Người nổi tiếng hành xử bị “lố”: Cần có chế tài để điều chỉnh

(PLVN) - Nghệ sĩ Việt làm trò lố khi ra nước ngoài không còn là chuyện xa lạ trong showbiz. Nhiều người cho rằng, nghệ sĩ cũng là người, cũng có thể mắc lỗi trong hành xử. Tuy nhiên, có phải phát ngôn, hành xử phản cảm của nghệ sĩ khi đi nước ngoài chỉ là “chuyện riêng” của họ?
Duy Mạnh “bêu xấu” phụ nữ tại nước ngoài gây bức xúc.
Duy Mạnh “bêu xấu” phụ nữ tại nước ngoài gây bức xúc.

Nói vui hay nói xấu?

Cho đến lúc này, phát ngôn của ca sĩ Duy Mạnh vẫn không ngớt gây ra những tranh cãi. Trong đó, phần nhiều ý kiến lên án nam ca sĩ phát ngôn phản cảm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh phụ nữ Việt.

Cụ thể, trong một hội chợ tại Hungrary, trò chuyện với một người đàn ông ngoại quốc, Duy Mạnh đã nói về phụ nữ Việt bằng những từ ngữ như “Thích gái Việt Nam không?", "Rất ngon. Gái Việt Nam rất sexy", đồng thời với thái độ nói chuyện cợt nhả này là hành vi mời mọc người bạn nước ngoài.

Công dân Việt phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc 

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề nghị Luật cần mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh, không chỉ riêng xuất, nhập cảnh ra khỏi biên giới mà cũng phải điều chỉnh để vấn đề quản lý điều hành cũng như trách nhiệm của công dân Việt Nam và các cơ quan quản lý khi công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Đại biểu Hưng, khi công dân Việt Nam ra nước ngoài, phải có qui định cấm không được có những hành vi xâm phạm luật pháp, phong tục tập quán, mất vệ sinh, vô văn hóa, ngoài việc phải tuân thủ luật pháp nước sở tại, những quy định của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam, công dân cũng phải giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

“Mỗi một công dân cũng phải là một đại sứ du lịch, có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Cũng phải có trách nhiệm nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt Nam”, Đại biểu Hưng nhấn mạnh.

Sau đó, nam ca sĩ đã lên tiếng giải thích rằng đó chỉ là câu chuyện phiếm, một chuyện riêng của anh với người bạn nước ngoài, không liên quan gì đến “văn hóa” như nhiều người nói.

Một số fan hâm mộ cũng bênh vực là tính cách của Duy Mạnh vốn hay nói chuyện tếu táo, ngông nghênh, nhưng “thực chất không có gì”.

Tuy nhiên, cần biết rằng đoạn clip nói trên đã được Duy Mạnh đăng trên Fanpage của mình, như một trò vui. 

Phản ứng về hành vi của Duy Mạnh không chỉ có phụ nữ, rất nhiều người cho rằng, đây là những phát ngôn “khiếm nhã”, không thể chấp nhận được, nhất là đối với một nghệ sĩ.

Từ lâu, chuyện cánh đàn ông có những lời nói sỗ sàng, mang tính “quấy rối” về cơ thể phụ nữ nơi trà dư tửu hậu đã là một tính cách “xấu xí” cần lên án.

Huống gì, Duy Mạnh là một nghệ sĩ, có tầm ảnh hưởng nhất định trong một bộ phận dư luận, lại có phát ngôn như thế với một khách nước ngoài thì quả thực khiến nhiều người có thể hiểu lầm về hình ảnh nghệ sĩ, hình ảnh phụ nữ Việt.

Không ít nghệ sĩ cũng đã lên tiếng về phản ứng này, thậm chí có nữ nghệ sĩ còn chia sẻ là “phụ nữ sẽ cảm thấy đau” trước những phát ngôn như thế. 

Lợi bất cập hại

Phát ngôn gây sốc khi đi nước ngoài, có lẽ cần nhắc đến việc diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm. Ngoài diễn hài, anh còn là một người bán hàng online khá nổi tiếng.

Trong một chuyến đi nước ngoài du lịch kiêm mua hàng, Bảo Lâm đã có phát ngôn đầy miệt thị đối với người bán hàng da đen: “… nó giới thiệu mỹ phẩm làm trắng da, đẹp da, sáng da mà quý vị xem mặt nó như cô hồn…".

Trong khi, người bán hàng không hề biết mình đang bị cười cợt bằng một ngôn ngữ khác, vẫn rất vui vẻ, lịch sự với nam diễn viên. Đoạn nói chuyện thiếu duyên lẫn văn hóa này đã gây bức xúc mạnh đối với cộng đồng. 

Trường hợp “phản cảm” đình đám nữa của người nổi tiếng tại nước ngoài, có lẽ phải kể đến hành vi của người mẫu nội y Ngọc Trinh. Tại Liên hoan phim Cannes vừa qua, cô này đã gây sốc với một bộ váy hở hang tới mức khiến người chứng kiến phải “đỏ mặt”.

Nếu như trường hợp của Duy Mạnh dừng ở mức người Việt tranh cãi với nhau thì với chuyện của Ngọc Trinh, đó là đề tài đàm tiếu của người nước ngoài, của báo chí quốc tế. Trên hàng loạt báo của nhiều nước, Ngọc Trinh được viết như một “khách mời vô danh ăn mặc phản cảm trên thảm đỏ”.

Trên mạng xã hội và các diễn đàn nước ngoài, nhiều người đã nói về Ngọc Trinh với những từ ngữ không mấy tôn trọng. Và không ít người Việt đã phải giải thích với bạn bè quốc tế, rằng “cô gái Việt Nam” ấy là cá biệt, không đại diện cho tất cả mọi “cô gái Việt Nam”.

Ngọc Trinh khoe thân tại Liên hoan phim quốc tế
Ngọc Trinh khoe thân tại Liên hoan phim quốc tế

Sau Ngọc Trinh, hàng loạt chân dài khác cũng “gây tai tiếng” cùng một cách như thế, ăn mặc hở hang trên thảm đỏ của Liên hoan phim quốc tế: Diễn viên Quỳnh Hương, người mẫu Vũ Ngọc Anh…

Với Duy Mạnh, phát ngôn nói trên đơn thuần để thể hiện cái tôi, cá tính ngông cuồng của anh. Với Lê Dương Bảo Lâm, đơn giản đó là lời nói đùa để “câu like” bán hàng. Với Ngọc Trinh và những cô gái tương tự, hở hang ở một sự kiện quốc tế  có thể chỉ là một trong các chiêu trò gây sốc, làm nổi bản thân.

Những người nổi tiếng ấy hầu như chỉ nghĩ đến cái lợi cho cá nhân họ khi có hành xử, phát ngôn như thế. Nhưng, với nhiều bạn bè quốc tế, những hành xử ấy đã phần nào khiến người Việt “mất điểm” trong mắt họ. 

Lời nói hay, hành xử đẹp có khó gì đâu, bản thân là những người nổi tiếng, sao không ý thức được mình cũng chính là một “đại sứ văn hóa” đem hình ảnh, con người Việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế? 

Sao hành xử "lố" trên sóng truyền hình

Không chỉ hành xử lố ở nước ngoài, ở trong nước, cách hành xử được cho là quá lố đã không còn xa lạ trong giới showbiz Việt, nhất là khi nhiều nghệ sĩ xuất hiện trên sóng truyền hình với mật độ dày đặc. Siêu mẫu Võ Hoàng Yến cũng từng bị khán giả chỉ trích là cường điệu và có thái độ ngôi sao trong “Nhanh như chớp” của Đài Truyền hình HTV.

Vốn muốn tung hứng cùng đồng đội với hy vọng tạo nên tiếng cười cho khán giả, thế nhưng việc thể hiện của siêu mẫu lại gặp phản ứng ngược khi sử dụng điệu cười nhếch mép, phát ngôn đôi phần thiếu khiêm tốn. Trong chương trình này, MC Trường Giang cũng phải đối mặt với sự phản ứng khi thường xuyên “đá xéo” chuyện đời tư của khách mời trên sóng truyền hình, hoặc phá rối người chơi trong khi đang trả lời.

Thanh Duy bị chỉ trích khi hát lấn át khách mời là nhóm Mây Trắng trong chương trình “Ký ức vui vẻ”.
 Thanh Duy bị chỉ trích khi hát lấn át khách mời là nhóm Mây Trắng trong chương trình “Ký ức vui vẻ”.

 Với giới showbiz, những trường hợp hay làm lố như Thanh Duy, Võ Hoàng Yến, Trường Giang... thì có vẻ như việc hành xử - từ hành động đến lời ăn tiếng nói trên truyền hình lại được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn đua theo. Nhiều khán giả cho rằng, có những nghệ sĩ trẻ bây giờ không còn đặt cảm xúc của khán giả lên hàng đầu mà mải mê chạy theo xu hướng được gọi là… thời thượng - “làm lố” để mua vui...

Rõ ràng, một chương trình có thành công hay không, phần nhiều phụ thuộc vào khán giả. Tuy nhiên, một điều khá ngạc nhiên, việc ủng hộ hay thậm chí chấp nhận những trò lố đã tưởng như “ăn sâu” vào thói quen cư xử của nhiều khán giả khi họ buộc phải chứng kiến những “trò lố” gây bực tức khi xem truyền hình. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo - TƯ Hội LHPN Việt Nam: 

Chúng tôi được biết ca sĩ Duy Mạnh đăng trên trang facebook cá nhân một đoạn video về cuộc trò chuyện với một người đàn ông ngoại quốc ở Hungary và đã có những lời bình phẩm khiếm nhã, xúc phạm hàng triệu phụ nữ Việt Nam - những người luôn đóng góp và giữ vai trò quan trọng trong suốt chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.

Là người của công chúng, ca sĩ Duy Mạnh đáng ra phải giới thiệu những nét đẹp văn hoá của đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Rất tiếc, ca sĩ này đã có những lời lẽ xúc phạm, sai sự thật, hành vi thiếu chuẩn mực, tác động xấu đến dư luận xã hội.

Phát ngôn và việc làm của ca sĩ đi ngược lại các giá trị văn hóa và đạo đức dân tộc, làm hoen ố hình ảnh và đóng góp của hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam nghiêm khắc phê phán và yêu cầu ca sĩ Duy Mạnh phát ngôn, hành xử đúng mực, có văn hóa.

Chúng tôi mong rằng các nghệ sĩ cũng như mỗi người dân Việt Nam, với lòng tự hào dân tộc và tự trọng cá nhân, ở bất cứ nơi nào và đặc biệt khi ra nước ngoài sẽ trở thành những đại sứ văn hoá, giúp bạn bè quốc tế hiểu được những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam, qua đó thêm tôn trọng, yêu quý đất nước và con người Việt Nam.

Mong cộng đồng lên tiếng cổ súy cho những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, những phát ngôn và việc làm tử tế của hàng vạn nghệ sĩ, những người của công chúng để lan tỏa nhưng thông điệp lành mạnh trong xã hội.

Luật sư Lê Việt Chuẩn - Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu:

Căn cứ các quy định tại Hiến pháp và Bộ luật Dân sự về các quyền được bảo vệ tính mạng, danh dự, nhân phẩm và vấn đề thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng nhân phẩm, có thể nói đối với trường hợp của ca sĩ Duy Mạnh, khi anh này phát tán những nội dung trên trang cá nhân của anh, nếu xác định hành vi này xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam thì Hội LHPN Việt Nam có thể đứng ra khởi kiện yêu cầu anh Mạnh xin lỗi, cải chính công khai.

Để làm được việc này Hội LHPN cần phải thu thập bằng chứng có liên quan đến hành vi của ca sĩ Duy Mạnh và chứng minh hành vi ấy xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của phụ nữ Việt Nam và gây thiệt hại. 

Ngoài ra cũng cần lưu ý hiện nay Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành để làm cơ sở cho việc thực thi và áp dụng pháp luật được rõ ràng và đúng đắn của cá nhân và cơ quan tổ chức có liên quan, đây cũng được xem là trở ngại.

Như vậy, có thể thấy, với những trường hợp hành xử, phát ngôn phản cảm, gây bức xúc như trên, thứ nhất quy định pháp luật về chế tài cũng chưa cụ thể, chưa rõ ràng, còn nhiều khoảng trống.

Thứ hai là các chủ thể bị xâm phạm quyền lợi thường không muốn chuyện bé xé ra to, thế nên mọi chuyện cũng sẽ không đi đến bước kiện tụng. Có lẽ, những hành vi ấy chỉ chờ đến sự điều chỉnh của đạo đức xã hội mà thôi.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga:

Những sự việc đã nêu trên, có lẽ hầu hết những người có quan tâm đến thông tin xã hội đều biết ít hay nhiều. Trường hợp của nam ca sĩ Duy Mạnh mới đây, theo tôi thấy, đó là một phản ứng, hành xử thường thấy trong văn hóa “tám chuyện” của đàn ông Việt: bàn tán, bình phẩm về thân thể phụ nữ và chuyện “phòng the”.

Tất nhiên, không thể bảo vì nó “thường thấy” nên mặc nhiên cho là hành vi bình thường được. Nhất là, đối với một nghệ sĩ, người nổi tiếng khi bước chân ra nước ngoài, lời nói, hành vi cần cẩn trọng, vì bản thân mỗi người, với quốc tịch trên mình, đều là một “đại diện” nho nhỏ của quê hương bản quán. 

Hãy nhìn người bạn nước ngoài trong clip, anh ta hoàn toàn bị động và không mấy hưởng ứng nội dung cuộc chuyện trò của Duy Mạnh. Có lẽ, với Duy Mạnh, đó chỉ là một cách trò chuyện gây sốc nhằm lôi kéo sự chú ý của một người bạn ngoại quốc.

Tương tác câu chuyện, đơn giản là do lịch sự, nhưng trong lòng, họ sẽ có thêm một khái niệm về phụ nữ Việt, thông qua lời “giới thiệu” của một anh ca sĩ. Là một nghệ sĩ, phát ngôn như thế thật thiếu cẩn trọng, khó chấp nhận được.

Tôi nghĩ những ai gọi đó là “đùa thôi” có lẽ không coi trọng cảm nhận của người phụ nữ. Dù trong clip, Duy Mạnh không nói về toàn bộ phụ nữ Việt, nhưng cách nói chuyện đầy mời gọi xen lẫn miệt thị ấy, làm tổn thương phụ nữ nói chung. 

Còn về các trường hợp hành xử lố lăng như đã bàn đến, theo tôi, lên án là chuyện đương nhiên. Đạo đức xã hội được quy định dựa trên nhận thức về đúng, sai. Một khi ranh giới giữa đúng và sai bị xóa nhòa thì rất nguy hiểm.

Sẽ như thế nào nếu con cháu chúng ta sau nay coi những hành xử lệch chuẩn ấy là chuẩn mực. Thử tưởng tượng, nếu có một thế hệ trẻ xem nói tục chửi bậy là lời thường nhật, chạy theo chiêu trò làm nổi bất chấp để kiếm tiền với lối sống thực dụng, thì xã hội sẽ ra sao?