Chồng vừa mất đã phải bế bồng con đi lau nhà thuê
Bà Tá Chu (SN 1949) trong gia đình có 4 anh chị em nghèo ở vùng sông nước Kiên Giang. Khi bà lên 8 tuổi thì mẹ mất. Một năm sau, cha đưa 4 chị em lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Mới 12 tuổi cô bé đã biết bắt đầu đi lau nhà thuê. Nói về tuổi thơ của mình, bà bảo chỉ có cái chổi và miếng giẻ rách làm “bầu bạn”, chưa bao giờ được một lần cắp sách tới trường.
Ngày nhỏ, nhìn chúng bạn đi học, cô bé cũng ước ao được một lần mặc quần áo đẹp đến trường. Xin bố cho đi học, ánh mắt bố bỗng nhòe đi: “Nhà mình nghèo đến cái ăn cũng không đủ, lấy gì đi học hả con”.
Đến năm 30 tuổi, bà giật mình nhìn lại thì tuổi xuân đã vội vã đi qua. Không còn sự lựa chọn nào khác, qua mai mối, bà đồng ý kết duyên với một người đàn ông không quen biết. Ngày bước về nhà chồng, bà đau đớn nhận ra mình lấy phải người chồng khù khờ, vô dụng. Hoàn cảnh nhà bà đã “nghèo rớt mồng tơi”, còn nhà chồng thì “dàn mồng tơi cũng không có để rớt”, tấc đất cắm dùi không có, suốt ngày lang thang ở trọ.
Bà đã có ý định buông xuôi số phận. Nhưng rồi hai đứa con trai lần lượt ra đời đã tiếp thêm “lửa” sống cho bà. Bà lao vào công việc nhiều hơn trước. Hàng ngày bà để con ở nhà cho người chồng ngây dại chăm sóc, bà oằn lưng từ nhà này sang nhà khác để lau nhà, giặt đồ thuê, kiếm từng đồng bạc lo miếng ăn sống qua ngày.
Nhờ trời cho sức khỏe, người thuê ngày càng đông nên các con không phải đói. Nhưng tai họa ập tới. Năm 1981, chồng bà mất vì bạo bệnh. Một ngày sau khi chồng mất, con đã đói lả, một tay bà bế đứa nhỏ, tay kia dắt đứa lớn, tiếp tục lau nhà thuê.
Con trai đứa điên dại, đứa nghiện ngập
Vận đen không buông tha. Càng lớn, đứa con trai đầu Diệp Tính Cu (SN 1976) càng có biểu hiện ngơ ngáo tâm thần giống bố. Người Cu có lúc thẫn thờ, có khi thì lên cơn đập phá mọi đồ đạc trong nhà, bỏ đi lang thang khắp nơi. Đêm nào đi làm về bà cũng phải đi tìm con khắp hang cùng ngõ hẻm gần nhà. Sợ con đi lang thang nguy hiểm, bà nhốt Cu trong nhà.
Được 3 bữa, Cu la hét ầm ĩ, hàng xóm qua trách móc, bà lại phải thả con ra. Trong một lần đi lang thang bị lạc đường, Cu bị xe tông bị thương. Sợ quá, bà đành lên UBND phường kêu cứu. Chính quyền giới thiệu cho bà đưa con lên Trung tâm điều dưỡng người bị bệnh tâm thần Thủ Đức, nhờ các y bác sĩ chăm sóc.
|
Bà lão hơn nửa thế kỷ lau nhà thuê |
Trong căn nhà thuê dột nát ấy chỉ có đứa con thứ 2 Diệp Tính Thêm (Sn 1980) là niềm hi vọng duy nhất. Biết mẹ khổ cực, cậu bé đi làm thuê từ rất sớm. Ngày nào cậu cũng ra đứng nơi góc chợ, ai thuê gì làm nấy. Sống lay lắt nơi chợ búa, Thêm bị bạn bè xấu rủ rê chơi bời. Khi Thêm 22 tuổi, bà Chu chết điếng khi biết tin con nghiện ma túy. Chấp nhận số phận bất hạnh, bà gắng gượng đi làm kiếm tiền đưa con đi cai nghiện.
“Thời gian đó khổ cực lắm. Ăn cũng không dám ăn. Ngày nào đi làm thấy nhà chủ vứt đồ ăn thừa đi là mình xin ăn cho đỡ tiền”, bà nhớ lại. Nhưng được đồng nào, Thêm đều “cuỗm” đi hút hít hết. Hết lời khuyên nhủ nhưng không được, sợ không có tiền hút hít, con sẽ sa vào con đường trộm cắp, bà cầu cứu công an phường đưa Thêm đến Trung tâm cai nghiện Bình Đức. Hết lần này đến lần khác, hết trung tâm cai nghiện Bình Đức, đến Trung tâm Phú Giang, rồi Đức Hạnh mà con bà vẫn “ngựa quen đường cũ” không dứt được ma túy. Sợ con không có tiền “phê pha”, trở chứng đi ăn trộm phá phách, bà đành gửi con ở Trung tâm cai nghiện Phú Giang từ đó đến nay.
Mười ngón tay không còn dấu vân tay
Không biết đi xe đạp, không biết một con chữ, bà Chu chỉ biết dùng sức làm cái nghề lau nhà, giặt quần áo thuê kiếm sống. Hàng ngày bà lau dọn, giặt đồ ít nhất là 3 nhà. Sáng nào bà cũng dậy từ lúc 4h sáng, cuốc bộ đến nơi làm. Có nhiều lần đi làm xa, bà vừa phải chạy bộ, vừa gắng xin đi nhờ xe để làm cho kịp.
Vừa xoa bóp đôi chân, bà Tá Chu vừa buồn tủi: “Từ khi có 2 đứa con, nhiều lần tôi thử đi xin làm giúp việc cho người ta để kiếm thêm thu nhập. Nhưng được bữa đầu họ thông cảm, bữa sau thì họ đuổi việc vì nấu ăn quá tệ. Có khi hùn vốn đi bán hàng nhưng không biết chữ nên bị lừa hết tiền. Từ đó tôi không dám nghĩ đổi qua làm nghề khác nữa”.
Em gái bà đưa chị về sống cùng nhà
Sống ở nhà em gái, bà không lo chỗ ở nhưng gánh nặng mưu sinh vẫn đè lên người đàn bà già yếu. “Mấy năm trở lại đây bệnh đau khớp hoành hành nên tôi chỉ gắng lau dọn được 2 nhà. Tháng kiếm được 2 triệu. Trong số tiền đó phải chia làm sao cho đủ ăn hàng tháng. Đêm nào hai đôi chân cũng đau nhức. Muốn đi khám bệnh nhưng không có tiền. Ngày nào đau quá tôi ra tiệm thuốc tây mua thuốc giảm đau về uống. Sáng nhịn ăn, trưa ăn cơm 15 nghìn, chiều lại mua ổ mì lót dạ”, bà kể.
Đã 7 tháng rồi bà chưa lên thăm Cu, 8 tháng rồi chưa lên thăm Thêm. Mấy ngày hôm nay, các cô y tá ở cả hai nơi gọi điện bảo: Thằng Cu, thằng Thêm nhớ mẹ, nhắn mẹ lên thăm. Nhưng giờ mà bỏ đi thăm con thì khi về lại mất việc. Không có ai thuê lau nhà thì lấy gì mà sống. Có nhiều lần nhớ con quá, bà chấp nhận mất việc, nhưng lúc ấy lại không có tiền đi. Bà chạy đôn chạy đáo đi vay nhưng không ai dám cho mượn. Vậy là lần ấy “thiệt đơn thiệt kép” vừa mất việc, vừa không được gặp con, chỉ biết ngồi khóc.
Năm 2011, Cu phát bệnh nặng. Bà đi xin từng đồng bạc gom góp lên bệnh viện đa khoa Thủ Đức chăm con. Biết bà không biết chữ, bác sĩ đành lấy dấu vân tay để làm hồ sơ nhập viện cho Cu. Nhưng lăn đi lăn lại 10 ngón tay, không có ngón nào có nổi dấu vân tay nữa.
Hơn 50 năm cầm giẻ lau nhà, giặt đồ thuê, đôi bàn tay bà đã bị bào mòn, chai sạn. Đôi chân bà đầy vết lở loét do dầm nước quá nhiều. Hộp cơm đã nguội ngắt. Bà khóc, thương cho cuộc đời mình không may mắn như người đời, hay khóc thương đàn con đứa trại tâm thần, đứa trại cai nghiện, mai này bà chết rồi ai đến thăm?