Hồn nhiên nhờ vả
Tình trạng rạp đám cưới, đám ma được dựng trên lòng đường, vỉa hè diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Không chỉ dựng rạp, nhiều gia đình còn biến đường giao thông thành nơi trông giữ phương tiện cho khách. Họ coi lòng đường là sân riêng của nhà mình khi có gia đình còn chặn một đoạn ngõ lại để bắc rạp đến vài ngày, không quên “bồi” dòng chữ: “Quý vị thông cảm, đi lối này” và chỉ một lối vòng vèo qua các ngõ để... tránh đám cưới.
Không những thế, gia đình có đám cưới hồn nhiên bày cả nhạc sống, hát karaoke, gia đình có đám ma thì bày cả nhạc điếu nỉ non suốt 3 ngày giữa lòng đường. Những phương tiện vừa phải chen chúc, luồn lách tránh nhau khi quá nửa lòng đường bị “nhà đám” chiếm dụng, vừa phải nghe những âm thanh đinh tai hay nỉ non phát ra từ chiếc rạp “vô duyên” đó. Khi nghe góp ý, có không ít người trừng mắt: “Gớm, cả đời gia đình tôi mới có việc một vài lần, nhờ nhau một tí mà các vị cứ làm ầm lên”.
Việc chiếm dụng lòng đường không chỉ diễn ra ở các nhà đám mà còn từ những người nông dân. Tại nhiều tuyến đường, vào vụ thu hoạch người dân phơi rơm, thóc trùm kín mặt đường. Một số người dân dùng gạch đá, hàng rào, thân cây để chắn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực phơi thóc. Họ còn đặt máy tuốt lúa bên lề đường để thuận tiện việc phơi rơm trên lòng đường. Những “ụ rơm” lù lù giữa đường che khuất tầm nhìn người đi đường.
Mang họa cho người đi đường
Tư duy biến “đường công thành đường riêng” của một số người dân đã làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người đi đường và đã có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Tối 21/11 vừa qua, một xe tải cẩu chạy trên đường Lê Thị Hoa, hướng từ Khu công nghiệp Sóng Thần về tỉnh lộ 43 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức), do tránh rạp đám cưới dựng lấn ra đường, xe tải bất ngờ lao lên vỉa hè đâm vào nhóm người đi bộ.
Tai nạn làm nữ công nhân Văn Cẩm Tú, 17 tuổi, quê Kiên Giang thiệt mạng tại chỗ, bé trai và người phụ nữ mang bầu bị thương nặng. Có trường hợp rạp đám ma chiếm phần lớn lòng đường, một người điều khiển xe máy do phải khó khăn khi tránh rạp đã đâm sầm vào một số quan khách đang ăn cỗ giữa lòng đường. Hậu quả, người lái xe máy và 2 thực khách phải đi cấp cứu.
Việc phơi thóc, đốt rơm giữa đường cũng là nỗi kinh hoàng của người đi đường. “Có lần đi trên đường phơi nhiều rơm rạ nên tôi đã bị rơm quấn vào bánh xe và bổ nhào xuống đường. Chưa hết, những đống rơm rạ cháy hết tạo thành những đống tro tưởng như nguội, nhưng bên trong vẫn cháy âm ỉ, chỉ cần lơ là có khi bỏng người, cháy xe”, chị Phạm Hường (Phú Thọ) sợ sệt.
Trước đây, đoạn từ cầu Trung Hà về huyện Thanh Thủy đã từng xảy ra một vụ tai nạn khi một người điều khiển xe máy do khói rơm cản tầm nhìn đã húc phải trâu của người dân thả trên đường khiến người này bị thương nặng.
Mặc dù Điều 203 Bộ luật Hình sự quy định người nào có một trong các hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm…
Tuy nhiên, rất nhiều người phớt lờ quy định này, cứ hồn nhiên sử dụng lòng đường vào mục đích riêng của mình bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị là sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không lấy đường công làm việc tư, không mang văn hóa làng xã vào đô thị để đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình và những người tham gia giao thông.