Lợn đất đồng hành cùng xe bán bánh mì
Vào đầu hẻm 60, đường Lý Chính Thắng, chỉ cần hỏi má Cúc bán bánh mì từ thiện ai cũng biết. Đồng hồ điểm 11h trưa, dưới cái nắng gay gắt, bà Cúc đầu đội mũ tai bèo miệt mài nướng bánh mì, thái thịt phục vụ khách. Bà niềm nở cho biết còn mấy ổ bánh mì nên gắng bán cho hết, lãi thêm đồng nào hay đồng ấy.
Chú tâm quan sát sẽ thấy trên xe bánh mì của bà có con lợn đất đề dòng chữ “ủng hộ phụ nữ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn”. “Toàn bộ tiền lãi thu về từ việc bán bánh mì, bánh rán sẽ bỏ vào con lợn tiết kiệm nhỏ này. Tôi chỉ giữ lại tiền vốn duy trì buôn bán”, bà chủ quán nói.
Xe bánh mì của bà lão hoạt động đã 37 năm nay. Ngày trước tiền lãi bán bánh mì chỉ vài ngàn đồng mỗi ngày. Đến nay mỗi ngày bà bán hết từ 50 - 70 ổ bánh mì và hàng chục cái bánh rán, tiền lãi cũng nhiều hơn. Biết tâm nguyện của bà, người mua bánh mì ủng hộ ngày càng đông.
Giữa trưa nắng, bà Cúc miệt mài bán bánh mì lấy tiền làm việc thiện |
Bán bánh mì, bánh rán từ sáng đến trưa chiều chiều bà rong ruổi khắp khu phố xin vỏ lon bia, giấy vụn bán lấy tiền góp vào khoản tiết kiệm phục vụ việc thiện. Cứ thế, gần 40 năm nay, bà miệt mài với công việc giúp đời, giúp người.
Mỗi năm bà đập vỡ lợn đất một lần vào dịp ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 để ủng hộ những phụ nữ neo đơn, gia đình thuộc diện nghèo khó. Dịp khui heo tiết kiệm năm nay, bà ủng hộ hội từ thiện phường và quận sở tại số tiền hơn 39,5 triệu đồng.
Chưa hết, mỗi tháng bà còn ủng hộ đội dân quân phường 50kg gạo. Công việc này đã duy trì đã hơn chục năm nay. Bên cạnh nguồn kinh phí tự tạo, bà cũng tích cực vận động những gia đình khá giả, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ từ thiện. Sau cơn bão số 14 vừa qua, bà ra tận miền Trung trao quà cho người dân gặp nạn. Rồi hễ trong khu phố có người nghèo qua đời, bà lại tất tả vận động mọi người mua giúp quan tài, tự nguyện đến phục vụ lễ tang.
Từ mong muốn “tạo phúc” đến đồng cảm cảnh người nghèo
Cuộc đời bà một tay nuôi nấng 5 người con trai ăn học. Bấy giờ, quan niệm lạc hậu cho rằng gia đình nào sinh 5 con trai, bị gán vào thế “ngũ quỹ” sẽ gặp chuyện không may. Dù không tin lắm nhưng lời vào tiếng ra, bà đâm lo lắng nên phát nguyện làm việc thiện.
Ngày đầu tham gia công tác từ thiện, không ít người hoài nghi tính trung thực của bà. Khi cả 5 người con đều thành đạt, thấy bà Cúc bán bánh mì đặt con lợn đất quyên góp từ thiện cạnh bên, có lời bàn tán cho rằng bà giàu mà vẫn tham, “đội lốt” việc thiện thu lợi cá nhân. “Thậm chí có người nói xấu má bị “trời đày” mới dầm mưa dãi nắng mưa sinh thế kia chứ từ thiện cái gì. Mặc kệ người ta, miễn sao mình làm không trái lương tâm, rồi ai cũng sẽ hiểu”, bà tâm niệm.
Làm việc thiện đâu phải chuyện dễ. Bà còn phải hết lời thuyết phục con cháu, từng không đồng ý để má đứng bán bánh mì, đi xin ve chai. “Tuổi má đã cao, các con lo cho sung sướng được, sao má lại chịu cực”, các con bà thường ca cẩm như thế.
Ngày xưa có lần đang đẩy xe ba gác gom giấy vụn, nhìn thấy cô con dâu từ xa, bà phải lẻn vào hẻm lánh mặt. “Nhưng bây giờ má thuyết phục thành công rồi, đứa nào cũng ủng hộ. Chuyến từ thiện vừa rồi, thằng con trai út thuê xe ô tô cho nữa đó”, bà lão cười.
Bà Cúc còn “người bạn đồng hành” tích cực cùng mùa thi. Đã thành nếp hàng chục năm nay, cứ đến mùa thi, bà đều nhận nuôi 3 - 5 thí sinh đồng thời vận động các gia đình trong khu phố tích cực hỗ trợ sĩ tử.
Từ chỗ hoài nghi, bàn tán, người dân địa phương không ngớt lời thán phục bà cụ 70 tuổi. Đó cũng là lí do hơn 30 năm nay bà vinh dự được bầu đảm nhận cương vị tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng phụ nữ kiêm thành viên ban hoà giải khu phố.
Có lẽ đây là nữ tổ trưởng dân phố cao tuổi bậc nhất Việt Nam. “Má sẽ tham gia hoạt động xã hội đến chừng nào kiệt sức mới thôi. Biết rằng sức khoẻ đang yếu dần nên càng phải cố gắng hơn, tranh thủ thời gian hơn nữa”, bà chia sẻ.
Người bạn đặc biệt của tàu thanh niên Đông Nam Á- Nhật Bản
Tính đến nay, đã 18 lần tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) ghé thăm và giao lưu với thanh niên Việt Nam. Và suốt 15 năm qua, bà Cúc luôn là người bạn đồng hành cùng chuyến tàu ý nghĩa này.
"Má dẫn mấy đứa nó đi thăm Dinh Độc Lập, chợ Bến Thành rồi lên khu địa đạo Củ Chi. Phải để thanh niên quốc tế biết về lịch sử vẻ vang của dân tộc mình chứ. Về nước rồi, nhiều đứa viết thư thăm hỏi, đám cưới chúng nó gửi cả thiệp mời sang”, bà vui vẻ nói.