Từ món đồ chơi thời thơ ấu trở thành ông chủ
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, có trong tay bậc thợ lành nghề, ông Hà đầu quân cho Hợp tác xã cơ khí TP Hội An (bấy giờ là thị xã). Thế nhưng, đến năm 1984 thì hợp tác xã làm ăn thua lỗ nên buộc phải giải thể. Ông ở nhà mở tiệm sửa chữa máy móc. Nhưng làm việc một thời gian, không như kỳ vọng ban đầu nên ông Hà bỏ đi khắp nơi học tập kinh doanh.
“Quãng thời gian đó tôi như người mất phương hướng, tuy có bằng cấp đàng hoàng nhưng thấy mình vẫn chưa có thời, làm việc gì cũng thất bại. Nhưng rồi trong một lần tình cờ theo dõi đài, bất chợt nghe loáng thoáng thông tin giới thiệu về sản phẩm đèn lồng, lật đật nhổm dậy lục lọi trong nhà kho ra chiếc đèn lồng thời thơ ấu của mình từng được người cha cầm tay hướng dẫn đan. Tôi vội tìm lục lại những mẫu lồng đèn cũ, ngẫm nghĩ sẽ bắt đầu lại với nghề truyền thống của gia đình đó là lồng đèn” - ông Hà chia sẻ.
Ông nói tiếp: “Vì thời gian thất nghiệp, tôi như mất hết động lực, nhưng khi cầm chiếc đèn lồng xưa do chính tay mình làm, trong đầu liền nảy ra ý định sẽ nối nghiệp ông cha ngày trước. Ban đầu, tôi tận dụng những vật dụng sẵn có như nan tre tự tay dác thành rồi đi tìm những mẫu vải, lụa tơ tằm mua ngoài thị trường về dán, tạo nên những chiếc đèn lồng sơ khai do chính mình tạo ra và cung ứng cho các cửa hàng bán quà lưu niệm trong phố. Dần dần thấy khấm khá nên quyết định theo đuổi nghề cho đến hôm nay”.
Do có tính cần mẫn, lại chịu khó tìm tòi cộng với tư duy sáng tạo, chỉ trong một thời gian ngắn bước vào nghề, từ một hộ sản xuất kinh doanh đèn lồng cá thể, ông đã dựng nên cơ sở sản xuất đèn lồng mang thương hiệu Hà Linh nổi tiếng đất Hội An. Thành công bước đầu, ông tiếp tục đầu tư vào sản xuất đèn lồng theo dây chuyền, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới như một địa chỉ quen thuộc mỗi khi đến tham quan đô thị cổ Hội An. Lồng đèn Hội An được đánh giá là mang những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt gồm có 9 kiểu dáng gồm các loại đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.
Đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài
Việc làm ra sản phẩm đèn lồng đã khó. Chuyện mở cơ sở quy mô có hàng chục thợ thầy, rồi làm sao cho sản phẩm của mình có thể “moi tiền” khách Tây để trả lương nhân công lại càng nan giải. Đột ngột chuyển nghề cộng với tâm lý “chim sợ cành cong”, nên ông kỳ công mày mò khá kỹ, từ nhờ các mối quen biết nhỏ lẻ để phân phối sản phẩm, đến cả việc vác đèn lồng ra phố bán rao. Dần dà, ông nắm được tâm lý, những vị Tây ba lô ngoài ưa chuộng sản phẩm đèn lồng có mẫu mã đẹp, hoàn toàn làm thủ công từ tre phố Hội, vải bọc từ lụa Mạ Châu (sản phẩm ở Duy Xuyên- Quảng Nam), còn phải làm sao xếp gọn lại được để họ có thể mua nhiều…Đáp ứng được điều đó tiếng tăm cơ sở của ông được khắp nơi biết đến đặt hàng, đầu ra cũng dần ổn.
Để giúp chồng thỏa tâm nguyện, bà Diệu Linh - vợ ông cũng ra sức bắt tay cùng ông làm đèn lồng. Hơn 20 năm vượt qua khó khăn, bằng nỗ lực bền bỉ, vợ chồng ông Phạm Văn Hà đã tạo nên thương hiệu cho những người yêu các sản phẩm lồng đèn truyền thống. Tạo việc làm ổn định cho đến gần 80 lao động địa phương, với thu nhập hơn 4 triệu đồng/ tháng.
Từ lúc gắn bó với nghề cho đến khi đưa được sản phẩm đèn lồng sang Tây với ông Hà không thể kể hết những thăng trầm. Ông Hà cho hay, lúc đầu phải làm quen các cơ sở xuất khẩu ở Hà Nội, Sài Gòn để tìm đường đi cho đèn lồng. Sau đó, đưa lên website quảng bá và bắt đầu tìm những mối hàng trực tiếp ở châu Âu. Đến nay, sản phẩm đèn lồng Hội An đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó thị trường lớn nhất là châu Âu. Mỗi năm, cơ sở sản xuất đèn lồng của ông Hà cho xuất xưởng khoảng 5 vạn chiếc sang các nước châu Âu. Ngoài ra, ông còn liên kết với ngành du lịch thành phố mở tour du lịch làng nghề cho khách tham quan, chủ yếu là khách nước ngoài; ông còn để họ tự tay khách làm và lưu giữ những chiếc đèn lồng nhỏ xinh, vẽ nên các họa tiết do mình sáng tạo…
Là người tiên phong đưa đèn lồng đến với khách Tây, nhưng khi được hỏi về ý định trong tương lai, ông Hà khiêm tốn: “Nghề đèn lồng là nghề xóa đói, giảm nghèo thôi. Nhưng tôi làm tất cả cũng muốn nhấn mạnh một điều, không nên chùn bước trước bất cứ khó khăn, thất bại nào. Phần khác, tâm nguyện của tôi là mong mỗi khi ai đó cầm trên tay chiếc đèn lồng, dù đang ở tận châu Âu hay chính trên mảnh đất này sẽ nhớ ngay đến nghề truyền thống - nét văn hóa đặc trưng của người dân phố Hội”.