Vượt qua mặc cảm
Năm 2007, trong một lần tham gia giao thông, Tiến gây ra tai nạn khiến một cặp vợ chồng bị thương tích. Năm 2009, vụ việc được đưa ra xét xử và Tiến bị tuyên phạt 18 tháng tù giam. Lúc này, Tiến vừa học xong năm thứ nhất Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Vậy là ước mơ đại học của Tiến đành phải bỏ dở dang.
Đối với nhiều người, thời gian chấp hành án tù là quãng thời gian buồn chán và đầy mặc cảm. Thế nhưng với Tiến lại khác. Theo lời Tiến chia sẻ, mặc cảm, buồn chán sẽ khiến tinh thần suy sụp hơn, càng ngày sẽ không còn ý chí và khát vọng sống.
Thời gian ở trong trại, Tiến luôn động viên mình lạc quan, xem bản án là một thử thách trong cuộc đời. Tiến luôn chấp hành tốt nội quy của Trại, ăn uống, tập thể dục đều đặn và luôn nuôi dưỡng ước mơ trở lại trường đại học.
Do chưa đủ tiền để bồi thường trách nhiệm dân sự nên Tiến không được giảm án. Sau 18 tháng chấp hành án, tháng 5/2011 Tiến trở về nhà. Lúc này, thời hạn bảo lưu kết quả học tập đã hết nên Tiến không được tiếp tục học Đại học Kinh tế. Biết trước điều này, lúc còn ở trong trại giam, Tiến đã nhờ chị gái nộp hồ sơ đăng ký thi vào trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh.
Chỉ còn 29 ngày nữa là đến ngày thi đại học, không để lãng phí thời gian, ngay sau khi ra trại Tiến bắt đầu miệt mài đèn sách. Sự nỗ lực của Tiến đã được đền đáp, chàng trai đã thi đỗ đại học trong sự ngỡ ngàng và thán phục của mọi người.
Kể về ngày đi thi đại học lần thứ hai năm ấy, Tiến bùi ngùi: “Sau vụ tai nạn giao thông, kinh tế gia đình em đã nghèo lại thêm khánh kiệt. Trước ngày em đi thi, nhà có nuôi con lợn thịt mới 40kg, dù chưa đến tuổi xuất chuồng nhưng mẹ đành phải bán mới có tiền cho em làm lộ phí. Cầm tiền từ tay mẹ mà nước mắt em tự nhiên chảy dài. Em tự nhủ với lòng mình, phải thi đỗ đại học và phải có việc làm ổn định để đỡ đần bố mẹ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hải (bố của Tiến) xúc động nói: “Thời gian ở trong tù khá lâu cháu không ôn được bài vở gì, tinh thần lại sa sút. Khi cháu ra trại, thời gian ôn tập chưa đầy một tháng, cả gia đình không dám hy vọng nhiều. Thế nhưng cháu lại thi đỗ đại học, gia đình tôi mừng khôn xiết”.
Bốn năm học đại học của Tiến là 4 năm vô cùng khó khăn, vất vả. Vụ tai nạn giao thông trước đó đã lấy đi 70% sức khỏe của Tiến. Nhà nghèo nên để có tiền ăn học, Tiến phải đi làm thêm. Do sức khỏe kém nên Tiến chọn những công việc nhẹ nhàng, từ rửa bát, chạy bàn quán ăn, cà phê đến phụ xưởng sản xuất bánh… Tiến đều làm và làm chăm chỉ để bớt gánh nặng cho gia đình. Vào dịp Hè hay Tết, trong lúc các sinh viên nghỉ ngơi hoặc về với gia đình thì Tiến ở lại làm thêm.
Tiến vui vẻ tâm sự: “Không về quê vào dịp Tết sẽ đỡ tốn tiền tàu xe, làm thêm lại được trả lương lương cao hơn ngày thường nên em tranh thủ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chỉ làm việc trong 2 tuần nghỉ Tết mà em có thể chi tiêu tạm đủ cho 4 tháng sau”.
Tiến còn cho biết, thấy em thường xuyên đi làm thêm, một số sinh viên tỏ vẻ ái ngại. Tiến bảo: “Việc gì tôi cũng có thể làm, miễn đó là việc chân chính, không vi phạm pháp luật là được”.
Lứa gà thịt đầu tiên thành công của Tiến |
Tương lai rộng mở
Sự cố gắng, nỗ lực của Tiến cuối cùng cũng được đền đáp, năm 2015, Tiến đã tốt nghiệp đại học và về quê xin việc làm. Khi Tiến vừa được một công ty ở TP. Đà Nẵng nhận vào làm việc thì gia đình lại có biến cố, mẹ em ốm nặng. Nhận thấy tình hình nguy cấp, Tiến quyết định phải đưa mẹ vào TP.Hồ Chí Minh khám chữa.
Cha yếu, 2 chị gái đã có chồng, việc chữa bệnh cho mẹ phải trông cậy vào Tiến, dù sức khỏe bản thân em cũng không được tốt. Vậy là Tiến nghỉ việc, đưa mẹ ngược vào Sài Gòn chữa bệnh. Gần một năm ròng rã nuôi mẹ bệnh ở xứ người, tháng 10/2016, Tiến đưa mẹ trở về quê.
Tiến tâm sự: “Mất cơ hội làm việc em cũng tiếc lắm nhưng em nghĩ mình có ý chí, có sức khỏe không làm việc này thì tìm việc khác. Sức khỏe của mẹ là quan trọng, nếu không cứu chữa kịp thời em sẽ mất mẹ”.
Sau khi sức khỏe của mẹ đã tiến triển tốt, Tiến bắt tay ngay vào tìm kiếm việc làm. Tiến xác định tìm việc làm ổn định gần nhà để có điều kiện tiếp tục chăm sóc bố mẹ. Đầu tiên, Tiến mở trại nuôi gà thịt.
Do mới lần đầu tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi nên công việc khá vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, nhờ siêng năng tìm tìm tòi, chăm lao động và thông minh, Tiến đã bước đầu thành công với trại gà 1.000 con. Tiến cho biết, dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, Tiến đã xuất lứa gà đầu tiên và thu lãi hơn 30 triệu đồng.
Ngoài nuôi gà, Tiến còn làm bánh Bông lan quy mô nhỏ bán cho các cửa hàng quanh vùng. Theo lời Tiến tâm sự, những năm học đại học, em đi làm phụ việc cho một xưởng bánh bông lan. Thấy em hiền lành, chăm chỉ, bà chủ đã tận tâm truyền nghề. Khi trở về quê, Tiến nghĩ ngay đây là công việc phù hợp với mình nên đầu tư mua thiết bị và thực hiện ngay. Hiện tại, thiết bị làm bánh có công suất nhỏ, Tiến chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, mỗi đợt chỉ làm 2-5 kg.
Tiến cho biết, lợi nhuận từ nghề làm bánh bông lan khoảng 15 đến 20% doanh thu. Bánh của Tiến có thể đắt hơn các bánh cùng loại trên thị trường nhưng đảm bảo chất lượng và hợp vệ sinh nên nhiều người tin dùng. Tiến đang có kế hoạch nâng công suất thành xưởng sản xuất bánh chuyên nghiệp hơn, được cơ quan chức năng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để lưu thông trên thị trường.
Trong các ý tưởng “làm ăn” của Tiến còn có việc sản xuất rau thủy canh, trồng nghệ trong bao tải. Tiến trồng nghệ trong các bao tải đất rồi để dọc hàng rào bờ đá, dưới tán cây, những nơi đất cằn quanh vườn nhà không thể trồng được cây gì.
Tiến cho biết, như vậy sẽ tận dụng được tối đa diện tích đất bỏ hoang. Tiến cho biết, từ việc nuôi gà, trồng rau thủy canh, trồng nghệ đến việc sản xuất đất sạch bằng cách đốt tồn tính các loại cây dại, Tiến đều tự mày mò học từ sách vở, báo chí. Ít ai nghĩ rằng, thanh niên đã từng khoác áo phạm nhân là một người say mê khoa học.
Tiến học được nghề làm bánh bông lan từ thời sinh viên. |
Nói về mô hình trồng rau thủy canh, Tiến bộc bạch: “Phương pháp thủy canh cho sản phẩm rau sạch nhưng giá thành cao nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, bởi người dân vùng quê Tiên Phước chưa quen với sản phẩm này. Nếu được hỗ trợ mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm, em tin rằng mô hình này sẽ đem lại hiệu quả”. Mong mỏi của Tiến trong thời gian tới là được giúp đỡ tạo điều kiện để phát triển sản xuất.
Nhắc lại chuyện án tù, Tiến ngậm ngùi: “Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, bản thân em sau tai nạn cũng chỉ còn 29% sức khỏe. Bản án em đã chấp hành xong nhưng điều khiến em buồn là nhiều người có thái độ phân biệt đối xử sau khi em ra tù. Em mong muốn mọi người có cái nhìn cảm thông và đối xử công bằng như với một công dân bình thường”.