Những ngày ấy hào hùng
Cũng như lớp lớp thanh niên khác cùng trang lứa, năm 1964 vừa học hết lớp 7 nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, của Đảng “thà hi sinh cho Tổ quốc quyết sinh” chàng trai Phan Văn Tỵ đã viết đơn tình nguyện làm TNXP. Phan Văn Tỵ được cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, thuộc Đại đội C317, cùng 15 TNXP khác với nhiệm vụ thông đường cho xe chở lương thực và vũ khí vào miền Nam.
Địa điểm đầu tiên tại huyện Nghĩa Đàn, sau ba tháng đơn vị được chuyển về cầu Cấm (Nghi Lộc), hoàn thành việc lấp đường do bom phá đơn vị lại được chuyển về khu vực cầu Phương Tích (xã Nghi Phương), sau đó là tuyến đường quốc lộ 46 đoạn qua xã Nam Thượng (Nam Đàn) và khu vực cầu Rào Gang (đoạn qua xã Thanh Khai)…
Ông Tỵ kể: “Để xe bộ đội ta có đường chạy thì anh em trong đơn vị làm cả ngày cả đêm, những thời điểm lấp đường mà máy bay cứ rà trên đầu, để tránh bị lộ và bị ném bom nên anh em chỉ có cách lần mò trong bóng đêm để đắp đường. Dù đêm tối nhưng bộ đội ta cần đường để cho xe qua nên không ai biết mệt nhọc, cặm cụi trong đêm, đến lúc trời sáng là con đường cũng hoàn thành cho xe đi qua…”.
Hết năm 1966, đầu năm 1967 đơn vị nhận nhiệm vụ tại “tọa độ lửa” Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) nơi bị địch đánh phá ác liệt hòng cắt đứt huyết mạch chi viện cho miền Nam. Do mật độ ném bom ở đây tần suất lớn hơn, dày đặc hơn nên hầu như anh em trong đơn vị không có ngày nào được ngơi nghỉ.
“Bất cứ ngày đêm, hễ cứ nghe có tiếng máy bay địch càn quét qua là mọi người không ai nhủ ai, người cuốc, người rổ rá, người bao tải… vác chạy ra vị trí vừa bị ném bom để đắp đường. Giờ đây, nghĩ lại thời đó cũng không hiểu sao mọi không ai sợ chết, không ai sợ bị bom đạn ném trúng với mục tiêu cao luôn đặt ra là thông đường cho xe đi qua”, ông Tỵ nhớ lại. Cứ thế, những con đường đầy ắp hố bom được các TNXP ngày đêm đắp thẳng tắp để vận chuyển người, hàng hóa, lương thực, vũ khí vào miền Nam.
Bắt sống giặc lái giữa làn mưa đạn
Có một kỷ niệm theo ông mãi cho đến tận ngày hôm nay, khi tuổi đã 75 là giây phút đuổi theo một tên giặc lái vừa nhảy dù xuống đất. Đó là giữa trưa ngày 17/5/1967, khi cả đội đang nằm nghỉ trưa tại nhà kho hợp tác xã Mỹ Sơn thì một loạt máy bay rà trên bầu trời.
Sau đó là một loạt bom ném xuống ầm trời, một chiếc máy bay bị bộ đội ta bắn rơi, nghe đồng đội kêu có giặc lái nhảy dù. Không chút chần chừ, Phan Văn Tỵ bật dậy chụp lấy khẩu súng lao ra bên ngoài, phát hiện một phi công Mỹ vừa nhảy dù xuống đất đang gỡ dây dù để bỏ chạy, lập tức ông vác theo khẩu súng đuổi theo. Phát hiện bị truy đuổi, tên giặc lái liền cúi đầu chạy lên đỉnh đồi để được đồng đội ứng cứu.
“Khi đó, ba chiếc máy bay địch bay trên đầu ra rà để cứu đồng đội, tui cứ thế đuổi theo tên phi công và xả súng bắn, thực sự lúc đó tui cũng không còn suy nghĩ được là mình có bị bắn chết hay không nữa, cứ thế đuổi theo để bắt bằng được tên phi công”, ông Tỵ kể.
Sau một lúc dùng súng bắn truy đuổi thì súng hết đạn, lúc này có đồng đội là anh Nguyễn Thế Trung mang theo một khẩu súng đang chạy từ xa đến. Phan Văn Tỵ đón lấy súng để khống chế tên giặc lái thì tên địch cũng hốt hoảng xông đến cướp súng.
Lúc này có thêm hai đồng đột khác cũng từ hai phía xông đến, thế gọng kìm tên địch đang hoảng loạn thì bị ông Tỵ lao đến khống chế bắt giữ. Tên phi công sau đó được giao cho dân quân xã Mỹ Sơn dẫn về trụ sở, huyện đội và tỉnh đội đã đến lập biên bản rồi giam giữ. Do còn nhiệm vụ nên Phan Văn Tỵ cũng về tiếp tục làm đường, sự việc sau đó được đơn vị đề nghị khen thưởng nhưng chiến tranh ác liệt và bận làm nhiệm vụ nên sự việc cũng không ai còn nhớ đến.
Trong một lần đang đào đất lấp đường tại dốc Truông Bồn quả mìn dưới đất phát nổ khiến ông Tỵ và nhiều đồng đội ngất xỉu được mọi người đưa đi cấp cứu. Cũng trong chiến tranh ác liệt đó, ông Tỵ tình cờ gặp được người nữ TNXP Nguyễn Thị Cảnh (SN 1939 – vợ ông bây giờ) làm công nhân trong nhà máy ép dầu Vinh (đóng tại Thanh Lương, Thanh Chương).
Sau thời gian tìm hiểu, cuối năm 1968 đám cưới đơn sơ được tổ chức tại đơn vị. Miền Bắc giành được chính quyền, Mỹ ngừng ném bom, những TNXP cũng hoàn thành nhiệm vụ làm giao thông hào. Cuối năm 1968, hai vợ chồng ông Tỵ, bà Cảnh về quê xây dựng quê hương.