Nghị lực phi thường của “tỷ phú không tay” đất Hải Dương

(PLO) - Bị bom bi phát nổ cướp đi hai tay và một chân, bản thân liên tiếp trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc sống nhưng bằng sự cố gắng phi thường, anh Nguyễn Đình Tuấn (thôn Cầu Dòng, phường Cộng Hòa, huyện Chí Linh, Hải Dương) đã viết nên một câu chuyện cảm động, đong đầy nghị lực sống và ý chí làm giàu.
Nhờ nghị lực phi thường của bản thân, Nguyễn Đình Tuấn đã trở thành “tỷ phú không tay” nổi tiếng khắp vùng đất Hải Dương
Nhờ nghị lực phi thường của bản thân, Nguyễn Đình Tuấn đã trở thành “tỷ phú không tay” nổi tiếng khắp vùng đất Hải Dương
Hành trình chiến thắng số phận
Nghe kể, năm Nguyễn Đình Tuấn 12 tuổi, một người trong làng nhặt được quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Hiếu kỳ, cậu bé Tuấn cùng đám bạn trong xóm xúm vào xem người ta tháo kíp nổ. Ai dè, kíp nổ tháo không đúng cách khiến bom phát nổ, 3 người chết ngay tại chỗ, Tuấn may mắn sống sót nhưng cũng bị cụt hai tay, một chân.
Ý thức được sự mất mát của bản thân nên suốt những tháng ngày nằm trong Bệnh viện Chí Linh, Nguyễn Đình Tuấn đều tranh thủ tận dụng thời gian rảnh để tập luyện. Ban đầu Tuấn tập đứng, tập đi nạng trong sự đau đớn. Những vết thương ở đầu các chi cụt khi ấy chỉ vận động mạnh đã nứt toác, máu tứa ra lênh láng. 
Với cánh tay phải chỉ còn 10cm, tay trái còn khoảng 30cm, Tuấn phải dùng nách kẹp chặt đôi nạng gỗ giữ thăng bằng khi di chuyển. Sau biết bao nhiêu lần ngã thâm tím mặt mày, có lúc tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng, cuối cùng Nguyễn Đình Tuấn đã đi lại thành thạo trên đôi nạng gỗ. 
Năm 1994, khi 16 tuổi, anh hăng hái xin bố mẹ vào trông giữ, chăm sóc 3 hecta đồi rừng trồng vải và bạch đàn tái sinh. Vì đường sá xa xôi nên hàng ngày Tuấn phải dậy từ sáng sớm để đi bộ lên “đại bản doanh” cách nhà hơn 3km, tối lại lần theo đường mòn về nhà. 
Đến năm 1997, nhận thấy việc đi về như vậy rất bất tiện, Nguyễn Đình Tuấn lập lán trại, anh ở hẳn trong rừng, tự túc tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn. Lúc đầu, anh tập xách từng xô nước nhỏ từ dưới chân đồi lên đổ vào chum dự trữ, anh tập cầm dao thái rau, nhóm lửa nấu cơm… dần dần Nguyễn Đình Tuấn cầm được cả dao chặt tỉa cây, vác được cả cuốc xới đất.
Thấy chúng tôi nghi ngờ thông tin anh mất cả hai tay, một chân như thế mà vẫn chặt cây, cuốc đất, không ngần ngại Nguyễn Đình Tuấn đến góc nhà dùng cẳng tay kẹp lấy con dao đi rừng rồi phăm phăm dẫn chúng tôi vào rừng... đốn cây. Chúng tôi còn chưa hết bất ngờ trước động tác lấy dao nhanh gọn của một người cụt cả hai tay thì lại được chứng kiến “màn” chặt cây rất công phu và nghệ thuật của anh. 
Trước hết, Nguyễn Đình Tuấn dùng đầu tay cụt dài 10cm kẹp cán dao vào nách, dùng khủy tay dài 30cm giữ thân dao, sau đó lấy đà quật con dao vào cành cây rất mạnh và chính xác. Những cành vải to bằng bắp tay người lớn cứ đổ xuống rào rào trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Trở về lán trại ngồi với nhau bên chén nước mát, Nguyễn Đình Tuấn kể sâu hơn về chuyện làm giàu của mình. Thì ra, năm 1997 sau khi thu hoạch hết diện tích bạch đàn, anh mạnh dạn chuyển sang trồng toàn bộ cây keo cho năng suất cao hơn. Bên cạnh việc trồng keo, anh còn chăn nuôi thêm bò và lợn. Sau đó thấy nuôi gà hiệu quả kinh tế cao nên Nguyễn Đình Tuấn chuyển hẳn sang nuôi gà. 
Lúc đầu vốn ít anh chỉ nuôi vài trăm con, những năm sau lấy số tiền lãi đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và nâng số lượng đàn gà lên tới 5000 con. Gà Nguyễn Đình Tuấn nuôi thuộc giống chọi lai, chất lượng thịt thơm ngon lại được nuôi thả trên đồi nên bán được giá. 
Mỗi năm, đàn gà đều cho lãi trên 100 triệu, riêng năm 2012 anh thu lãi 200 triệu. Đó là chưa kể 3 hecta rừng keo, dự tính nếu thu hoạch cũng đem về cho anh ngót tỉ đồng nữa.
Bản thân khuyết tật hai tay và một chân nhưng Tuấn vẫn lao động không thua kém người bình thường
Bản thân khuyết tật hai tay và một chân nhưng Tuấn
 vẫn lao động không thua kém người bình thường
 
Hạnh phúc sau nỗi đau
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng Nguyễn Đình Tuấn đã phải trải qua không ít sự đau đớn đến trào nước mắt. Năm 2002 anh xây dựng gia đình với một cô gái cùng làng. Hai vợ chồng đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cuộc đời anh tưởng chừng đã bước sang trang mới khi đứa con đầu lòng ra đời.
Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, năm 2007 đàn bò mắc bệnh chết sạch, đàn lợn 10 con do không tiêm phòng, chăm sóc cẩn thận cũng lăn đùng ra chết, kinh tế vốn khó khăn lại càng túng bấn hơn. Không chịu được nỗi khổ cực, chị vợ sau 5 năm cùng anh chung sống cũng dứt áo ra đi, bỏ lại đứa con mới lên 4 tuổi. 
Nỗi đau chồng chất, Nguyễn Đình Tuấn cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng bản lĩnh của một người đàn ông từng trải qua quá nhiều nỗi bất hạnh đã không cho phép anh gục ngã. Sốc lại tinh thần, Nguyễn Đình Tuấn lao vào nghiền ngẫm, tìm phương cách làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Hiện nay, Nguyễn Đình Tuấn có thể tự hào về cơ ngơi bạc tỉ mà mình gây dựng cùng với sự khôn lớn từng ngày của cậu con trai. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Mộc - Trưởng khu dân cư Cầu Dòng cho biết: “Anh Tuấn tuy là người khuyết tật, hiện phải sống trong cảnh “gà trống nuôi con” nhưng luôn lạc quan yêu đời, sống chan hòa, tình cảm với bà con trong khu dân cư. Đặc biệt, tuy bị mất hai tay, một chân nhưng anh đã vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh là tấm gương sáng cho những người cùng cảnh ngộ học tập, noi theo”.

Đọc thêm