Nghị lực thần kỳ của người phụ nữ vực dậy sau bi kịch 7 năm bị cha ruột giam cầm, cưỡng bức

(PLVN) - Những tưởng cuộc đời của cô gái bất hạnh ấy sẽ bị chôn vùi mãi mãi dưới căn hầm tăm tối đó nhưng cuối cùng tội ác cũng bị vạch trần. Vụ việc này từng khiến dư luận nước Áo và cả thế giới rúng động.
Căn phòng kinh hoàng nơi cô gái bất hạnh bị giam cầm.

Bi kịch bắt đầu

Được biết, Elisabeth Fritzl là con gái của ông Josef Fritzl và bà Rosemarie. Josef Fritzl cưới vợ Rosemarie vào năm 1956, lúc bà 17 tuổi còn ông ta 21. Họ có bảy người con chung, trong đó Elisabeth là thứ tư. Trong mắt gia đình, ông ta là một kỹ sư chăm chỉ, luôn có thói quen xuống tầng hầm mỗi ngày vào lúc 9h sáng để làm việc, thiết kế các loại máy móc rồi đem bán. Thỉnh thoảng ông ta sẽ ở đó qua đêm, nhưng bà Rosemarie không chút lo lắng, nghi ngờ vì Josef được đánh giá là một người đàn ông chăm chỉ, hết lòng vì công việc và gia đình. 

Vào ngày 28/8/1984, thiếu nữ trẻ trung xinh xắn Elisabeth Fritzl (khi đó 18 tuổi) đột ngột mất tích. Khi đó, cô đang sống ở nhà cùng gia đình tại Amstetten. Và ngoại trừ cha mình, trong nhà không có ai. Mẹ cô và một người chị em gái của cô đã ra ngoài đi mua sắm. Một người chị em gái khác thì bị Josef Fritzl tống đi chơi. Sau đó mãi không thấy con gái đâu, bà Rosemarie, cuống cuồng đi tìm và hỏi thăm khắp nơi nhưng không thấy con gái nên phải báo cảnh sát.

Trong suốt nhiều tuần sau đó, Elisabeth vẫn bặt vô âm tín khiến gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất. Vậy mà sau đó, không biết từ đâu, Elisabeth gửi thư về thông báo rằng cô đã mệt mỏi với cuộc sống gia đình và đã bỏ trốn. Cha của Elisabeth là Josef Fritzl nói với cảnh sát rằng ông ta không biết con gái mình đi đâu nhưng ông ta nghi ngờ rằng Elisabeth đã tham gia vào một giáo phái nào đó vì trước đây cô từng nhắc đến. 

24 năm sống trong địa ngục

Thế nhưng, sự thật là Josef biết chính xác con gái mình đang ở đâu. Cô gái trẻ chẳng ở đâu xa mà ở ngay dưới căn hầm trong ngôi nhà, chỉ 6 mét bên dưới nơi cảnh sát đang đứng. Cô gái thậm chí đã sinh hạ 7 đứa con cho hắn với 3 đứa bị giam cùng cô, ba đứa được nuôi lớn bởi tên ác quỷ và một đứa chết sau khi sinh.

Vào cái ngày định mệnh ấy, ông Josef Fritzl yêu cầu con gái Elisabeth, khi đó mới 18 tuổi, xuống hầm nhà để giúp y mang một chiếc cửa lên gara. Tuy nhiên, khi Elisabeth xuống đến nơi, ông ta trùm chiếc khăn có tẩm thuốc mê lên mặt, khiến con gái ngất xỉu. Ông ta sau đó kéo lê Elisabeth vào căn hầm đã chuẩn bị hàng tháng trước đó.

“Ông ta đưa con gái xuống tầng hầm, viện lý do cần người giúp di chuyển một chiếc cửa, sau đó đánh thuốc mê và kéo lê Elisabeth. Tại đây, ông ta dùng dây trói cô. Sang ngày thứ hai, kẻ loạn luân tiếp tục lấy thòng lọng quấn quanh eo của Elisabeth, siết chặt cô ngay trong chính căn phòng cô đang bị nhốt”, công tố viên Burkheiser nói.  

Cô gái Elisabeth và người cha của mình cũng là thủ phạm vụ án.  

Cứ thế trong suốt 24 năm bị giam cầm, Elisabeth có với cha mình tới 7 đứa con. Trong 7 lần vượt cạn, Elisabeth không được trợ giúp gì về mặt y tế và cũng không có thuốc giảm đau. Cô thậm chí bị bỏ rơi hoàn toàn khi sinh con đầu lòng Kerstin vào ngày 30/8/1988.

Elisabeth vượt cạn trong hầm trên một chiếc chăn bẩn và chỉ được cho một quyển sách về sinh nở trước đó 2 tháng. Đến phút cuối, cô được thêm một chiếc chăn. Những dụng cụ duy nhất mà cô có là kéo và mấy chiếc tã. 10 ngày sau khi cô sinh, Josef Fritzl mới đến thăm con. “Ông ta là một kẻ thống trị hoàn toàn. Josef Fritzl có thể quyết định việc sẽ ăn gì, khi nào cũng như loại thuốc nào sẽ được đưa xuống hầm. Ông ta không cho họ cơ hội được chăm sóc y tế đầy đủ, mà chỉ có aspirin và thuốc ho”, Elisabeth nói.

Đứa trẻ thứ hai, Stefan, sinh năm 1990, tiếp theo là Lisa vào năm 1992 và Monika năm 1994. Cặp song sinh Alexander và Michael chào đời năm 1996 và Felix sinh năm 2002. Josef Fritzl chỉ có mặt tại hai trong số những lần vượt cạn này. Được biết, Elisabeth vượt cạn lần đầu năm 1988, khi bé trai Michael vừa lọt lòng bị ốm nặng, Josef Fritzl từ chối đưa em đến bác sĩ. Y nói: “Chuyện gì đến, sẽ đến”. Em bé xấu số qua đời lúc mới được 3 ngày tuổi và Josef Fritzl đã thiêu thi thể em.

Những đứa trẻ cứ thế cùng với mẹ sống sót bằng lượng thức ăn, nước uống ít ỏi mà Josef mang xuống mỗi tuần. Trong hoàn cảnh tăm tối ấy, bằng bản năng của một người mẹ Elisabeth vẫn cố gắng dạy dỗ con với những kiến thức mà cô đã học được trong 18 năm được “sống trên mặt đất”, cô muốn mang đến cho con một cuộc sống bình thường nhất có thể trong hoàn cảnh khủng khiếp ấy.

Điều kiện sống dưới căn hầm nhỏ, nơi Elisabeth và các con phải sống hàng chục năm rất khắc khổ. Không có lò sưởi hay không khí trong lành. Xung quanh chỉ có các bức tường và một cái cửa sổ. Dưới đó thật tối tăm, ẩm thấp và nặng mùi. Thường điện hay mất khoảng vài tiếng thậm chí lâu hơn. Đôi lúc họ không có điện trong 10 ngày. Không hề có ánh sáng, đèn chiếu hay nến. Khi không có điện, họ cũng mất luôn nước và không thể làm các món ăn nóng. Điều kiện ẩm thấp khiến mốc phát triển trên tường và căn hầm chứa đầy chuột. Mãi đến năm 1993, Josef Fritzl mở rộng thêm hai phòng và trang bị lò sưởi, tủ lạnh, vòi tắm.

Cuộc sống dưới hầm khắc khổ nhất mỗi khi mùa hè đến. Nhiệt độ bên ngoài phả vào bức tường khiến căn hầm như một chiếc bếp lò với sự ngột ngạt đặc quánh. Elisabeth cho hay: “Mẹ con tôi luôn thấy hạnh phúc hơn khi hè qua đi”.

Elisabeth cũng kể chi tiết cha bỏ đói mình và hành hạ 6 đứa con như thế nào. Trên những mảnh giấy vụn vặt bí mật cất dưới hầm tối, cô ghi lại ngày, tháng, thời gian của từng chiếc tát, lời đe dọa hay những lần đập chén, bát của Josef Fritzl.

Josef Fritzl khi bị cảnh sát bắt giữ. 

“Nô lệ tình dục” cũng tả lại cảm giác lúc bế đứa con thứ bảy đang hấp hối trên tay. Elisabeth viết: “Đứa bé tím tái và thở từng nhịp khó khăn. Ít nhất thì bây giờ, con cũng đang ở một thế giới tốt đẹp hơn”.

Ngoài ra, người phụ nữ bất hạnh ấy còn nhắc đến cả việc cô phải bắt chuột bằng tay không như thế nào và những đứa trẻ thích thú với công việc cọ rửa lớp gỉ sét trên gương hay nhà tắm ra sao. Bọn trẻ sẽ ăn thứ gì đó rồi đứng lên cân để xem trọng lượng của chúng có thay đổi hay không. Một bài viết khác ghi ngày 2/3/1991 có đoạn: “Sữa và thực phẩm khác từ giờ sẽ thật khan hiếm”.

Khi những đứa trẻ bắt đầu lớn và căn hầm trở nên quá chật chội, Josef đã lên kế hoạch đưa 3 đứa trẻ lên để sống chung với gã và vợ. Nguyên nhân nữa cũng bởi vì trong số ba người con được đưa lên mặt đất sống, có một đứa trẻ bị bệnh ở ngón chân cái khiến cậu bé này thường hay khóc to. Ông Josef lo sợ tiếng khóc inh ỏi của con có thể sẽ làm hàng xóm phát hiện nên quyết định đưa lên khỏi hầm. 

Sợ bị lộ và để che giấu tội ác mình đang làm, mỗi lần mang 1 đứa trẻ lên, Josef lại dàn dựng cảnh nhặt con rơi không chút sơ hở, có thể là đặt đứa trẻ dưới 1 bụi cây gần nhà hoặc ngay cửa nhà. Mỗi lần như vậy, đứa trẻ sẽ được quấn tã gọn gàng và kèm theo một bức thư được cho là của Elisabeth với nội dung rằng cô không thể chăm sóc em bé và muốn bố mẹ giúp đỡ.

Trong suốt 24 năm, Josef liên tục nhắc nhở các tù nhân rằng căn hầm được đặt bẫy với khí gas và điện cao thế. Họ có thể chết nếu tìm cách trốn. Theo đó, ông ta đe dọa nếu căn hầm bị phá, khí gas sẽ tràn vào trong và giết chết mọi người. Để thoát khỏi đây, Elisabeth cũng sẽ phải vượt qua 3 lớp cửa khóa. Tuy nhiên trên thực tế, nơi này thì không hề có chiếc bẫy nào như lời ông ta nói.

Có một điều đáng kinh ngạc là các tổ chức xã hội không bao giờ đặt câu hỏi về sự xuất hiện của những đứa trẻ và cho phép gia đình Josef Fritzl chăm sóc chúng như con của mình. Còn các nhà chức trách địa phương thì vẫn cho rằng đó là cháu của vợ chồng nhà Josef.

Hành trình thoát thân 

Josef dự định giam cầm Elisabeth trong bao lâu là điều không ai có thể chắc chắn được nhưng vào năm 2008, một điều bất ngờ đã xảy ra... Elisabeth quỳ xuống cầu xin Josef đưa con gái Kerstin 19 tuổi vào bệnh viện vì tình trạng sức khỏe của Kerstin đã rất nguy kịch. Josef đành phải miễn cưỡng đồng ý đưa Kerstin đến bệnh viện. Tất nhiên, hắn cũng lấy lý do là Elisabeth gửi một bức thư giải thích về căn bệnh của Kerstin và cầu xin giúp đỡ.

Trong 1 tuần đó, cảnh sát đã nghi ngờ và đến tận bệnh viện trực tiếp thẩm vấn Kerstin về gia đình của cô nhưng Kerstin có gia đình đâu mà kể. Cuối cùng, họ đã nghi ngờ Josef và mở lại cuộc điều tra về vụ mất tích bí ẩn của Elisabeth Fritzl. Họ đọc lại những lá thư mà Elisabeth đã gửi cho ông bà Josef Fritzl và bắt đầu thấy sự mâu thuẫn trong đó. 

Cuối cùng, mọi chuyện cũng được hé lộ sau khi các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân căn bệnh của đứa trẻ. Do vậy, họ kêu gọi người mẹ đến bệnh viện. Cuối cùng, Josef cho phép Elisabeth ra ngoài lần đầu sau 24 năm. Khi Elisabeth đến bệnh viện, sau khi được cảnh sát thuyết phục, Elisabeth đã khai mọi chuyện.  Ban đầu người mẹ 42 tuổi không hé răng nửa lời, do lo ngại cho tính mạng của những đứa con trong hầm. Tuy nhiên đến ngày 26/4/2008, Elisabeth đã có đủ can đảm để kể sự thật cho cảnh sát

Cảnh sát ngay lập tức tiến hành bắt giữ Josef và tại cơ quan điều tra, hắn đã thừa nhận hầu hết các lời cáo buộc và có thể phải nhận án tù chung thân. Tổng cộng, người đàn ông 73 tuổi này bị kết 6 tội danh.

Công tố viên cho biết Josef Fritzl phải chịu trách nhiệm về cái chết của đứa trẻ chào đời trong hầm năm 1996, bởi y đã “không tìm kiếm sự giúp đỡ mặc dù hiểu rõ tình trạng nguy ngập đối với tính mạng đứa bé”. Josef Fritzl được cho là đã đem thi hài đứa trẻ đốt trong bếp lò. Ngoài tội danh giết người, y còn bị cáo buộc hãm hiếp, loạn luân, giam giữ trái phép và bắt người khác làm nộ lệ. 

Năm 2009, với các tội danh kể trên, Josef Fritzl (khi đó 73 tuổi) bị tòa án Áo tuyên tù chung thân. Người cha loạn luân thừa nhận các tội danh và tuyên bố sẽ không kháng cáo. 

Được biết, Josef Fritzl được chuyển từ Vienna tới nhà tù Stein ở thành phố Krems, cách thủ đô Áo 50 km về phía Tây. Hắn sẽ ở khu vực đặc biệt dành cho những tù nhân thần kinh không bình thường song vẫn có khả năng chịu trách nhiệm về tội ác của bản thân.

Stein có những biện pháp giúp Josef Fritzl tránh việc bị các phạm nhân khác tấn công. Họ cũng có một cơ sở y tế riêng. Josef Fritzl từng bày tỏ mong muốn được chuyển sang nhà tù Garsten, gần căn nhà của y ở thành phố Amstetten, tuy nhiên gia đình hắn phản đối.

Về phần bà Rosemarie Fritzl, lần đầu tiên kể từ khi chồng bị bắt, tâm sự với báo chí về tình cảnh của bà. Rosemarie không tham dự phiên tòa xử chồng. Người vợ xấu số cho biết bà đã đổi tên và chuyển đến sống ở một thành phố khác, để tránh những vết nhơ nhớp mà người chồng mang đến cho gia đình.

“Tôi không biết giờ tôi sẽ sống thế nào nữa. Cuộc đời tôi đã tan nát hết rồi. Tôi không có tiền. Danh dự của tôi là tất cả những gì tôi còn lại, gia đình nữa. Giờ tất cả những gì tôi phải giữ là gia đình”, Rosemarie nói, đúng vào ngày mà Josef ra tòa đối mặt với công lý, với các tội danh giam cầm, biến người. 

Cuộc sống mới tươi sáng hơn 

Elisabeth sẽ sống cảnh sum vầy cùng 6 người con trong ngôi nhà mà người anh trai thuê giúp tại một ngôi làng hẻo lánh. Hiện tại ngôi làng này được giữ bí mật và được gọi bằng biệt danh “làng X”. Linh mục phụ trách giáo hội của vùng nói rằng đây là nơi phù hợp để người phụ nữ 42 tuổi này làm lại từ đầu.

Ngôi nhà lớn này có vườn cây và rất gần núi. Cửa sổ phòng những đứa trẻ hướng ra đường. Vấn đề hiện tại là làm sao để hòa nhập hai nhóm trẻ nhà Josef Fritzl, những bé sống dưới hầm tối cùng mẹ và cả chuột từ khi chào đời, với những bé sống trong chăn ấm nệm êm, được đi du lịch hàng năm.

Các bác sĩ cho biết những người nhà Josef Fritzl đang dần dần đối mặt với cuộc sống và hàn gắn thành một gia đình. Cộng đồng địa phương gồm 22.000 người ở quanh ngôi nhà mới thể hiện niềm cảm thông bằng cách yên lặng không quấy rầy họ. Elisabeth và các con chia khoảng thời gian trong ngày cho bệnh viện và nhà mới.

Người chăm sóc tâm lí chia sẻ: “Mái nhà đầy sức sống của tình yêu này này là nơi mạnh mẽ nhất trên thế giới. Cô đã đánh mất khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời trong căn hầm. Cô ấy xác định rằng mỗi ngày còn lại của cô sẽ được lấp đầy bởi hoạt động”. Với sự chấp thuận từ những bác sĩ của mình, cô đã dừng trị liệu tâm lý trong khi làm quen với cuộc sống: học lái xe, giúp đỡ con cái làm bài tập về nhà, kết bạn với mọi người trong khu dân cư. Gia đình cô vẫn được cung cấp chăm sóc y tế và cô nhận được 54.000 Bảng từ chính quyền ở Áo.

“Bạn phải nhớ rằng thế giới đã đổ sụp trước mắt tất cả những đứa trẻ này”, Berthold Kepplinger (Giám đốc bệnh viện nơi mẹ con Elizabeth được trị liệu) nhận định. Bác sĩ lo ngại hơn cho 3 đứa trẻ dưới hầm, bởi hệ thống miễn dịch của chúng đã bị hư hại sau nhiều năm sống thiếu ánh sáng mặt trời.

Trái với dự đoán của nhiều người, mẹ con Elisabeth vẫn mang tên thật của họ mà không muốn sống cuộc sống ẩn danh. Ba đứa trẻ “trên mặt đất”, tuổi từ 12 đến 16, vẫn đến trường học bình thường. Hai đứa trẻ “dưới hầm” được gia sư tới nhà kèm cặp để có thể bù đắp phần hổng kiến thức phổ thông. Tuy nhiên, chúng cần nhiều thời gian để thích ứng với cuộc sống mới, vẫn bị ác mộng ban đêm và không thể chịu nổi khi các cánh cửa phòng đóng lại. Cháu nhỏ nhất, Felix, 6 tuổi, ngày nào cũng chạy ra chơi ở sân nhà. Bé phải mang kính mát vì chưa thích nghi được ánh sáng chói chang của mặt trời. Ở ngôi làng mới, Elisabeth cảm thấy yên tâm đến mức cô tự đưa các con đến trường.

Cuộc sống của Elisabeth Fritzl có ý nghĩa hơn khi cô có tình cảm với một vệ sĩ có tên Thomas W. Anh được giao nhiệm vụ bảo vệ cho Elisabeth và 6 đứa con của cô khi họ thoát khỏi tay của kẻ loạn luân Josef Fritzl. Nguồn tin thân cận với Elisabeth cho biết hai người đã trở thành một cặp đôi. “Ngay từ đầu ai cũng nhận ra là cô ấy cảm thấy thoải mái và an toàn khi ở cạnh anh”. Mối quan hệ này được cho là giúp Elisabeth có thêm sức mạnh.

Elisabeth rất biết ơn sự chăm sóc và hỗ trợ mà cô nhận được từ phía cảnh sát. Cô vẫn giữ liên lạc với điều tra viên tên Reigner, người đầu tiên tiếp cận Elisabeth và đưa mọi chuyện ra ánh sáng. Elisabeth không quên gửi lời chúc đến ông vào những dịp Giáng sinh hay ngày lễ. 

Năm 2017, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Reigner cho biết: “Tôi đã rất xúc động khi nhận được bức thư của Elisabeth, giờ đã trở thành bà ngoại bên cạnh những đứa cháu của mình. Trong thư cô viết: ‘Cảm ơn ông đã giúp đã chúng tôi. Chính ông đỡ ở đó khi chúng tôi đang trong tình huống khó khăn nhất. Khi chúng tôi cần sự hỗ trợ, ông đã quan tâm đến chúng tôi mà không ngại ngần. Chúng tôi hy vọng, chúng tôi sẽ không cô đơn với những người bạn luôn ủng hộ chúng tôi”.

Đọc thêm