Ngư dân miền Trung vẫn vượt sóng ra khơi

(PLO) - Trong khi Trung Quốc đang tăng cường thêm tàu hải cảnh, hải giám, tàu sắt trá hình vào vùng biển Việt Nam; trực tiếp uy hiếp đẩy đuổi không chỉ với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, mà cả ngư dân cũng liên tục bị tấn công. Tuy nhiên, sau khi sửa chữa, đóng mới… những chuyến tàu vẫn hồ hởi vượt sóng ra khơi với nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng, nghiệp đoàn nghề cá…
Những chuyến tàu khẩn trương ra khơi
Những chuyến tàu khẩn trương ra khơi
Tàu cá ngư dân liên tục bị tấn công 
7h sáng ngày 15/5, tàu cá mang số hiệu QNg 94290 của ông Phan Cu (SN 1965, ngụ huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa cập cảng cá âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) để tiến hành sửa chữa những hư hỏng do bị tàu Trung Quốc đâm. 
Khoảng tầm 2 giờ sáng ngày 13/5, khi các ngư dân đang ngủ, bất ngờ bị tàu sắt của Trung Quốc húc mạnh vào mạng thuyền. Giật mình tỉnh giấc, ông Cu và nhóm người “đi bạn” phát hiện tàu của mình bị tàu Trung Quốc quẳng lưới bủa xung quanh. 
Lo sợ bị lưới quấn vào chân vịt gây hỏng hóc, lại đang đêm khuya không biết cầu cứu ai, ông Cu cho người cắt lưới rồi tìm cách quay vào bờ. Tàu Trung Quốc đuổi theo, tiếp tục húc vào đuôi tàu cá của ông Cu làm thân tàu bên trái bị thủng một lỗ to. Ngay trong đêm, 2 tàu của ông Cu thu dọn ngư cụ để quay vào bờ sửa chữa. 
Vừa có mặt tại đất liền, ông Cu đã báo cáo toàn bộ vụ việc cho lực lượng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. Tương tự, ông Hồ Văn Minh, chủ tàu QN 90404 (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cũng đang tích cực sửa lại lổ thủng trên tàu ngay khi vừa cập bờ.
Theo ghi nhận của lực lượng cảnh sát biển vùng 2 cùng như Chi cục kiểm ngư vùng 2 (đóng tại Đà Nẵng), từ khi đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, tính đến 17h ngày 15/5, phía Trung Quốc đã huy động 1 máy bay tại khu vực gần giàn khoan, giữ nguyên số lượng gần 90 chiếc tàu hải cảnh và hải giám. Đặc biệt, hiện nay số lượng tàu cá vỏ sắt trá hình có lượng giãn nước từ 100 - 150 tấn tăng thêm gần 40 chiếc. Chính những tàu cá vỏ sắt trá hình này thường xuyên gây hấn, xua đuổi tàu cá Việt Nam ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. 
Tàu cá nối đuôi vươn khơi xa
Ngày 14/5, tại cảng cá Thọ Quang, tàu dịch vụ hậu cần và đánh bắt xa bờ mang số hiệu ĐNa-90611 đã được hạ thủy, lên đường khai thác ngư trường Hoàng Sa. Ông Trần Toàn (SN 1960, ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ nhân tàu cá Đna-90611 cho biết, tàu có công suất 860CV, được đóng mới trong thời gian hai tháng, trị giá 3,2 tỷ đồng. Đây được xem là chiếc tàu hậu cần và đánh bắt xa bờ lớn thứ 2 tại Đà Nẵng. Trước đó, tàu hậu cần nghề cá Đna- 90444 của ngư dân Lê Văn Sang (ở cùng địa phương) với công suất 1.000 CV cũng đã hạ thủy và đang ngày đêm bám biển.
Đến chiều ngày 15/5, tại Âu thuyền Thọ Quang, hàng trăm ngư dân đã làm lễ biểu dương lực lượng, cổ vũ cho 6 tàu cá lớn, công suất trên 250 CV tiếp tục xuất bến. Đi trên 6 tàu cá này có khoảng gần 100 ngư dân trai tráng, hừng hực khí thế. 
Ông Nguyễn Văn Điều, chủ tàu cá mang số hiệu DNa-90350 nói: “Dù tàu Trung Quốc lớn, có vũ khí nhưng họ đang làm những hành động phi pháp. Còn chúng tôi phản đối là vì chính nghĩa. Vì thế, nếu chúng tôi đoàn kết lại thì chính nghĩa sẽ thắng”.
Cộng đồng luôn sát cánh cùng ngư dân!
Tại buổi lễ xuất quân ngày 15/5, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã tặng 6 tàu cá mỗi tàu 2 triệu đồng, 30 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng cam kết, toàn bộ những tàu cá đóng mới có công suất từ 400 CV trở lên đều được hỗ trợ từ 500-800 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư đóng mới những đội tàu có công suất lớn nhằm nâng cao chất lượng đánh bắt thủy hải sản và công tác hậu cần tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam./.

Đọc thêm