Hơn 20 năm “ăn xin” cho người khác
Đến xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) hỏi ông Tăng Bồn, từ người già cho đến trẻ nhỏ ai cũng biết. Họ còn quý mến gọi ông một cách thân mật “ông Tám”. Hàng ngày, ông Tám dành phần lớn thời gian để “hành khất” kiếm tiền giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam ở xã mình. Ở cái tuổi 84, ông đã có hơn 20 năm làm cái việc “ăn mày” thiên hạ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh…
Năm 1946, ông Bồn tham gia dân quân du kích, sau đó làm Trưởng thôn 2/3 (nay là thôn Ngọc Thạch). Năm 1969, đang công tác tại địa phương, ông tận mắt chứng kiến không quân Mỹ rải chất độc hóa học xuống một vùng rộng lớn quanh dãy Bằng Am. Hồi tưởng lại, ông vẫn chưa hết hãi hùng: “Hồi đó, ông anh rể tui ở trong núi ra áo ướt đẫm, hôi chịu không nổi. Sau ít bữa thấy cây cối rụng lá chết dần, nghe đài báo mới biết là Mỹ rải chất độc da cam”. Sau này đồng đội ông có người bị biến chứng mà chết, có người sinh con cháu ra bị nhiễm chất độc da cam...
Thân hình nhỏ bé, mái đầu đã bạc trắng, thế nhưng 24 năm qua, trên chiếc xe đạp cà tàng, dù mưa hay nắng, hàng ngày ông vẫn cần mẫn đến các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm để kêu gọi quyên góp giúp đỡ những nạn nhân da cam. Quãng đường đi của ông ngày một xa thêm. Bắt đầu là từ trong xã, sau đến huyện, rồi sau đó mở rộng phạm vi ra tỉnh và các vùng lân cận. Có người hết lòng ủng hộ ông, nhưng cũng có những cái lắc đầu vô tình, những ánh mắt dò xét và thậm chí là những lời dị nghị. Tuy thế, ông vẫn kiên trì thuyết phục để họ hiểu được việc nghĩa mà ra tay chia sẻ.
Nhắc đến “ông Tám”, chị Nguyễn Thị Hà – một người dân ở thôn Phước Lâm không giấu được niềm cảm phục. Chị khoe: “Vừa rồi ông vận động kêu gọi được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giao 10 con bò cho gia đình 10 em có hoàn cảnh đặc biệt, tuy nhiên, khi đem về thì ai cũng khó khăn, không đủ khả năng giữ được bò, đành phải bán hết. Thế là ông tiếp tục đi, tiếp tục vận động”...
Nụ cười phúc hậu luôn thường trực trên môi, trong suốt buổi trò chuyện, bầu nhiệt huyết của ông tự nhiên lan truyền sang cả những người nghe. Ông trải lòng: “Con cháu tui may mắn hơn những người bị chất độc da cam nên tui thấy mình nên làm việc gì đó để chia sẻ nỗi đau với họ. Đi ăn mày mà giúp đỡ được cho bọn trẻ da cam ở xã thì tôi nguyện sẽ làm suốt đời, đến khi nào đôi chân không còn sức đạp xe được nữa mới thôi”.
Nỗi lo ở “thung lũng da cam”
Sau những năm hành thiện giúp đời, ông Bồn đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen, đặc biệt tấm Bằng tôn vinh của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2010.
|
Bây giờ, điều khiến ông Tăng Bồn lo lắng nhất là việc nhiều đứa trẻ không còn đủ sức để chống chịu bệnh tật. Gần 120 trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở Đại Hồng giờ chỉ còn lại 102 cháu. Mỗi lần đi đưa tang một cháu về, lòng ông lại đau nhói, nước mắt âm thầm chảy trong tim như chính người thân của mình vừa ra đi vậy.
|
Một cháu bé là nạn nhân chất độc da cam. |
Dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng ngày nào cũng như ngày nào, ông vẫn đến cơ quan đều đều “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Ở xã Đại Hồng, Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện, Hội Tù yêu nước, Hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam... một tay ông mở hết, có lúc ông kiêm luôn Chủ tịch cả 2, 3 hội, nhưng vẫn kiên quyết chỉ lãnh một đầu lương.
Khi chúng tôi hỏi về “ông Tám” của người dân xã Đại Hồng, ông Chủ tịch xã Đặng Văn Kỳ cười hào sảng và khẳng định chắc nịch: “Một người có tài và có tâm như ông ấy, thời buổi hiện nay có thắp đuốc tìm chưa chắc đã ra. Tuy nay già yếu nghỉ hưu nhưng ông vẫn đi “ăn xin” thiên hạ để giúp những mảnh đời khốn khó”.
Hơn 200 nạn nhân chất độc da cam ở “thung lũng da cam” này là hơn hai trăm nỗi đau khác nhau, và còn có cả hàng ngàn, hàng vạn nỗi đau của những người thân, những người đang từng ngày vất vả lo toan về những khó khăn đeo bám họ. Làm sao để sống tốt? Làm sao để có thể chăm sóc chu toàn cho người thân bị nhiễm da cam? Những người làm cha, làm mẹ của những nạn nhân da cam ấy không chỉ đang chết dần, chết mòn cùng với đứa con của họ mà còn phải gánh nặng bao nỗi lo toan từ miếng cơm manh áo đời thường và rất cần những tấm lòng như “ông Tám”…