Lấy chồng điên vì trúng “sét ái tình”
Trong cái rét lạnh buốt của tiết trời mùa đông, tôi tìm về thôn Văn Nội, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội. Vừa dừng xe hỏi thăm nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1967) – anh Nguyễn Đức Đăng (SN 1959), cụ già ven đường nhiệt tình chỉ đường. Hướng dẫn đường đi xong, cụ bảo: “Cháu là nhà báo à? Chuyện về gia đình nhà Hằng – Đăng đúng là chuyện cổ tích giữa đời thường mà”…
Ngôi nhà vợ chồng chị Hằng và các con đang ở là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang. Cổng ngõ là những cành rào tre, ván gỗ ghép lại với nhau mục đích để ngăn không cho anh Đăng và các con ra ngoài trong lúc chị vắng nhà.
Vừa bước vào trong nhà, một mùi ngai ngái (hỗn hợp của đủ các loại mùi: thức ăn thừa, quần áo bẩn, mùi ẩm mốc…) bốc lên khiến tôi có cảm giác buồn nôn, ngạt thở. Đưa tay chỉ vào chiếc ghế nhựa duy nhất trong nhà, chị mời tôi ngồi còn mình lại chiếc giường gỗ cũ kỹ, ọp ẹp được mọi người cho, chị Hằng bắt đầu kể về cuộc đời mình.
Chị Hằng là con út trong gia đình có ba anh chị em. Mẹ mất khi chị mới được mấy tuổi. Để có người chăm sóc ba đứa con thơ dại, bố chị quyết định đi bước nữa. Nhưng từ khi có mẹ kế, cuộc sống của chị càng vất vả, khổ sở hơn.
“Khác máu tanh lòng” cộng thêm khác tính, khác nết mẹ kế ghét con chồng ra mặt. Thế nên, thay vì chăm sóc, cho con chồng đi học cho biết cái chữ, chị Hằng và các anh chị em khác phải ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc đồng ruộng, nhà cửa. Lớn hơn chút nữa, anh em chị Hằng phải đi mò cua bắt ốc, làm thuê, làm mướn kiếm tiền đưa mẹ kế…
“Tiền do mình kiếm về đưa mẹ kế nhưng vài năm mới được mua một chiếc áo mới diện tết. Có lần thích quá, mua được cái áo, mang về nhà chưa dám mặc thì bị mẹ kế mang ra băm, cắt nát, tủi lắm”, chị Hằng ngậm ngùi.
Mẹ kế độc ác, gia cảnh lại nghèo khó, cơm tính từng bữa, chị Hằng luôn “đầu tắt mặt tối”, với cuộc sống mưu sinh để rồi quên cả chuyện lấy chồng. Chị Hằng tâm sự: “Ở tuổi xuân thì, cũng có nhiều người đàn ông đến hỏi tôi làm vợ nhưng tôi không dám đồng ý vì gia cảnh nghèo khó của mình. Đến lúc ngấp ngé tuổi 30 thì chẳng ai hỏi nữa, tôi tưởng mình sẽ sống cuộc đời cô độc. Nào ngờ tôi lại quyết định lấy chồng khi gặp anh – một người điên không làm được việc gì, chỉ biết đi thơ thẩn, lang thang ngoài đường”.
Theo lời kể của chị Hằng, hôm đi gặt lúa cho em dâu ở thôn Văn Nội, trong lúc nghỉ ngơi, chị được mọi người bóng gió mai mối chị với anh Đăng – một người điên (mắc bệnh tâm thần), chị giãy nảy phản đối. Chị bảo thà làm gái ế cả đời chứ nhất định không chịu lấy một người điên làm chồng.
Ánh mắt xa xăm, nhớ lại kỉ niệm, chị kể: “Mạnh mồm nói thế nhưng chiều đó về nhà, gặp anh Đăng đang thơ thẩn ngoài cổng chợ đầu làng, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Trước kia nghe hai từ người điên tôi đã sợ, càng sợ hơn khi gặp người điên vậy mà lúc ấy nhìn anh, tôi không hề sợ hãi. Anh Đăng đúng như tưởng tượng của tôi: Đôi mắt đờ đẫn hoang dại, hai bàn tay cáu bẩn, quần áo rách rưới tả tơi, tóc tai bù xù, thi thoảng lại cười hềnh hệch… Nhìn anh thế, lòng tôi dâng lên cảm xúc”.
Thay vì đi về nhà, chị Hằng tiến lại gần trò chuyện với anh Đăng. Lúc ấy, chị mới biết anh hiền. Bởi chị hỏi gì cũng gật hoặc lắc khi không biết, không hiểu... Hỏi đến bệnh tật thì anh bảo anh đi bộ đội, trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Campuchia, anh bị thương ở đầu, hôn mê cả tháng…
|
Vợ chồng chị Hằng. |
Đám cưới nhanh chóng diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng, làng xóm. Chú rể điên bộ dạng đầu bù, tóc rối, quần áo rách rưới, bạ đâu nằm đó… ngày nào được “biến hóa” thành chú rể đẹp trai: mái tóc cắt ngắn, áo sơ mi trắng, quần âu lịch lãm. Trên tay anh, bông hoa hồng vẫn được giữ chặt. Còn cô dâu xúng xính bên chiếc áo dài trắng mà người bạn thân cho mượn...
Và hạnh phúc trong “ngôi nhà điên”
Cưới nhau được một thời gian, chị Hằng có thai. “Khi tôi bảo anh sắp được làm bố, gương mặt anh Đăng rạng ngời. Cả ngày hôm ấy, anh chỉ quanh quẩn bên tôi vì sung sướng. Ngày tôi sinh Hiểu Ly (SN 2001), trời thương hôm ấy anh Đăng tỉnh táo lạ thường. Anh cứ rụt rè, rón rén lại gần giường vợ, nhìn con đang ngủ, rồi cho tôi ăn, lúc ấy hạnh phúc lắm”.
Anh Đăng mắc bệnh tâm thần, cứ một ngày điên, một ngày tỉnh, sức khỏe lại yếu nên không thể giúp chị bất kể việc gì. Thậm chí một số công việc cá nhân của anh cũng phụ thuộc vào lời nhắc nhở, chỉ bảo của vợ. Vậy mà 14 năm qua, chưa bao giờ chị Hằng than thân trách phận hay chán nản, buông xuôi bỏ mặc anh, bỏ mặc con.
Bé Hiểu Ly, cô con gái mang niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cha mẹ càng lớn càng có dấu hiệu tâm thần giống bố. Năm nay bé đã 13 tuổi, thân hình như thiếu nữ 18 tuổi song cô bé rất ngờ nghệch, không được thông minh như những cô bé cùng trang lứa.
Đau lòng hơn, cô con gái thứ hai sinh năm 2009 của anh chị mang tên Ngọc Anh cũng có dấu hiệu tâm thần như cha. Cô bé hay gào khóc giữa đêm khuya, cười một mình, ánh mắt dại vô hồn… Thêm vào đó, hai cô bé hay bị đau đầu dữ dội, nôn ra máu… “Hóa ra, anh Đăng đi chiến trường bị nhiễm chất độc dioxin…”, chị Hằng rưng rưng.
Để lo cho chồng con, chị Hằng không từ một việc gì từ làm thuê, làm mướn đến mò cua, bắt ốc đi bán lấy tiền mua gạo. “Hồi sinh bé thứ hai được vài tháng, nhà túng quá, phải mang cả con đi làm thuê, gánh gạch cùng. Không ai thuê mướn, mang con đi mò cua, bắt ốc cùng. Mẹ lúi húi dưới sông, con lổm ngổm bò trên đường. Nhà nghèo lại chỉ có mình là trụ cột gia đình nên khổ lắm. Nhưng khổ đến mấy tôi cũng chịu được, chỉ sợ không đủ cơm cho chồng con no bụng thôi”.
“Đã bao giờ chị phải nhịn đói chưa”, tôi hỏi, chị Hằng đáp: “Nhiều! Nhiều lắm. Có lần nhà còn ít gạo, chỉ đủ cho ba bố con ăn, tôi phải nói dối là ăn rồi nhưng anh Đăng biết. Anh không ăn, chỉ ngồi cắm đũa, cắm bát để đó. Tôi giục cũng không chịu ăn, bảo no chưa thì lắc đầu. Hóa ra, ông ấy nhường cho tôi và các con. Hay có hôm tôi đi làm, mang theo cả con gái út về muộn, con gái đầu bảo bố đi lên đê tìm mẹ và em rồi. Lúc về, thấy mặt anh ấy thất sắc vì lo lắng, tôi cũng cảm động”.
Nghe vậy tôi hỏi chị vì sao chị lại chọn và chấp nhận cuộc sống như thế này, chị cười “vì tình yêu”. Quả thật nhìn cách chị chăm sóc chồng, con, tôi hiểu điều chị nói là thật. Và anh Đăng cũng yêu vợ không kém. Tình yêu anh dành cho vợ, thật từ chân tơ, kẽ tóc, từ ánh mắt anh dành cho vợ đến cách anh cưng nựng âu yếm con.
Câu chuyện “cổ tích tình yêu” đẹp đẽ đó được mọi người truyền tụng nhau, từ cụ già cho đến những đứa trẻ trong thôn. 14 năm trước, người ta kỳ thị chị khi lấy điên làm chồng bao nhiêu thì nay, họ cảm phục tình yêu và sự hi sinh của chị bấy nhiêu./.