Nghi vấn gian lận hàng chục ngàn khoản hỗ trợ Covid-19 tại Mỹ

(PLVN) - Một ủy ban của Quốc hội Mỹ vừa công bố báo cáo cho biết, hàng chục ngàn khoản vay trị giá nhiều tỉ USD có thể đã bị gian lận, phí phạm và lạm dụng trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) trị giá 659 tỉ USD nhằm giúp các tiểu thương tại Mỹ trong đại dịch Covid-19.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Nghi vấn gian lận lớn 

Tiểu ban về Khủng hoảng virus corona của Hạ viện Mỹ trong một báo cáo được công bố mới đây cho rằng trên 1 tỉ USD trong khoản cứu trợ khẩn cấp thuộc Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) thực chất đã rơi vào tay các công ty đã được cấp nhiều khoản vay, vi phạm những qui định của chương trình.

PPP là một phần của Đạo luật CARES trị giá 2.000 tỉ USD đã được giới chức Mỹ thông qua nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. PPP là chương trình được Mỹ khởi động vào tháng 4/2020, dành cho các doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 nhằm mục tiêu bảo vệ việc làm và hạn chế nguy cơ sa thải lao động hàng loạt. 

Chương trình cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ những khoản vay khẩn cấp và có thể không hoàn lại đến 10 triệu USD để đảm bảo việc chi trả lương cho các nhân viên và đáp ứng các chi phí cơ bản do tác động kinh doanh từ đại dịch Covid-19 và thời kỳ phong tỏa. Mặc dù dữ liệu công khai không cho biết chính xác số tiền cho mỗi người vay, nhưng số tiền tài trợ được phân thành 5 cấp. Cấp thấp nhất dao động từ 150.000 đến 350.000 USD, trong khi những công ty được xếp ở cấp cao nhất sẽ nhận được khoản vay từ 5 đến 10 triệu USD. Theo thống kê, hơn 4.800 khoản vay thuộc nhóm cao nhất đã được cấp, trong khi quy mô cho vay trung bình chung là 107.000 USD. 

Tính tới lúc chương trình chấm dứt, PPP đã cung cấp hơn 5,2 triệu khoản vay không hoàn lại thông qua Cơ quan Quản trị Tiểu thương (SBA). Theo một thống kê, chương trình đã cho gần 4,9 triệu doanh nghiệp nhỏ vay với tổng số tiền là 521 tỷ USD. Theo thiết kế, chương trình vẫn còn 133 triệu USD trong quỹ chưa được khai thác. Chính quyền của ông Trump khẳng định PPP đã giúp duy trì 51 triệu việc làm trong lúc nền kinh tế Mỹ suy sụp vì Covid-19. Song, các nhà kinh tế cho rằng tác động thực sự thấp hơn con số này, chỉ khoảng từ 1 đến 14 triệu việc làm.

Đáng chú ý, Tiểu ban về Khủng hoảng virus corona của Hạ viện Mỹ trong một báo cáo được công bố trong phiên điều trần của tiểu ban với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây cho biết phân tích mới nhất “cho thấy rủi ro cao rằng các khoản vay PPP có thể đã được chuyển hướng từ các doanh nghiệp nhỏ thực sự có nhu cầu sang các doanh nghiệp không đủ điều kiện hoặc thậm chí là tội phạm”. 

Báo cáo cho hay hơn 10.000 khoản vay đã được cấp cho những người có nhiều hơn một khoản vay, vi phạm quy định. Tiểu ban về Khủng hoảng virus corona của Hạ viện Mỹ cũng cho biết đã phát hiện hơn 600 khoản vay được cấp cho các công ty lẽ ra không đủ điều kiện vì bị cấm làm ăn với chính phủ. 350 khoản vay khác trị giá gần 200 triệu đã được cấp cho các nhà thầu từng có các vấn đề trong hoạt động trước đây. Gần 3 tỉ USD được cho là đã rơi vào tay các doanh nghiệp từng bị chính phủ “điểm mặt” là có thể có vấn đề. 

Vẫn theo Ủy ban của Hạ viện Mỹ, có bằng chứng cho thấy chưa đầy 12% chủ nhân các doanh nghiệp gốc Phi và châu Mỹ Latin được cấp đủ tiền tài trợ mà họ yêu cầu. Do đó, tiểu ban này kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ thông qua kế hoạch kiểm toán “dựa trên rủi ro” để ngăn chặn tình trạng lãng phí thêm nữa. Theo báo cáo của Tiểu ban, kế hoạch hiện tại chỉ để kiểm toán các khoản vay hơn 2 triệu USD “rõ ràng là không đủ” và “những kẻ gian lận nhận thức rõ về kế hoạch kiểm toán và giám sát chương trình hạn chế này”.

Trước đó, Cơ quan giám sát nội bộ của SBA cũng phát hiện “những chỉ dấu mạnh mẽ” về khả năng gian lận PPP. Các nhà quan sát lo ngại rằng văn phòng Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, phụ trách quản lý các khoản cho vay, có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc phân phối tiền một cách công bằng. 

Trên thực tế, ngay từ đầu, chương trình hỗ trợ theo mô hình “đến trước được phục vụ trước” chưa từng có tiền lệ này đã vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ và giấy tờ, khiến một số doanh nghiệp không thể đăng ký nhận cứu trợ, trong khi một số công ty giàu có lại nhận được các khoản vay.

Người giàu cũng nhận trợ cấp

Trước đó, hồi đầu tháng 7 vừa qua, AP công bố kết quả điều tra của hãng tin này cũng cho rằng có tới 273 triệu USD trong gói cứu trợ kinh tế Mỹ trong đại dịch Covid-19 đã được trao cho hơn 100 công ty của các nhà tài trợ chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Trong số này, nhiều công ty đã lọt vào danh sách thụ hưởng đầu tiên trong gói hỗ trợ vốn vay từ đầu tháng 4, chỉ có 8 công ty phải chờ đến vòng viện trợ sau đó vào tháng 5. 

Điển hình, theo điều tra của AP, chuỗi thức ăn nhanh Muy Brand, các công ty dầu khí và các công ty không thuộc lĩnh vực thiết yếu đều đã được nhận khoản những vay trong khoản ngân sách hơn 659 tỷ USD hỗ trợ lãi suất thấp hoặc miễn lãi để thanh toán tiền lương và phí thuê nhà. Hãng tin này cho rằng, tổng cộng, kể từ tháng 5/2015, các công ty thuộc quyền sở hữu hoặc được điều hành bởi các nhà tài trợ trên đã đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump khoảng 11,1 triệu USD.

Trên thực tế, số tiền mà các công ty trên đã nhận từ gói cứu trợ chưa quá lớn và không có bằng chứng cụ thể cho thấy họ được đối xử đặc quyền nhờ mối quan hệ với Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, phương thức phân phối và thứ tự ưu tiên của các doanh nghiệp này vẫn gây ra tranh cãi đáng kể trong các nhà lập pháp Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ thời gian này dưới áp lực đáng kể từ các nghị sỹ cũng đã phải công khai danh sách các công ty nhận các khoản vay vượt quá 150.000 USD. Theo các thông tin, trong số các công ty này, trang web NewsMax đã được nhận khoản vay có thể lên tới 5 triệu USD. CEO của NewsMax là ông Christopher Ruddy đã ủng hộ 525.000 USD cho ủy ban của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, hãng điều hành các thương hiệu Taco Bell, Pizza Hut và Wendy là  Muy Brands cũng bị tố đã được chấp thuận cho khoản vay trong khoảng từ 5-10 triệu USD. Ông chủ của hãng là James Bodenstedt cũng đóng góp 672.570 USD cho chiến dịch vận động của Tổng thống Trump từ năm 2016. 

Nhận hỗ trợ quy mô tương tự là tập đoàn M Crowd sở hữu 27 nhà hàng tại Texas. Ông Ray Washburne là một trong những người sáng lập hãng. Ông này chính là Phó Chủ tịch Ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2016. Bản thân Washburne cũng góp 100.000 USD cho ủy ban Trump Victory vào tháng 8/2019.

Theo quy định, đối tượng thụ hưởng của chương trình PPP là các công ty quy mô ít hơn 5.000 công nhân. Theo AP, chính quyền không tiết lộ danh tính cụ thể của hơn 80% trong số 5 triệu người thụ hưởng các khoản vay dưới 150.000 USD. Do đó, các hãng tin của Mỹ đã kích hoạt hồ sơ điều tra về vấn đề này.

Đọc thêm