Người mở nẻo về

(PLO) - Từng lầm lỗi nhưng sau khi chấp hành xong án phạt, bằng ý chí sắt đá và nghị lực phi thường, họ đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Không những thế, họ còn dang tay cưu mang trở lại những người từng phạm tội, dù biết rằng đường trở về thật không dễ dàng... 
Trả áo tù nhân, khép lại quá khứ
Trả áo tù nhân, khép lại quá khứ 
Những mô hình đầy ý nghĩa
Một trong những mô hình mà TP.HCM triển khai thành công đó là mô hình “5+1”. Trong đó, quận 10 là một trong những quận đã triển khai thí điểm đầu tiên mô hình này đã giúp rất nhiều người mãn hạn tù được quay trở về làm lại cuộc đời. 
Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận 10 đã xây dựng được nhiều mô hình giúp các chị em phụ nữ hoàn lương như: mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ vươn lên”, “Câu lạc bộ Phụ nữ đồng cảm” “Câu lạc bộ Gia đình nuôi dạy con tốt”… 
Ngoài việc trao tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho con em các đối tượng này, Hội Phụ nữ còn vận động hỗ trợ vốn, tặng thẻ bảo hiểm y tế, sửa chữa nhà, hỗ trợ việc làm cho họ. Chị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 10 cho biết, các chị em đã trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau về cách thức phòng chống tệ nạn xã hội, cách tiếp cận, lắng nghe những phụ nữ sau khi hoàn lương đang cần gì, nghĩ gì để giúp đỡ, động viên họ.
Nhớ như in thời gian thụ án 14 năm 10 tháng 15 ngày do va quẹt xe, đánh nhau, anh Huỳnh Anh Kiệt (SN 1965) sau khi mãn hạn tù đã nuôi trong lòng quyết tâm lớn phải làm lại cuộc đời. Từ lúc trở về địa phương, anh được gia đình cưu mang, động viên. Các tổ chức, xã hội luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để anh có được cái nghề chạy xe ôm trong nghiệp đoàn xe ôm kiếm sống. 
Thỉnh thoảng anh Kiệt còn tham gia bắt trộm cướp giúp bà con lối xóm. Anh bảo, bản thân anh rất ghét những kẻ trộm cướp vì “tài sản của người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được. Thanh niên trai tráng có tay, có chân mà đi ăn cướp thì không đáng mặt chút nào”. 
Từng là phạm nhân bị tuyên án tử hình trong vụ án Epco - Minh Phụng, ông Liên Khui Thìn có thời gian rơi vào trạng thái rất hoảng loạn nghĩ đến thời khắc sẽ bị tử hình khi đối diện khoảng trống mênh mông trong lòng và từng ngày dài trôi qua trong ngục. 
Ông tự hứa với lòng nếu được sống lần nữa, ông sẽ đền đáp cuộc sống này. Đến khi nhận được lệnh đặc xá, như một kẻ may mắn bước ra từ cõi chết, ông đã trở thành một con người mới. 
Ở Trại giam Xuân Lộc, ông Liên Khui Thìn vận dụng kiến thức xây dựng các dự án giúp cải thiện đời sống, môi trường y tế trong trại. Sống ở đây, tiếp xúc với các anh em trong trại, ông nhận thấy phần lớn họ phạm tội trở lại là do trở về không kiếm được việc làm, tay nghề, trình độ văn hóa thấp, các doanh nghiệp còn e ngại không dám nhận họ vào làm dù họ có tiến bộ trong thời gian cải tạo. 
Vì vậy, ông ấp ủ sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về, cùng những người có chí hướng lập ra “Quỹ hoàn lương”, mà nay là “Quỹ hòa nhập phát triển cộng đồng” để giúp đỡ trở lại những anh em từng phạm tội khi trở về có được việc làm. 
Ông Liên Khui Thìn, người sáng lập Qũy Hòa nhập phát triển cộng đồng
Ông Liên Khui Thìn, người sáng lập Qũy Hòa nhập phát triển cộng đồng
Luôn có con đường ở phía trước
Gắn bó với công tác giúp đỡ những người lầm lỡ, ông Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nay là Chủ tịch Hội đồng quản lý “Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng” nhận thấy việc mở trường dạy nghề để giúp người lầm lỡ trở về địa phương có thể sống được là một lối thoát tốt cho họ. 
Vì khi có việc làm, có đồng tiền nuôi sống bản thân, họ sẽ không lựa chọn đi lại con đường cũ từng phạm tội. Đã có rất nhiều mô hình ra đời từ Quỹ để giúp người mãn hạn tù như: xe bánh mì cộng đồng, thực phẩm cộng đồng, cà phê cộng đồng… 
Quỹ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ kinh phí để hỗ trợ những người mãn hạn tù. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tạo, như vậy vẫn chưa đủ. Quỹ cần được mở rộng, tiếp cận thêm những chủ doanh nghiệp mà bản thân họ từng chấp hành xong án phạt tù. Những doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận các anh em sau khi mãn hạn tù trở về đang gặp khó khăn, đưa họ vào làm việc trong doanh nghiệp mình, như vậy mới là giải pháp căn cơ nhất. 
Ông Trần Văn Tạo luôn canh cánh trong lòng là làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình, giúp ích cho xã hội, dù việc đó là việc nhỏ nhất; giúp người từng lầm lỡ có điều kiện trở lại cuộc sống bình thường, xóa bỏ mặc cảm và định kiến của xã hội đối với họ, giúp họ tránh xa con đường phạm tội. 
Sự ghẻ lạnh của xã hội làm thui chột quyết tâm hoàn lương
Có thời gian từng tiếp xúc nhiều những đối tượng phạm tội khác nhau trước và sau khi hoàn lương, theo ông Trần Văn Tạo, điều họ cần nhất vẫn là tình thương và sự động viên của gia đình, tiếp đó là xã hội. Khi trong lòng ấm áp tình yêu thương của gia đình, được xã hội cưu mang, được dạy nghề, có chỗ ăn, chỗ ở, việc làm thì chắc chắn những người từng lầm lỡ không ai muốn quay lại con đường cũ. Chính sự kỳ thị, ghẻ lạnh của gia đình,  xã hội sẽ làm thui chột ý chí quyết tâm của họ. Cảm giác cô đơn, chán nản sẽ khiến họ rơi vào trạng thái buông xuôi, bất cần và trở lại con đường lầm lạc không lối thoát. 
Ngoài tình thương đó, bản thân họ cũng cần có một nghị lực lớn, một ý chí kiên định vững vàng, quyết tâm phục thiện thì mới có thể bước tiếp con đường phía trước không mấy dễ dàng. Ngay cả khi bị mọi người quay lưng lại thì chính họ cũng không được từ bỏ. Hãy tin rằng luôn có một con đường phía trước cho tất cả mọi người.

Đọc thêm