Cuộc sống có không ít người khiếm khuyết nhưng điều đáng ngưỡng mộ là họ không chỉ có được cuộc sống bình thường mà còn là người truyền cảm hứng sống có ích đến đông đảo mọi người trong xã hội. Mới đây nhất, câu chuyện của cô giáo Pinky Bahroos đã chứng minh cho mọi người thấy khiếm khuyết cơ thể không bao giờ là trở ngại ngăn cản cô có được cuộc sống hạnh phúc.
40 tuổi mà vẫn như đứa trẻ 13 tuổi
Pinky Bahroos (40 tuổi) đến từ thành phố Badodra, Ấn Độ từng nhiều năm ròng bị chê cười và đối xử phân biệt vì hình dáng nhỏ bé của mình. Pinky cao chỉ 1,42 m, nặng chỉ khoảng 32 kg. Với ngoại hình nhỏ bé, cô thường được yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân trước khi vào các câu lạc bộ hay rạp chiếu phim. Bạn bè của cháu trai nghĩ Pinky là chị em họ, trong khi các nhà tuyển dụng luôn tưởng cô là học sinh.
Mặc dù 40 tuổi nhưng nhìn chỉ như cô gái 13 tuổi là do cô mắc phải Hội chứng Turner bẩm sinh. Đó là một rối loạn hiếm gặp với tỷ lệ 1/5000 gây ra nhiều vấn đề về chiều cao, cân nặng, ảnh hưởng tới phát triển buồng trứng và gây khuyết tật tim.
Trong một kỳ nghỉ hè, bố mẹ đột nhiên nhận thấy cô không giống như các bạn đồng trang lứa nên đã đưa đi khám bác sĩ. Kết quả cho thấy Pinky có một nhiễm sắc thể X bị thiếu, cô sẽ không bao giờ dậy thì, chẳng bao giờ có kinh nguyệt và sẽ sớm phải đối mặt với bệnh loãng xương. Bố mẹ đã giấu cô điều đó suốt thời niên thiếu, cho đến một ngày cô vô tình thấy được tập hồ sơ màu xanh và hiểu rõ bệnh tình của mình.
Căn bệnh hiếm gặp đã khiến Pinky Bahroos mặc dù 40 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ 13 tuổi |
Sự việc đã gây ra cú sốc lớn cho Pinky khiến cô rơi vào tình trạng trầm cảm trong hơn 1 năm. “Tôi giống như mọi cô gái bình thường, hạnh phúc và tận hưởng tuổi thiếu niên, nhưng đến một ngày, tôi nhìn thấy một tập hồ sơ màu xanh giấu trong tủ. Bố mẹ tôi đã cố che giấu vì họ quá sốc và đau buồn. Tất cả kết quả kiểm tra đều tích cực cho đến khi tôi giở đến trang cuối, đọc được rằng mình thiếu một nhiễm sắc thể X. Tôi không hiểu ý nghĩa của nó. Tôi không phải một cô gái ư? Tôi không có can đảm để thảo luận với bố mẹ", Pinky xúc động kể lại.
Trước đó, chính bản thân Pinky cũng cảm nhận được sự khác lạ ở mình. Khi phát hiện ra sự thật, lúc đó cô mới biết rằng mình sẽ không bao giờ lớn, sẽ chẳng thể nào phát triển được bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Một cô bé đang độ tuổi tươi tắn nhất bỗng phải chấp nhận sự thật mình không thể lớn thêm được nữa, điều đó trở thành cú sốc lớn với Pinky.
Bạn bè cùng lớp thời gian đầu vẫn đối xử bình thường với cô, tuy nhiên, khi tất cả đều dậy thì, họ gạt cô ra khỏi mọi cuộc nói chuyện, thậm chí, họ bắt cô phải gọi tất cả là anh, là chị. Tại một ngày hội thể thao, Pinky tham gia chạy đua nhưng nhanh chóng thấy mình tụt lại sau cùng. Thể chất của cô quá yếu và không thể sánh kịp với bạn bè cùng tuổi. Kể từ khoảnh khắc đó, cô tự nhủ sẽ không bao giờ góp mặt trong cuộc đua nào nữa.
Khi em gái kết hôn, nhiều người liên tục hỏi cô về tình trạng hôn nhân. Những câu hỏi vượt quá sức chịu đựng của Pinky, khiến cô chán nản, khóc lóc, bỏ ăn và sụt rất nhiều cân.
Vượt qua nghịch cảnh, sống một cuộc đời thật ý nghĩa
Cảm giác lạc lõng và trầm cảm trong suốt một năm của cô khiến bố mẹ buồn lây. Thế nhưng chính sự động viên của gia đình và nghị lực mạnh mẽ, cô gái này đã sớm lấy lại tinh thần. Sau hơn 1 năm sống trong cảm giác lạc lõng, tự ti, Pinky cuối cùng đã trở lại để bắt đầu một cuộc sống tự lập hơn. Cô chấp nhận khiếm khuyết của mình và tập đối mặt với sự kì thị của mọi người xung quanh. Cô dần vượt qua cơn khủng hoảng và học cách cảm nhận hạnh phúc may mắn vì được sống.
Pinky tự nhủ sẽ không bao giờ nhìn lại những chuyện buồn trước đây nữa. “Nhiều đứa trẻ mắc hội chứng Turner chết trước khi sinh. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi không chỉ sống sót mà còn có một cuộc sống trọn vẹn”, cô nói.
Sau khi học xong, Pinky đã trải qua rất nhiều lần bị từ chối khi nộp đơn xin việc. Hàng loạt các công ty từ chối nhận vào làm chỉ vì “ngoại hình không giống người bình thường” của cô. Trải qua hàng chục cuộc phỏng vấn bất thành, Pinky được nhận vào một công ty du lịch ở Dubai, nơi bố mẹ cô cũng đang làm việc, với nhiệm vụ in ấn, copy tài liệu...
“Đó không phải một vị trí xứng đáng với khả năng của tôi. Dù vậy, tôi không phàn nàn và làm việc một cách chuyên nghiệp. Sự chăm chỉ của tôi dần được chú ý và tôi được chuyển sang bộ phận bán hàng”, Pinky chia sẻ.
Pinky Bahroos trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến đông đảo mọi người trong xã hội |
Sau 1 thời gian chăm chỉ làm việc, Pinky được chuyển sang vị trí bán hàng. Công việc đang trên đà đi lên, cô kiếm được nhiều tiền hơn. Pinky bắt đầu tham dự các bữa tiệc xa hoa do các hãng hàng không tổ chức, kiếm được nhiều tiền và nhận được sự tôn trọng. Tuy nhiên, sau 12 năm, Pinky buộc phải trở về Ấn Độ vì chứng loãng xương. Dù 40 tuổi và mang hình hài của nữ sinh 13 tuổi, xương khớp của cô như một người già ở tuổi 80.
Tại Ấn Độ, Pinky chấp nhận tình trạng của mình và tiếp tục phấn đấu trong cuộc sống. Cô bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Tình trạng sức khỏe xấu đi khiến cô không thể làm việc tám tiếng mỗi ngày như mọi người. Cô nộp đơn vào FatrackKids, ngôi trường thiết kế đặc biệt dựa trên chương trình giảng dạy của Mỹ và bắt đầu dạy học cho trẻ 3-8 tuổi.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức về những chương trình sáng tạo, Pinky dành thời gian luyện diễn thuyết và làm thơ. Môi trường làm việc mới trở thành nơi để Pinky được phát triển khả năng nói chuyện và viết thơ của mình.
“Hiện giờ tôi đã tìm được thêm một ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu cảm giác ở cạnh những đứa trẻ và thể hiện cảm xúc của mình qua thơ ca”, Pinky hạnh phúc nói.
Mặc dù mang trong mình những khiếm khuyết nhưng chính Pinky lại trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến đông đảo mọi người trong xã hội. Người ta bắt đầu tìm đến cô để nghe kể về những câu chuyện nghị lực sống, cách cô vượt qua số phận, cách cô thành công. Pinky đã vượt qua được cơn trầm cảm và chứng minh với thế giới rằng khiếm khuyết cơ thể không thể ngăn cản cô tiếp tục sống hạnh phúc. Bất chấp nhiều giới hạn về sức khỏe, Pinky Bahroos vẫn luôn trân trọng từng ngày được sống và lao động hết nhiệt huyết của mình.
Cô giáo 40 tuổi đã chắp bút về hành trình cuộc sống của mình trong cuốn sách có tên “Finding The Chromosome” tạm dịch là “Đi tìm nhiễm sắc thể X”, ra mắt tháng 9/2018. Pinky muốn nói với mọi người rằng, điều kiến tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa nằm trong tư tưởng, trong nhận thức bản thân mỗi người. Không ai khác có thể ngăn bạn sống là mình, tạo nên những điều tốt đẹp nếu chính bạn có thể khẳng định với bản thân: “Mình có thể làm được”.