Người phụ nữ có “trái tim hồng” vươn lên sưởi ấm cuộc đời

(PLVN) - Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng tại thôn Gò Sỏi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tình thương của nhiều người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực để sống và lao động. 
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc gặp gỡ giao lưu với những người khuyết tật khác do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc gặp gỡ giao lưu với những người khuyết tật khác do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức

Và người thành lập ngôi nhà chung đó là chị Đinh Thị Quỳnh Nga (SN 1977) một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tôn vinh năm 2018 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Vượt lên số phận

6 tháng tuổi sau một cơn sốt, chị Nga đã bị khuyết tật liệt mềm chân trái từ hông xuống, chân teo, bé ngắn hơn chân phải nên đi lại rất khó khăn. Đi học đối diện với sự coi thường và chê bai của không ít bạn bè, cô bé Nga tự nhủ chỉ có con đường học hành mới có thể giúp mình đỡ vất vả cho sau này, để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Với suy nghĩ như vậy cùng với hoàn cảnh gia đình nghèo nên chị Nga quyết tâm tự lập từ nhỏ, tìm mọi cách buôn bán để kiếm tiền ăn học. Năm 8 tuổi, chị xách nước chè bán rong ngoài chợ và rồi theo nghề bán hàng nước giải khát để lấy tiền ăn học. Bóng cô bé Nga bé nhỏ với dáng đi của người bị liệt một bên chân nghiêng nghiêng, nhưng rất chăm chỉ làm việc, nhiều người ở khu chợ ngày đó còn nhớ. 

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, một lần nữa chị Nga phải đối diện với thử thách cuộc đời khi cầm hồ sơ đi xin việc nhiều nơi đều bị nhà tuyển dụng lắc đầu bởi sự khiếm khuyết của bản thân. Nhưng chị không nản chí, từ niềm đam mê buôn bán nhỏ chị lại chuyển sang kinh doanh hoa cưới và chờ đợi cơ hội thực hiện ước mơ của mình.

Năm 2007 có đợt thi công chức của huyện, chị Nga nộp hồ sơ và ôn thi, chị đã đỗ công chức và theo nguyện vọng được vào giảng dạy môn mỹ thuật tại Trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn. Chị muốn được vào trường này chính vì sự đồng cảm với các em học sinh - những trẻ em thiếu may mắn, hoàn cảnh khó khăn, mỗi em mang trên mình một dị tật khác nhau. 

Điều kỳ diệu từ nỗ lực không mệt mỏi

Vốn là một người khuyết tật, chị Nga vô cùng thấu hiểu tâm tư của những người cũng kém may mắn như mình và khi là giáo viên tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật, chứng kiến học sinh của trường khi ra trường hầu hết không có công ăn, việc làm để có thể tự chủ cuộc sống, chị xót xa, thương cảm. Và đó cũng là lý do ra đời của HTX Trái tim hồng.

Sau nhiều cố gắng, HTX Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức thành lập vào tháng 1/2015. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã được tham gia nhiều hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ HTX nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Cùng sự giúp đỡ của xã hội, điều cốt lõi để HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khẳng định mình chính là chất lượng sản phẩm. HTX sản xuất hơn chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gồm chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Các sản phẩm được gia công với chất lượng tốt, nên được thị trường đón nhận.

Bên cạnh đó, HTX còn có một xưởng sản xuất hạt gỗ hương cung cấp nguyên liệu cho nhiều cơ sở sản xuất khác; một cửa hàng văn phòng phẩm, photocopy, đánh máy, in ấn và có khu nhà nghỉ cho công nhân có nhu cầu ở lại... Đến nay, HTX đã tạo việc làm cho 28 thanh niên và NKT, đảm bảo thu nhập bình quân 2,5 triệu/tháng, người cao nhất 3,5 triệu đồng/tháng.

Có thể nói HTX Trái tim hồng đã mang lại nguồn động viên, khích lệ để NKT tự tin, xóa bớt mặc cảm về bản thân để sống hòa nhập, làm việc và đóng góp cho cộng đồng.

Về phần mình, chị Nga cho biết, công việc trải qua bao khó khăn, thử thách và nhiều lúc, chị cũng thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng với tình yêu thương các em cháy bỏng, chị tự dặn lòng phải kiên trì dẫn dắt nhóm bước tiếp và ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm để người khuyết tật ở địa phương có thể ổn định cuộc sống.

Hiện nay ngoài đảm nhiệm công việc giảng dạy và là Giám đốc HTX Trái tim hồng, chị Nga còn là Ủy viên thường trực Hội Người khuyết tật, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn; Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hồng Kỳ.

Trong công tác giảng dạy, nhiều năm chị Nga là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; đạt Bằng khen sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố; Gương người tốt, việc tốt TP Hà Nội năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội năm 2018; Gương điển hình tiên tiến TP Hà Nội năm 2018…

Và mới đây, chị đã được tôn vinh tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” vừa khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Qua câu chuyện của chị Nga, có thể nói, cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu, nhưng đối với chị Nga, điều đó không phải do tự nhiên mang đến mà là do chính chị tạo ra và đó là kết quả của sự nỗ lực học tập, nghiên cứu và làm việc không mệt mỏi của người phụ nữ có khát khao vươn lên sưởi ấm cuộc đời.

Đọc thêm