Mắc bệnh ở tuổi 21
Stephen Hawkings sinh ngày 8/1/1942, trùng với kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà Vật lý, Thiên Văn, Toán học Galieo Galile tại Oxford, Anh, như thể số phận đã định sẵn cho ông con đường dấn thân vào vũ trụ sâu thẳm. Nên ngay từ nhỏ Stephen Hawking đã bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với khoa học và vũ trụ.
Stephen là con cả trong gia đình có 4 anh em, bố mẹ cậu đều là những người có trình độ giáo dục cao. Bà Isobel Hawking đã theo học trường Oxford từ thập niên 1930, khi rất hiếm phụ nữ được vào đại học. Còn cha của ông, Frank Hawking, cũng tốt nghiệp trường Oxford và là một nhà nghiên cứu y học đáng kính.
Thời kỳ đầu đến trường, ông là học sinh thông minh nhưng kết quả học tập không mấy nổi trội. Khi còn học tại trường Byron House, ông thậm chí không thể đọc thông viết thạo và đổ lỗi cho phương pháp dạy của giáo viên. Năm 8 tuổi, Stephen Hawking học tại trường Trung học nữ sinh St Albans (thời đó, những cậu bé ít tuổi có thể học trường nữ sinh). Trong những năm đầu tại đây, ông là một trong ba người học kém nhất lớp.
Thế nhưng, mặc dù điểm số không tốt, nhưng cả giáo viên lẫn bạn bè cùng lớp đều phải công nhận tố chất thiên tài của Stephen Hawking. Theo thời gian, tố chất ấy ngày càng bộc lộ, đặc biệt là với các môn khoa học tự nhiên. Ông cùng nhóm bạn thân thường chơi cờ bàn, một trò chơi trí tuệ giúp phát triển tư duy, khả năng suy luận, giao tiếp và phán đoán, chế tạo pháo hoa, mô hình máy bay, tàu thuyền. Năm 13 tuổi, ông được cha hướng vào trường Westminster danh giá, nhưng Hawking bị ốm vào ngày thi học bổng. Gia đình không đủ khả năng trả học phí nên ông tiếp tục học tại St Albans.
Đến năm 17 tuổi, Stephen Hawking theo Đại học College ở Oxford nhưng học ngành Vật lý và Hóa học vì trường không có ngành Toán. Tháng 3/1959, ông tham gia kỳ thi và được cấp học bổng. Dưới mái trường này, khả năng của Stephen Hawking đã được phát triển một cách nhanh chóng.
Sau những tháng năm cố gắng, ông đạt giải nhất trong 1 bài thi phân hạng và theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Cambridge – đại học hàng đầu nước Anh. Thậm chí, chỉ sau vài tháng học, ông đã cảm thấy nhàm chán vì bài vở “dễ một cách kì cục”. Sau này ông tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành vật lý và bắt đầu tiến hành làm luận án tiến sĩ về lĩnh vực “Vũ trụ học”.
Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc ALS ở tuổi 21 |
Thế nhưng ở tuổi 21, đúng lúc này, cuộc sống lại trở nên đen tối khi Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis), căn bệnh xơ cứng teo cơ và các bác sĩ chuẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm 2 năm. Đây là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở.
Tệ hơn, căn bệnh ngày một tiến triển nặng khiến ông phải nói chuyện thông qua thiết bị tổng hợp âm thanh và giao tiếp bằng lông mày, sống một tuổi trẻ què quặt và đầy tiếc nuối. Đối với bất cứ ai, nhất là một anh chàng trẻ tuổi đang tràn đầy tham vọng, đấy là một cú sốc lớn.
“Tôi đã cảm thấy rất bất công, tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi. Khi đó, tôi nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết và tôi sẽ không bao giờ đạt được những tiềm năng mà tôi cảm thấy”, ông nhớ lại trong một cuốn hồi ký.
Người ta không ngừng đặt câu hỏi: “Stephen đã chống chọi với bệnh tật như thế nào?”. Câu trả lời là phần lớn cuộc đời ông gắn với xe lăn, máy tính, thiết bị hỗ trợ giọng nói nhân tạo, nhưng sẽ chẳng là gì khi không có nghị lực sống phi thường, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Hành trình kỳ diệu của ông đã, đang và sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người trẻ.
Làm nên những điều phi thường bất chấp bệnh tật
Từ những năm 1970, vận động của Stephen Hawking đã ngày càng khó khăn, chỉ những người thân mới có thể hiểu được ông đang muốn nói gì. Năm 1985, Stephen Hawking bị viêm phổi, và sau ca phẫu thuật mở khí quản, ông hoàn toàn không thể nói được nữa. Hawking chỉ có thể giao tiếp bằng cách nhướn lông mày để “đánh vần” khi người khác chỉ vào ký tự đúng ý ông trên bảng chữ cái.
Sau đó, giao tiếp của Stephen Hawking với thế giới bên ngoài phải nhờ tới một chiếc máy tính gắn với các cảm biến để nhận biết từng dao động trên má ông, rồi đi qua một thiết bị tạo giọng nói để phát ra âm. Với công nghệ này, mất 10 phút để Hawking có thể truyền đạt một câu nói đơn giản.
Nhưng mục tiêu khám phá bí ẩn vũ trụ đã dẫn lối cho trí tuệ siêu việt trong Stephen Hawking ngay cả khi ông bị tê liệt hầu như toàn thân, phải gắn mình vào xe lăn trong gần nửa thế kỷ. “Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình tận hưởng cuộc sống còn hơn trước. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển trong nghiên cứu của mình”, Hawking nói.
Năm 1970, ông và cộng sự ứng dụng toán học lỗ đen vào vũ trụ và công bố kết quả nghiên cứu “bức xạ Hawking” năm 1974 chứng minh rằng các lỗ đen phát ra bức xạ, sau này được đánh giá là một đột phá trong vật lý lý thuyết. Trước đó, ông đã khám phá ra bốn định luật quan trọng về lỗ đen. Cùng năm 1974, ông trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Hội Hoàng gia Anh ở tuổi 32.
Bằng bộ óc thiên tài với IQ 160 và nỗ lực làm việc chăm chỉ, những cống hiến to lớn cho khoa học của Hawking được ghi nhận, giúp ông trở thành giáo sư vật lý năm 35 tuổi. Đến năm 1976, ông nhận Huy chương Albert Einstein và bằng tiến sĩ danh dự từ ĐH Oxford.
Stephen Hawking chưa bao giờ từ bỏ đam mê khám phá vũ trụ và ông đã gặt hái được nhiều thành công |
Năm 1979, ông được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học Lucas, danh tiếng hàng đầu tại Đại học Cambridge, cũng như trên thế giới (Isaac Newton và Paul Dirac từng được bổ nhiệm chức danh này). Năm 1988, Stephen Hawking trở thành hiện tượng với cuốn sách Lược sử thời gian (A Brief History of Time). Đến nay, nó được bán ra hơn 10 triệu bản.
Stephen Hawking từng giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley và giải Vật lý Cơ bản. Năm 2009, ông được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống. Trong những năm cuối đời, “ông hoàng vật lý” vẫn không ngừng nghiên cứu và đóng góp cho khoa học thế giới. Với những cống hiến của mình, Stephen Hawking được coi là một tượng đài trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Về đời tư, Stephen Hawking đã trải qua 2 đời vợ. Vị hôn thê đầu tiên của ông là Jane Wilde. 2 người kết hôn vào năm 1965 (3 năm sau khi Hawking được chẩn đoán mắc bệnh ALS). Cặp đôi này đã từng có một thời gian dài sống hạnh phúc bên nhau. Stephen Hawking từng chia sẻ rằng, Jane đã mang lại nguồn cảm hứng sống cho và giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Được biết, Hawking và Jane đã có với nhau 3 người con (2 trai và 1 gái) trước khi ly hôn vào năm 1990. Năm 1995, ông kết hôn với người vợ thứ hai là Elaine Mason. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài 11 năm. Sau đó, Stephen Hawking nối lại mối quan hệ với người vợ đầu cùng các con và dành những năm tháng cuối đời trong vòng tay của gia đình.
Ngày 14/3/2018, nhà khoa học thiên tài qua đời ở tuổi 76 trong niềm tiếc thương của gia đình và những người yêu khoa học trên toàn cầu. Trường đại học Gonville and Caius, nơi Stephen Hawking từng theo học vừa qua đã tổ chức những hoạt động tưởng nhớ về ông. Bộ óc thiên tài cùng những công trình khoa học vĩ đại và cả ý chí vượt qua số phận của Stephen Hawking đã và sẽ là niềm cảm hứng với rất nhiều thế hệ, đặc biệt các bạn trẻ đam mê khoa học.