Những cụ ông, cụ bà doanh nhân có mặt tại hội nghị đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục vì tinh thần quyết tâm “gừng càng già càng cay” của họ.
Từ những con người như vậy, một vấn đề đặt ra là người cao tuổi (NCT) có rất nhiều lợi thế khi làm việc như: kinh nghiệm nghề nghiệp, mối quan hệ xã hội rộng rãi được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ… mà người trẻ không thể có được. Vậy tại sao chúng ta không coi việc NCT khởi nghiệp là một nguồn lực quý báu của quốc gia?
Bộ tứ NCT làm kinh tế giỏi và già làng khởi nghiệp
Tham dự hội nghị “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ III” năm 2018 tỉnh Nam Định có 4 NCT điển hình. Đó là ông Đinh Trung Bộ, bà Hoàng Thị Dậu, ông Nguyễn Văn Chinh và ông Lâm Như Thiệu. Tất cả đều là chủ công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn phát đạt. Đơn cử như bà Hoàng Thị Dậu, sinh năm 1957, ở xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân Dậu.
Từ một nông dân “chân lấm tay bùn”, nhạy bén với chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhiều thành phần kinh tế, khi bước vào ngưỡng cửa của tuổi cao, thay vì an phận ở nhà nội trợ như nhiều người khác, bà Dậu mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần Nhân Dậu chuyên kinh doanh muối và vận tải.
Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, bà điều hành Công ty hoạt động hiệu quả, doanh thu mỗi năm đạt từ 15 - 20 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 30 lao động địa phương.
Già làng Cơ Tu làm giàu từ trồng sâm ba kích là nhân vật được chương trình Khởi nghiệp quốc gia đề cập đến. Ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ai cũng biết và tự hào về già làng Bhríu Pố, bởi ông là người Cơ Tu đầu tiên học hết đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng uỷ xã 3 nhiệm kỳ. Câu chuyện khởi nghiệp của già làng Bh’riu Pố bắt đầu từ năm 2003, khi ông đang là Bí thư Đảng ủy xã Lăng.
Lúc đó, một cán bộ Viện Dược liệu Trung ương về xã khảo sát, tìm hiểu các loại cây dược liệu quý, trong đó có cây sâm ba kích. Thời điểm đó, trên cánh rừng quê ông mọc rất nhiều loại cây này, nhưng không mấy ai biết giá trị của nó. Khi biết được giá trị kinh tế của sâm ba kích, năm 2006 ông nảy ra ý định và tiên phong trồng thử loại cây này.
Sau 3 năm cực khổ vun trồng, già làng Bh’riu Pố bán đợt ba kích đầu tiên với giá 300.000 đồng/kg. Đến bây giờ, ông Bh’riu Pố đã trồng được 1,2 ha ba kích, mỗi năm khai thác khoảng 2.000 gốc thu từ 120 - 150 triệu đồng. Từ củ sâm ba kích Tây Giang mà nay gia đình ông có đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy, tủ lạnh… con cái được học hành đầy đủ. Đó là những thứ mà trước đây ông chưa bao giờ dám mơ tới.
Thấy việc trồng ba kích đem lại hiệu quả, nhiều người dân trong thôn, xã dần học tập làm theo. Ông Bh’riu Pố dành riêng một vườn ươm giống ba kích, giúp bà con trong xã mở rộng diện tích vừa có thêm thu nhập, vừa bảo tồn được giống dược liệu quý hiếm này.
NCT khởi nghiệp – tại sao không?
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 4/2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu NCT, chiếm khoảng 11,86% dân số. Việt Nam hiện đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo không tới 20 năm nữa tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số; thậm chí đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo đảm hạ tầng an sinh xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu của một xã hội già hóa dân số nhanh chóng và hiện còn nhiều người đang sống ở mức nghèo, cận nghèo...
Cũng theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 4/2019 thì tỷ lệ NCT tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40 – 45% (theo nghiên cứu từ tháng 6-8/2020 tại 03 địa phương TP HCM, Nghệ An, Hải Dương) cho thấy 40 – 45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, trang trại trồng trọt, chăn nuôi).
Đây là một con số khá khiêm tốn khi so sánh với với mục tiêu khởi nghiệp cho NCT là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để NCT tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe trong xu hướng già hóa dân số.
Hiện nay có một thực tế là do khả năng đảm bảo về thu nhập (60-70% đặc biệt là nhóm từ 75 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập hoặc có nhưng rất thấp) và khả năng sống độc lập bị suy giảm nên vị thế NCT trong gia đình và xã hội có phần giảm sút, tính lệ thuộc vào con cháu gia tăng. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước (8,09%).
Đề cập đến vấn đề chính sách kinh tế cho NCT tại “Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT” do Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức đầu tuần, TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết, đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể cho họ.
Bên cạnh đó, với NCT có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương thì nên có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
TS. Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Trưởng ban chương trình quốc gia về việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH, xuất phát bản thân cũng là một NCT rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng nhấn mạnh lâu nay khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi.
Trong khi đó, đối với nhiều quốc gia lĩnh vực này đều được rất quan tâm, bởi họ coi nhóm NCT là nguồn lực quý báu của quốc gia. “Người cao tuổi rất có lợi thế khi làm việc vì kinh nghiệm nghề nghiệp, mối quan hệ xã hội được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của NCT” – TS. Nguyễn Lê Minh phân tích.
Được biết, Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình NCT giai đoạn 2021-2030, Nhà nước trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội NCT, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI, Hội Nông dân… giúp NCT khởi nghiệp. Thậm chí, khi NCT đã khởi nghiệp thành công, Nhà nước và các tổ chức đã nêu sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và trợ giúp những vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh, Luật Lao động, tiêu thụ sản phẩm...
Sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho NCT
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa - Trường ĐH KHXH &NV thì hiện nay để NCT tìm được việc làm không đơn giản, bởi chưa có kênh thông tin tuyển dụng nào dành cho nhóm lao động này. Trên các website tuyển dụng hiện nay giới hạn tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 đến 35 tuổi. Người lao động trên 45 tuổi có rất ít lựa chọn, nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không tìm được việc làm, rất thiếu thông tin về thị trường lao động.
“Để giải quyết vấn đề đó, Cục Việc làm đang cùng các trung tâm việc làm ở địa phương tổ chức thu thập thông tin, tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho NCT. Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ.
Thêm vào đó, khi có tới 7-8 triệu NCT tham gia thị trường lao động sẽ tạo ra kích cầu tốt hơn và khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT rất cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa nhấn mạnh.