Ngôi làng không ngủ nấu bánh chưng

(PLO) - Cứ vào đầu tháp Chạp hàng năm, các làng bánh chưng nổi tiếng đất Bắc lại hối hả vào vụ. Từng khâu tìm lá, chọn gạo, thịt, đỗ đều trở nên rất quan trọng mà những người sống bằng nghề luôn chú ý, bởi không chỉ làm kinh tế mà còn gìn giữ thương hiệu làng nghề.
Ngon từ tấm lá ngon đi
Ở ngoại thành Hà Nội, Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) là làng chuyên làm bánh chưng nổi tiếng nhất. Làng có hơn 200 hộ dân, trong đó 70% sống bằng nghề này. Quanh năm, bánh của làng được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi, xuất ra cả nước ngoài. Nhưng chỉ vào dịp Tết, không khí mới trở nên vô cùng hối hả và gấp gáp. 
Từ đầu tháng Chạp, lá dong đã được tập kết bằng xe tải về làng, rồi gọi người các xóm đã đặt hàng từ trước đó ra chở. Xe máy, xe ngựa tấp nập vào ra. Con ngõ nào cũng thấy rộn rịp lá xanh. Sân, bếp nhà ai cũng có những chồng bánh ra nồi và chuẩn bị vào nồi. Có hộ gia đình trong vụ Tết đã làm hơn một vạn chiếc bánh chưng, có hộ tìm được mối đặt, làm ăn khéo đã bán được 15 nghìn chiếc trong vòng tháng Tết. 
Những “đại gia bánh chưng” đó phải kể đến cặp vợ chồng anh Hùng, chị Yên hay gia đình ông Bảng, bà Ngá. Bánh của gia đình ông Bảng nổi tiếng ngon, do gìn giữ được cách làm bánh và luộc khéo léo để bánh chín tới, bảo đảm độ dẻo, thơm. Theo những người làm nghề ở Tranh Khúc, nghề làm bánh chưng tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi khá kỳ công ở tất cả các công đoạn. Dù đã chọn lựa rất kỹ nhưng chỉ một thứ không ngon thì cả tấm bánh sẽ không thể bảo đảm chất lượng. Theo dự báo, năm 2013 giá bánh sẽ đắt hơn một chút, giá từ 40 đến 50 nghìn đồng/chiếc, do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng.
Để kịp tiến độ đơn đặt hàng của khách xa gần, nhiều hộ phải thuê thợ để làm, mỗi người một công đoạn. Nhưng đông và nhộn nhịp, gấp gáp nhất là khoảng từ 15 tháng Chạp cho đúng đến chiều 30 Tết. Cụ Nguyễn Thị Mỹ - một cao niên 85 tuổi ở Tranh Khúc cho biết: “Từ thời tôi còn nhỏ đã được tiếp nhận nghề của các cụ xưa. Bao nhiêu năm làm bánh, nói chung là thuần thục hết các công đoạn. Để bánh ngon thì phải chọn tốt từ chiếc lá. Lá phải đúng loại, lót trong lá non, bọc ngoài bánh tẻ thì cái bánh mới xanh, ngon. Người ta nói ngon từ tấm lá ngon đi là vì thế. Tiếp theo là chọn gạo nếp nhung, thịt nạc vai, hoặc ba chỉ phải hạng ngon. Luộc bánh phải đủ 8 tiếng, nhiệt độ ổn định và luộc bằng nồi nhôm…”.
Nghề làm bánh không lo thất nghiệp 
Mấy năm nay, người Tranh Khúc và một số làng nghề khác đã đầu tư nồi hơi, nấu bằng điện ba pha, vừa đỡ thải khói bụi cho môi trường, nhiệt độ lại giữ được mức ổn định liên tục nên bánh ngon, chín đều hơn. Anh Nguyễn Tiến Khôi - một thương gia chuyên về đặt hàng làng Tranh Khúc mang đi tiêu thụ cho rằng, dù cuộc sống có tiến bộ đến mấy thì người dân vẫn thích thưởng thức món bánh chưng truyền thống. Nhất là dịp Tết, miếng bánh càng trở nên quan trọng trong mỗi gia đình. 
Do vậy, nghề làm bánh sẽ không bao giờ thất nghiệp, và người làm bánh cần phải gìn giữ uy tín mình đã có được để làm ăn lâu dài. Có thế, bánh chưng của làng mới ngày càng vươn xa, nhất là đã có thương hiệu chung, có tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm nữa, người dân ta ngày càng ít gói bánh chưng, nhưng vẫn cần bánh vào dịp Tết nên những làng nghề gói bánh tha hồ phục vụ “thượng đế”. 
Vất vả và tất bật vì nghề, những làng bánh chưng vẫn coi việc làm của họ là lấy công làm lãi. Đó là một nghề không chỉ làm nên món quà truyền thống mà còn góp cho ngày tết hương vị xuân đậm đà chất Việt. Người ăn sẽ nhớ người làm bánh và chắc chắn vì thế từ nay đến Tết, sẽ rất nhiều người không ngủ để làm bánh…

Đọc thêm