Những điều trùng hợp
Khi nói về “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, từ người lớn đến trẻ em đều gần như đã thuộc lòng câu chuyện. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy câu chuyện cổ tích nổi tiếng này rất có thể là những sự kiện hoàn toàn có thật.
Năm 1994, một nhà sử học người Đức tên Eckhard Sander đã xuất bản cuốn “Schneewittchen: Marchen oder Wahrheit?” (tạm dịch "Bạch Tuyết: Có phải là một câu chuyện cổ tích?") và gây sự chú ý trong dư luận.
Eckhard Sander tin rằng anh đã phát hiện ra một sự kiện có thể đã truyền cảm hứng cho câu chuyện của anh em nhà Grimm vào năm 1812. Theo Sander, nhân vật Bạch Tuyết dựa trên cuộc đời của Margarete von Waldeck (1533-1554), một nữ Bá tước người Đức nổi tiếng vì nhan sắc của mình.
Vào năm 16 tuổi, Margarete bị mẹ kế của cô là bà Katharina von Hatzfeld bắt buộc phải chuyển đến Wildungen ở Brussels sinh sống. Ở đó, Margarete phải lòng một hoàng tử, người sau này trở thành Phillip II của Tây Ban Nha.
Cha và mẹ kế của Margarete không chấp nhận mối quan hệ này vì nó “không phù hợp về mặt chính trị”. Margarete chết một cách bí ẩn ở tuổi 21, dường như đã bị đầu độc. Các ghi chép lịch sử cho rằng quốc vương Tây Ban Nha khi đó đã phản đối chuyện tình lãng mạn và ra lệnh hạ sát cô.
Nàng Margarete von Waldeck - nguyên mẫu nàng Bạch Tuyết. |
Cha của Margarete sở hữu một số mỏ đồng sử dụng trẻ em làm nô lệ. Điều kiện lao động tồi tệ khiến nhiều người chết khi còn rất trẻ. Những người còn sống thì bị chậm phát triển nghiêm trọng khiến chân tay bị biến dạng. Một phần do suy dinh dưỡng và lao động chân tay nặng nhọc. Kết quả là họ thường được gọi là “những người lùn nghèo khổ”. Đó rất có thể là nguyên mẫu của 7 chú lùn. Trong truyện, 7 chú lùn cũng làm nghề khai thác mỏ.
Về phần táo độc, Sanders tin rằng điều này bắt nguồn từ một sự kiện trong lịch sử nước Đức. Một ông già trồng táo trong vườn và thường bị mất trộm táo. Ông tin rằng những đứa trẻ đã hái trộm táo và lừa chúng ăn táo độc.
Tất cả những sự kiện này được truyền miệng nhau và rất có thể được anh em nhà Grimm ghi chép lại để tạo thành câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn” như chúng ta đã biết.
Nguyên mẫu khác của nàng Bạch Tuyết
Bên cạnh giả định của Sander nghe có vẻ rất thuyết phục, tuy nhiên mới đây theo một nhóm nghiên cứu ở Lohr, Bavaria, nhân vật Bạch Tuyết dựa trên cuộc đời nàng Maria Sophia von Erthal (SN 1729 tại Lohr am Main, Bavaria). Cô là con gái hoàng tử Philipp Christoph von Erthal và vợ là Nam tước von Bettendorff.
Sau khi vợ chết, Hoàng tử Philipp kết hôn với nữ Bá tước Claudia Elisabeth Maria von Venningen của Reichenstein. Nữ Bá tước này sau khi về nhà chòng thì không thích con riêng của chồng bà. Trong lâu đài họ sống có một chiếc gương được chế tạo vào năm 1720, nơi Claudia Elisabeth Maria von Venningen thường ngồi ngắm nhan sắc của mình.
Nằm ở phía Tây Lohr, giữa 7 ngọn núi là một thị trấn khai thác mỏ, nơi cũng có những công nhân thấp lùn làm việc ở đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng quan tài thủy tinh có thể là hình ảnh liên kết với các nhà máy thủy tinh nổi tiếng trong khu vực. Trong khi đó, trái táo có độc là hình ảnh ẩn dụ về một loại chất độc bí ẩn gây chết nhiều người ở Lohr lúc bấy giờ.
Rất nhiều nghiên cứu khác nữa về các sự kiện và nhân vật lịch sử có cuộc sống giống như Bạch Tuyết. Điều này càng khiến cho hậu thế thêm phần thắc mắc về nguồn gốc thực sự của câu chuyện này.
Tất cả đều dừng ở ghi chép và phân tích giả định, không ai có thể chứng minh đúng sai. Có thể anh em nhà Grimm đã ghi chép các sự kiện có thực và pha trộn cùng trí tưởng tượng để tạo ra câu chuyện cổ tích huyền thoại, cũng có thể là không.
Chỉ có một điều chắc chắn là sau nhiều thế kỷ, đây vẫn là một trong những câu truyện cổ tích nổi tiếng nhất, xây dựng lòng trắc ẩn và niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải với bao thế hệ tuổi thơ khắp thế giới. Và việc đi tìm nguồn gốc câu truyện cũng không phải là điều quá quan trọng.