đến phiên tòa thực hành quyền công tố của mình? Tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 cũng quy định về nhiệm vụ và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát. Theo đó, Viện trưởng phải có Quyết định phân công Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự. Liệu có thể đặt nghi ngờ VKSND quận Hai Bà Trưng và các kiểm sát viên đang làm việc… miệng với nhau trong vụ án này?
Cũng trong hồ sơ vụ án, ngày 27/4/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Hai Bà Trưng đã ra Văn bản số 03 gửi VKSND quận Hai Bà Trưng đề nghị chuyển vụ án hình sự Hồ Thanh Sơn cướp tài sản lên Công an TP Hà Nội điều tra để tiến hành triệt để khách quan. Trong văn bản này, cơ quan quận Hai Bà Trưng nêu rõ sau khi xác định vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Công an TP Hà Nội, để đảm bảo thẩm quyền, đề nghị trong thời hạn 3 ngày nhận được bản kiến nghị này, đề nghị VKSND quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm ra quyết định chuyển vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. 

Tuy nhiên, ngày 4/5/2014, VKSND quận Hai Bà Trưng đã ra văn bản khẳng định vụ án thuộc thẩm quyền Công an quận, đề nghị Công an quận tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Đặt giả thiết cán bộ đánh máy của VKSND quận Hai Bà Trưng đánh máy sai năm thì cũng có thể đặt dấu hỏi ở vụ án này. Tại sao VKSND quận Hai Bà Trưng cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền quận điều tra mà không thể có một văn bản quyết định phân công nhiệm vụ kiểm sát viên tham gia vụ án? Có điều gì khuất tất trong vụ án này không? 

Văn bản không đồng ý chuyển vụ án lên Công an TP Hà Nội của VKSND quận Hai Bà Trưng.  
 

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn, vụ án này còn một chi tiết đáng chú ý nữa, đó là việc… thu giữ vật chứng sau khi có biên bản bắt quả tang người phạm tội. Ở bút lục 233 hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan điều tra có thu giữ 1 chiếc quần của ông Nguyễn Văn Hợp bị xé đứt cúc nhưng trong Biên bản bắt người phạm tội quả tang (bút lục 8) ở phần thu giữ vật chứng không hề xuất hiện chiếc quần nào. Vậy chiếc quần trong hồ sơ vụ án là chiếc quần nào? 

Từ đùa giỡn thành… cướp giật?
Theo nội dung vụ án, vào lúc 14h30 ngày 21/10/2014, Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt quả tang Hồ Thanh Sơn (thường trú quận Ba Đình, Hà Nội) đã có hành vi cướp tài sản của ông Nguyễn Văn Hợp (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ở quán café Bibi 47 Đại Cồ Việt (Hà Nội). 
Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa lần thứ 3 cho thấy, bị cáo Hồ Thanh Sơn đã ra khỏi quán café đi ăn trưa nhưng bị ông Hợp gọi lại nhờ chứng kiến việc ông Hợp trả tiền cho cháu vợ ông Sơn. Ngoài ra, các nhân chứng của vụ án (anh Hảo, Trung, Đạt) cũng khẳng định đến khoảng gần 1h chiều, vì quá mệt mỏi, các anh bảo Hợp về chuẩn bị tiền trả nợ sau nhưng Hợp cố giữ mọi người ở lại với lời khẳng định “đang cho người mang tiền đến”. 
Tiền không thấy đến, chỉ thấy khoảng hơn một tiếng sau, công an ập vào và đưa cả đội về đồn qua lời báo án của vợ bị hại Nguyễn Văn Hợp. Nhân chứng Phùng Minh Đạt (người quen thân với bị hại Nguyễn Văn Hợp) cho biết, anh không hề biết Hồ Thanh Sơn cho đến ngày xảy ra vụ án. Tất cả những hành động đã chứng kiến ở quán café, Đạt chỉ đơn thuần nghĩ là sự trêu đùa giữa hai người bạn (trước đấy Hợp và Sơn là bạn bè). Chỉ cho đến khi được biết Hồ Thanh Sơn đã bị tam giam về tội danh “Cướp tài sản”, Đạt mới giật mình và tự nguyện gửi đơn đến các cơ quan chức năng minh oan cho Hồ Thanh Sơn. 

Đọc thêm