Ngôi làng tự “ám sát” tương lai

(PLO) - Hơn 100 trẻ nhỏ được xét nghiệm ngẫu nhiên thì tất cả đều có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng, kết quả này khiến người dân thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) như choàng tỉnh, họ không ngờ nghề “câu cơm” lại “đầu độc” con em mình như thế…

Ắc qui tập kết thế này gây ô nhiễm cả đất và nguồn nước.
Ắc qui tập kết thế này gây ô nhiễm cả đất và nguồn nước.
Nếu nói con cái là tương lai của cha mẹ, trẻ em là tương lai của đất nước thì tại thôn Đông Mai, phải chăng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc mưu sinh, người ta đang tự “ám sát” tương lai của mình?
Đốt “tương lai” bên lò chì
Năm 2012, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với  Trường ĐH Washington đã tiến hành chọn ngẫu nhiên 109 trẻ em dưới 10 tuổi ở Đông Mai để  xét nghiệm sàng lọc lượng chì trong máu. Kết quả, cả 109 em đều có hàm lượng chì trong máu vượt quá giới hạn cho phép (>10 µg/dl), thậm chí hàng chục bé có độ phơi nhiễm cao gấp 7 - 8 lần. Những gia đình tiêu biểu có trẻ nhỏ nhiễm chì vượt giới hạn phải kể đến như gia đình chị Bùi Thị Thủy, anh Lê Trung Hưng… 
Chưa dừng lại ở đó, theo kết quả nghiên cứu tại những điểm gần lò nấu, hàm lượng chì ngấm trong đất dao động trong khoảng 659,83 mg/kg đến 96,456 mg/kg đất, đặc biệt mẫu trầm tích lên đến 196,362 mg/kg. Sự ô nhiễm của thứ kim loại nặng này tồn dư trong môi trường sẽ dẫn đến sự tích tụ hàm lượng ngày một nhiều, ảnh hưởng trực tiếp lên các thực vật sống lân cận, gây nguy cơ khuếch đại sinh học theo các mắt xích của chuỗi dinh dưỡng, làm tổn hại sức khỏe con người.
Những thống kê kinh khủng kể trên không phải bỗng nhiên mà có. Nó xuất phát từ công việc mưu sinh của chính những người dân Đông Mai. Ngược thời gian, nghiệp nấu chì phát triển ở Đông Mai vào khoảng năm 1987. Thời điểm thịnh nhất, mỗi ngày làng “xử lý” hàng chục tấn nguyên liệu chì (bình ắc quy, pin – PV) mang lại thu nhập 90 – 350 ngàn đồng/người/ngày. Nếu so với mức thu lợi 200 ngàn đồng/sào/vụ lúa thì lãi mang lại từ nghề nấu chì gấp cả chục lần. Và nguồn lợi ấy khiến người Đông Mai “mờ mắt”, cả làng đổ xô đập phá ắc quy. Thưở ấy, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp các lò nấu chì tỏa khói, tiếng phá bình ắc quy bôm bốp. 
Trưởng thôn Lê Huy Gương bức xúc vì cho rằng người dân bị nhiễm độc nhưng đang bị bỏ rơi.
Trưởng thôn Lê Huy Gương bức xúc vì cho rằng người dân bị nhiễm độc nhưng đang bị bỏ rơi. 
Chì ở Đông Mai có giá và quan trọng với người dân như một thứ của cải quý hiếm, tới mức họ sơ chế xong phải cất giấu gọn ghẽ ngay, đề phòng trộm. Thế nên, dù chẳng ai xui nhưng từng thỏi chì to cỡ bàn tay người lớn (giá 2 triệu đồng/thỏi – PV) sau khi “chui” ra khỏi các khuôn đúc sẽ lập tức được xếp ngăn nắp dưới… gầm giường các gia đình. 
Vẫn mưu sinh, bất chấp độc hại
Hàng trăm người trong vùng đều vô tư “ăn chì, ngủ chì”, chưa từng nghĩ thứ “lộc nghề” ấy sẽ độc hại đến vậy. Trưởng thôn Đông Mai, Lê Huy Gương thật thà kể: “Bản thân tôi cũng một thời làm nghề, giống tất cả mọi người, khi phá các bình ắc quy đều sử dụng tay trần, không dụng cụ bảo hiểm gì hết. Cứ thế phá ắc quy ra rồi dùng tay phân loại chúng, không lo ảnh hưởng sức khỏe gì cả”.
Trạm Y tế xã Chỉ Đạo mỗi tháng tiếp nhận không dưới 300 lượt bệnh nhân khám chữa, trong đó chủ yếu mắc các chứng liên quan đến viêm đường hô hấp. Nhưng ai trong vùng cũng giữ nguyên lập luận “không khói thì không độc hại”. Tưởng chỉ có người dân mơ hồ, nào ngờ cả bà Trưởng trạm Y tế Đặng Thị Lý cũng khẳng định: “Những năm 90, việc ô nhiễm mới nhiều, mới nặng chứ giờ không còn”. Tuy nhiên, cũng chính bà Trạm trưởng lại bác quan điểm trên. Bà cho hay: “Hệ lụy từ ô nhiễm chì vẫn còn tồn tại, chúng gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Máu nhiễm chì, nếu không được đem đi tẩy ở các bệnh viện, sẽ rất nguy hiểm”. 
Một điều đáng ngại hơn ở đất Đông Mai là tâm lý coi thường những ảnh hưởng của việc phơi nhiễm kim loại nặng tới sức khỏe con người. Một người dân thôn nói như thách thức: “Người ta nói chì ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thế nhưng ai trả lời cho tôi sự ảnh hưởng ấy lớn như thế nào, khi nào xảy ra? Làng chúng tôi có những bà cụ tuổi ngoài 90 vẫn sống, nói làng tôi ô nhiễm nhưng xin lỗi nhé, nhiều làng bên cạnh còn ô nhiễm gấp vạn lần ở đây”. 
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo:

“Ngộ độc chì ở mức độ nào cũng có hại đến sức khỏe. Nếu người bệnh bị nhiễm chì trong thời gian kéo dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm.

Riêng đối với trẻ em, chì tỷ lệ nghịch với sự phát triển chỉ số thông minh. Nồng độ chì trong máu quá cao sẽ có hại về mặt phát triển trí tuệ. Còn người lớn bị ngộ độc chì lâu ngày, bệnh trở thành mãn tính, dẫn tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ.

Chì còn tác động lên hệ thống enzyme, đặc biệt là enzyme vận chuyển hiđro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến như đau bụng chì, đường viền đen Burton ở lợi, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp vĩnh viễn, liệt, tai biến não, nếu nặng có thể gây tử vong”.

Đọc thêm