Người Hà Nội nao nức dậy sớm sắm Tết Đoan Ngọ

(PLO) - Với tâm lý ăn hoa quả và thức ăn có vị "chua chua ngòn ngọt" vào sáng sớm mùng 5/5 âm lịch, tức Tết Đoan Ngọ, sâu bọ trong người sẽ bị diệt, mầm bệnh sẽ hết, người dân Việt Nam thường dậy khá sớm chuẩn bị mâm quả tươi ngon đặt lên bàn thờ thắp hương rồi "thụ lộc". Hôm nay, nhiều người Hà Nội cũng dậy rất sớm, đi chợ sắm Tết...
Người Hà Nội nao nức dậy sớm sắm Tết Đoan Ngọ

Dù mới 5h sáng nhưng chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu đã khá sôi động. Tiếng người bán mời chào khách, tiếng người mua ngã giá, tiếng cười nói rôm rả của người quen đi chợ gặp nhau... tạo nên khung cảnh mua bán sầm uất trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Mận - Loại quả bán chạy dịp Tết đoan ngọ
Mận - Loại quả bán chạy dịp Tết đoan ngọ

Từ xa xưa, người dân quan niệm ngày Tết Đoan Ngọ thường ăn những món như cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt và hoa quả đúng mùa. Bởi vậy những kiot bán các loại quả như mận, vải được rất nhiều người lựa chọn. 

Chị Thúy, chủ một hàng bán quả vải cho biết, hôm nay chị đưa ra chợ 1 tạ vài, đầu giờ sáng chị đã bán được 80-90 kg, chủ yếu là khách mua lẻ. Mỗi người mua khoảng từ 1-2 kg, giá 35 nghìn đồng/kg, đắt hơn 3-5 nghìn đồng so với ngày thường. "Theo quan niệm dân gian, nếu ăn các loại quả, nhất là những quả có vị chua vào sáng sớm 5/5, trước khi mặt trời lên, sẽ giết được sâu bọ trong người. Thế nên, nhiều người mua quả sớm về thắp hương để thụ lộc sớm", chị Thúy cho biết thêm.

Ngoài mua vải, bà Hồng ở Cầu Giấy còn mua thêm mận và đang chọn thêm một số loại quả khác. Bà muốn đặt lên bàn thờ đĩa ngũ quả, mỗi loại một ít.

Những thực phẩm thường dùng trong dịp Tết Đoan Ngọ
Những thực phẩm thường dùng trong dịp Tết Đoan Ngọ

Quán cơm rượu nếp nhiều hơn ngày thường, do sức tiêu thụ tăng và đa phần đắt hơn một vài giá so với những ngày thường. Những quán bán cơm rượu nếp đựng trong những chậu và xô khá to. Chủ hàng còn đóng cơm rượu sẵn vào các hộp nhựa nhỏ, bán với giá 10 nghìn đồng/hộp.

Bà Nga, chủ một hàng bán cơm rượu nếp cho biết, cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ là bà lại làm cơm rượu nếp để bán. Để có được món cơm rượu nếp ngon như ý muốn thì khâu quan trọng nhất là việc chọn loại men nào cho phù hợp để ủ, thời gian ủ cơm rượu nếp khoảng 3 ngày.

Dịp Tết Đoan Ngọ năm nay bà ủ khoảng 50 kg cho cả 2 loại là cơm rượu nếp cẩm và cơm rượu nếp trắng, tuy nhiên lượng cơm rượu nếp cẩm ít hơn.

Bà Nga lý giải, cơm nếp cẩm có vị ngọt nhạt hơn cơm nếp trắng nên rất ít người ưa chuộng, dù nó có màu sắc bắt mắt hơn. Hơn nữa giá của cơm nếp cẩm cũng đắt hơn, trong khi cơm nếp trắng có giá 30 nghìn đồng/kg, thì cơm nếp cẩm có giá đắt hơn khoảng 5 nghìn đồng, ở mức 35 nghìn đồng/kg.

Trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, lượng cơm rượu nếp mà bà Nga đã bán được là 20 kg bán lẻ và khoảng 35 kg bán buôn.

Giá các loại gia cầm cũng tăng trong dịp này.
Giá các loại gia cầm cũng tăng trong dịp này.

Những quán bán thịt gia cầm cũng rất đông khách mua, đặc biệt là những quán bán thịt vịt. Dọc theo những gian bán mặt hàng này cuối chợ, tiếng dao chặt thịt vang lên liên tục. Chị Anh, một tiểu thương bán thịt gia cầm ở chợ Dịch Vọng Hậu cho biết, thịt vịt hôm nay bán dễ hơn mọi hôm, đa phần khách mua cả con.

Ông Triển ở Xuân Đỉnh đang chờ chặt một con vịt làm sẵn. "Con này 2,4 kg, gần 140 nghìn đồng, Tôi nhờ chặt để về nấu món vịt om sấu. Giá thịt vịt làm sẵn trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay cũng dao động ở mức 58-60 nghìn đồng/kg, đắt hơn ngày thường một chút", ông Triển nói.

 

Ngoài các mặt hàng thực phẩm, hay các thức quà dân dã phục vụ cho Tết Đoan Ngọ, thì những cửa hàng bán hoa hay những xe hàng đẩy hoa bán rong cũng đắt khách.

Những loại hoa được chọn lựa nhiều hơn cả là hoa hồng loại nhỏ, hoa cúc và hoa huệ. Chủ hàng hoa cũng cảm nhận được việc buôn bán dường như suôn sẻ hơn so với ngày thường.

Bà Hà ở Chùa Hà dù đã gần 70 tuổi nhưng vẫn đi chợ để chọn mua cho gia đình những món cần thiết cho ngày Tết này. Và theo lệ thường, trước khi về nhà, bà Hà chọn mua hoa. "Tôi mua một bó hoa hồng vàng với giá 20 nghìn đồng về cúng và trang trí cho đẹp bàn thờ.

Đọc thêm