Tang chồng tang
Từ đầu làng, hỏi nhà chị Hồ Thị Xuân (39 tuổi, xóm 2, làng Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), người dân hầu như ai cũng biết.
Căn nhà 3 gian chưa tô quét được dựng trên nền đất trũng, móng nhà đúc cao chót vót để tránh ngập lụt, thoạt nhìn có vẻ “khang trang”. Nhưng bên trong nhà trống trải, chẳng có vật dụng gì ngoài chiếc bàn thờ khói nhang nghi ngút và chiếc gường ngủ.
Người phụ nữ ngồi bần thần bên hiên nhà, nỗi đau quá lớn khiến chị ủ dột, mắt loang loáng nước. Chị kể, căn nhà được vợ chồng chị xây dựng cách đây gần 9 năm. Ngày đó, sau khi cưới, vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng một thời gian thì ông bà cắt cho miếng đất để hai người ra riêng. Vợ chồng gom góp tiền bạc, cùng với số vàng cưới hai bên gia đình cho, rồi vay mượn thêm một ít, mới dựng được căn nhà như hiện nay.
Cứ nghĩ có an cư mới lạc nghiệp, vay mượn tiền bạc rồi dựng nhà dựng cửa cho đàng hoàng để ở. Người còn, sức còn, lo chi không trả được nợ. Nhà chỉ mới xây thô, vợ chồng liền dọn vào ở, định trả hết nợ sẽ dành dụm tiền để tô quét, mua sắm vật dụng trong nhà.
Bao nhiêu dự định, được đôi vợ chồng trẻ ấp ủ thật nhiều, vậy mà chồng chị lại đột ngột “ra đi”, khiến chị một nách ôm hai đứa con nhỏ bơ vơ hụt hẫng. Hai năm trước, biến cố kinh hoàng đột ngột ập xuống gia đình nhỏ, khiến chị chới với. Trong một lần lưu thông trên đường, không may chồng chị bị tai nạn tàu hỏa dẫn đến mất mạng.
Hay tin dữ, chị ngất xỉu, chẳng còn biết gì nữa. Quá đau đớn trước cái chết của chồng, chị ốm một trận liệt giường liệt chiếu, thập tử nhất sinh. Sau khi khỏi bệnh, sức khỏe chị ngày càng thêm yếu. Nhưng rồi người phụ nữ ấy vẫn gắng gượng, bởi hai đứa con nhỏ vẫn cần chị để dựa vào. Nuốt nỗi đau vào lòng, chị gắng hết sức, vừa đóng vai trò của một người cha, vừa làm tròn bổn phận của một người mẹ, vừa kiếm tiền, vừa dạy dỗ con cái, lại quán xuyến việc trong nhà.
Mấy năm trời ba mẹ con chị Xuân đùm bọc nhau, rau cháo qua ngày trong căn nhà thiếu bóng người đàn ông. “Khi chồng tui còn sống, anh làm ruộng, ngày nông nhàn thì đi phụ thợ nề, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tôi ở nhà chăm hai đứa con nhỏ, nuôi heo, nuôi gà phụ chồng. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng có vợ có chồng cùng đồng lòng. Cực mấy cũng chịu được. Dựng nhà còn nợ nần chồng chất, anh động viên “cháo húp quanh, nợ trả dần”, từ từ rồi cũng qua hết. Ai ngờ nợ nần còn chưa trả hết, anh đã bỏ mẹ con tui mà đi”, chị ứa nước mắt.
Sức khỏe yếu, nhưng còn phải lo cho hai đứa con thơ mồ côi, chị Xuân ráng đi làm công nhân may. Mỗi tháng tiền lương chỉ 1,5 - 2 triệu đồng, ba mẹ con rau cháo cũng qua ngày đoạn tháng. Mấy năm nay, gia đình chị Xuân đều là hộ nghèo ở địa phương. Khó khăn, nợ nần, trăm món chi tiêu đều đổ lên đôi vai gầy người vợ góa.
Nhưng vì các con, người mẹ ấy vẫn ráng cứng rắn. Thế nhưng, cách đây hơn ít ngày, vào ngày 18/6/2017, chị Xuân lại một lần nữa ngã quỵ khi đứa con trai lớn đang học lớp 8 của chị ra đi mãi mãi vì tai nạn đuối nước.
Khổ chồng khổ
Ngày hôm đó tầm khoảng 5h30 chiều, một người thân gọi điện báo đứa con trai đầu của chị bị ốm nặng, cần chị về nhà gấp để đưa thằng bé đến bệnh viện cấp cứu. Vừa nghe con ốm, chị đã rụng rời chân tay, nhưng trong lòng vẫn có chút hoài nghi, không hiểu sao người thân không đưa cháu đi bệnh viện, mà phải đợi chị về?
Trong lòng như có lửa đốt, chị sấp ngửa đạp xe về nhà, trên đường đi còn mấy lần bị ngã xuống đường. Khi chị về đến nhà, ngỡ ngàng thấy người thân và xóm làng bu đen bu đỏ, lòng chị càng run. Len qua đám đông, chị trợn trừng mắt khi thấy con trai nằm đó, chỉ còn là một thi thể trắng nhợt, bất động. Chị lăn ra ngất xỉu.
Chiều hôm đó trời nóng quá. Hai đứa con trai chị cùng một đứa bạn trong xóm xuống bờ sông tắm. Đứa con trai lớn chị Xuân tắm xong, liền lên bờ trước, trong khi đứa em vẫn còn nghịch dưới sông với bạn. Lúc thấy em trai bị dòng nước đẩy trôi xa bờ, liền hoảng hốt lao xuống cứu.
Người chèo thuyền trên sông cứu được đứa nhỏ. Được cứu, đứa trẻ mãi vẫn chưa hoàn hồn. Người chèo thuyền liền chèo đi mất. Đến lúc đứa bé tỉnh táo lại, mới hoảng hốt nhớ ra anh trai vẫn còn trong dòng nước chưa được cứu. Khi đứa bé lại hớt hơ hớt hải chạy đi gọi người ứng cứu, con trai lớn chị Xuân đã chìm sâu dưới lòng sông. Người dân kéo xuống lặn từ 4h chiều đến lúc mặt trời gần tắt bóng vẫn chưa tìm thấy. May có người trong làng bày kế, đổ dầu hỏa lên mặt sông, rồi nương theo vòng xoáy của vết dầu loang trên mặt nước, lúc này mới tìm thấy xác.
Chị Xuân kể trong dòng nước mắt chảy tràn trên mặt. Con chị năm nay lên lớp 8. Suốt những năm qua, em đều là học sinh giỏi ở trường. Ở nhà, cậu bé rất ngoan ngoãn, hiếu thảo. Mẹ đi làm cả ngày, cậu ở nhà, sau giờ học thường phụ mẹ làm việc nhà và chăm sóc em trai.
Lại nói, mười ngày trước khi cháu bị đuối nước, người cô ruột của đứa bé trong một chiều đi làm đồng, không may bị sét đánh chết. Gia đình vừa tổ chức đám tang, chôn cất cô ruột của đứa bé xong thì đến phiên em gặp nạn.
Bố chồng chị Xuân rầu rĩ bảo, chẳng hiểu sao gia đình ông cứ liên tiếp gặp nạn, chỉ chưa đầy ba năm, mà tang liên tục chồng tang. Con trai ông bị tàu đâm chết, con gái ông bị sét đánh trúng phải vong mạng, giờ lại đến cháu trai của ông qua đời vì đuối nước. Mất mát quá lớn khiến ông lão cũng suy sụp.
“Tiền vay nợ để làm nhà, chưa kịp trả xong thì con trai tui mất. Một mình con dâu tui, một nách hai đứa con, phải lo chạy ăn từng bữa, nên nợ nần cũng không trả nỗi. Nay lại thêm cháu nội tôi gặp nạn, con dâu tôi cả tinh thần lẫn sức khỏe đều sa sútkhông biết tính sao. Tui già cả, lại hay đau yếu, còn phải chăm người vợ bệnh tâm thần, nên chẳng giúp gì được cho con dâu”, bố chồng chị Xuân thở dài.
Sau khi lo ma chay cho đứa con xấu số, chị Xuân cố gượng dậy chăm sóc đứa con trai út mới học lớp 6. Thế nhưng bây giờ, ngoài nỗi đau đớn chất đầy trong tim, cuộc sống của hai mẹ con chị Xuân chồng chất khó khăn.
Để giúp đỡ hai mẹ con chị Xuân vượt qua giai đoạn khó khăn, cần lắm những chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi giúp đỡ xin gửi về chị Hồ Thị Xuân (xóm 2, làng Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà), số điện thoại 0165.4655.881.