Thôn nữ bị lừa bán sang Trung Quốc
Chị Đặng Thị Tố Thủy (SN 1977) sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, là con thứ năm trong gia đình gồm 10 anh chị em. Gia đình quá khó khăn, hết lớp 6 Thủy phải nghỉ học đi làm phụ ba mẹ kiếm tiền nuôi em. Mới hơn 10 tuổi đầu, Thủy đã biết đi lấy bánh mì sáng đem ra chợ bán, chiều về lại chân lấm tay bùn với đồng ruộng.
Tình cờ, Thủy được một người quen giới thiệu với đối tượng Nguyễn Thị Lan. Lan hứa hẹn đưa chị ra Hà Nội làm việc lương cao. Trước viễn cảnh tươi đẹp do Lan vẽ ra, cùng mơ ước đổi đời, Thủy háo hức khăn gói lên thành phố. Chị không thể ngờ rằng đó là chuyến đi định mệnh, mở đầu một đoạn đời gian truân bất hạnh mà suốt những năm tháng sau này còn nhức nhối, in hằn trong tâm trí chị.
Đi cùng chị trên chuyến xe năm ấy còn có 4 người. Chuyến đi kéo dài 4 ngày 3 đêm. Khi xe dừng chân cũng là lúc chị thảng thốt nhận ra mình đã bị lừa bán sang tận Trung Quốc. Chỉ trong vòng một tháng, chị bị bán từ nơi này sang nơi khác, từ “mẹ mìn” này sang “mẹ mìn” khác.
Một người đàn ông xa lạ mua chị về làm vợ. Không chấp nhận số phận, chị tìm cách bỏ trốn. Sau mỗi lần trốn chạy bất thành, chị bị đánh đập dã man. Nhà chồng dọa chị nếu không chấp nhận làm vợ, sẽ bị đem bán vào nhà chứa. Nghe tới nhà chứa, chị rùng mình khiếp đảm. Chị biết, một khi đã bước chân vào đó, sẽ khó có cơ hội thoát thân. Chính vì vậy chị bằng lòng làm vợ người đàn ông hơn mình 14 tuổi. Năm ấy chị mới vừa tròn 17 tuổi.
Chị Thủy nay đã ổn định cuộc sống với tiệm cắt tóc |
Những ngày đầu tiên trên đất khách quê người là cực hình đối với chị. Sống chung với người mình không thương yêu, sự bất đồng ngôn ngữ càng khiến chị thấy lạc lõng. Chị đã nhiều lần tìm cách trốn chạy. Nhưng vì không có tiền, không đi được xa, chị lại bị bắt về. Cô gái nhận ra rằng muốn trở về quê hương cần phải có tiền.
Chị chấp nhận sống và làm việc, nhưng khao khát được trở về chưa bao giờ nguôi ngoai. “Chồng” làm nghề thợ hàn, chị ở nhà thêu thùa may vá. Sau một năm, chị sinh được một đứa con gái tên là Táng Be Xuân. Trong những cơn bĩ cực, đứa con làm điểm tựa khiến chị được an ủi phần nào. Tình mẫu tử làm chị mạnh mẽ hơn, có thêm sức mạnh để chống chọi với cuộc sống.
Trốn nhiều đến mức “cai ngục” chán nản chủ động xin ly hôn
Chị cho biết, mình may mắn hơn rất nhiều người, khi những người đi cùng trên chuyến xe định mệnh năm ấy, chỉ có chị và chị Thỉ (cùng ở xã Hải Thọ) sau này được về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, những người còn lại bặt vô âm tín, không biết có được may mắn thoát nạn như chị hay không.
Trong suốt 7 năm “làm dâu” tại xứ người, chị trốn về nhà được 6 lần, đó là chưa kể những lần trốn bất thành. Những lần đầu trốn chạy, đi được nửa đường, bị phát hiện bắt về, cái giá của sự liều lĩnh ấy là những trận đòn roi tê tái cõi lòng.
Thế nhưng nghịch lý sau này là trốn thoát rồi, về nhà rồi, nỗi nhớ con lại đau đớn “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vậy là nán lại ở quê dăm bữa nửa tháng cho thỏa nỗi nhớ rồi lại bắt xe ra biên giới, vượt biên quay về “nhà chồng”.
Tình mẫu tử trong chị quá lớn, khiến chị không thể bỏ con lại để thoát thân một mình. Nhiều lần trốn thoát rồi lại quay về như thế, nhà “chồng” chị cũng nản, chẳng còn muốn đánh đập chị nữa.
Khi con gái chị được 4 tuổi, cũng là lúc ba chị trong cơn hấp hối. Chị tức tốc trở về gặp ba lần cuối. Lúc chị Thủy quay lại, người đàn ông kia đã lấy một người vợ khác và ly hôn với chị. Nói là “ly hôn” nhưng thực chất là bắt chị kí tên vào biên bản “cam kết không được quay lại làm phiền cuộc sống của nhau”.
Sau những năm tháng xa quê, chị trở về trong sự chào đón của gia đình. Mọi người đều mừng đến rơi nước mắt, khuyên chị ở lại quê nhà. Sau nhiều năm lưu lạc, chị cũng nhận ra không đâu bằng nhà mình nên quyết định dừng chân. Có được chút vốn, chị mở tiệm cắt tóc tại xã Hải Thọ, bắt đầu làm lại cuộc đời.
Thời gian đầu, con đường trở về hòa nhập với mọi người của chị vô vàn khó khăn. Được sự động viên của người thân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị dần dần vượt qua những mặc cảm, những lời dị nghị, những điều tiếng dèm pha của bà con lối xóm. Trong thâm tâm, chị vẫn thấy nặng lòng, tìm đến cửa Phật như một niềm an ủi. Trong một lần đi lễ Phật tại chùa Từ Đàm (TP Huế), chị quen anh Võ Duy Thành (SN 1979, ngụ TP. Huế). Vừa gặp nhưng đã ngỡ như từng quen, anh chị dần trở nên thân thiết. Chị kể cho anh nghe về cuộc đời đầy thăng trầm của mình. Cảm mến sự chân thành và đồng cảm với số phận của chị, anh quyết định kết hôn với chị.
Nặng lòng nỗi nhớ con
Năm 2005, anh chị chào đón đứa con gái đầu lòng. Những tưởng từ đây chị có thể quên đi quá khứ để làm lại cuộc đời. Nhưng người đời “miệng lưỡi không xương”, bạn bè anh gièm pha, người nhà chồng nhìn chị với cái nhìn khinh miệt, rồi những lúc vợ chồng xích mích, gia đình bất hòa, anh lại đào xới câu chuyện về cuộc đời chị mà trăm nghìn lần chị muốn quên đi. Đau khổ, mỏi mệt, anh chị quyết định ly thân sau 5 năm chung sống. Từ đây, mẹ già và con gái chính là lẽ sống của cuộc đời chị.
Chị Thủy tâm sự nỗi niềm |
Đã hơn 10 năm trôi qua từ ngày chị trở về, theo thời gian, mọi chuyện rồi cũng lắng xuống. Nay đến xã Hải Thọ, hỏi tiệm cắt tóc Cẩm Tuyền (tên em gái út của chị) ai ai cũng biết. Vui mừng vì chị đã sống vững vàng hơn sau những gian truân cuộc đời.
Sau những lầm lỡ, chị cũng khao khát hạnh phúc gia đình: “Nói thật, mình chỉ muốn có được một mái nhà, muốn có một người chồng yêu thương mình. Bỏ lại sau lưng những bộn bề cuộc sống, cùng nhau làm lụng, cùng nhau nuôi con, cùng nhau xây dựng tổ ấm. Cả ngày mình sẽ đi làm ở tiệm, tối về nấu cơm, đợi chồng về cùng ăn một bữa cơm ấm áp. Nhưng điều này có vẻ rất khó, mình lớn từng này rồi chẳng biết quen ai, mà chẳng may duyên trời đưa đẩy, có quen rồi cũng chẳng biết người ta có chấp nhận quá khứ của mình hay không”, chị bộc bạch.
Khi được hỏi chị còn tha thiết điều gì với mảnh đất đã chôn vùi tuổi thanh xuân của chị hay không. Chị cho hay, niềm mơ ước lớn nhất của chị là được một lần trở lại Trung Quốc để thăm con. Từ ngày chị trở về đây, chị chưa một lần quay lại nơi ấy, cũng không có cách nào có thể liên lạc được với con. Hiện điều kiện vẫn chưa cho phép, nhưng chị tin vào một ngày không xa, chị sẽ trở lại, ôm con vào lòng, nói cho nó biết rằng chị đã nhớ nó đến nhường nào. Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn vững như bàn thạch, chẳng cách gì có thể lay chuyển được./.