Người chồng vẫn chỉ nằm một chỗ, tay chân co quắp, người con sức yếu chẳng thể làm công việc nặng nhọc. Hơn 10 năm qua, một mình bà Lê Thị Lợi (66 tuổi) ở nhà may vá, nhận sửa quần áo, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ để trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Chồng con cùng lúc đổ bệnh
Khuất sâu trong con hẻm 243 (đường Tôn Đản, phường 15, quận 4, TP.HCM), căn nhà của gia đình bà Lợi lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh.Gian nhà trước vừa là phòng khách với bộ bàn ghế cũ kĩ, vừa là nơi làm việc thường ngày của bà.
Phía bên trong, chồng bà, ông Trần Văn Tâm (76 tuổi) nằm co ro trên chiếc giường nhỏ, đôi bàn tay co quắp, không thể cầm nắm, đôi chân phình to, lở loét, thi thoảng lại run lẩy bẩy. Ông Tâm bị tai biến, nằm liệt giường đã hơn 10 năm nay.
Người phụ nữ dáng người dong dỏng cao, gầy ốm đang tất bật với đống áo quần, vải vóc cần may vá, sửa chữa của những người hàng xóm. Có lúc bà ngơi tay, đến ngồi cạnh mép giường, nắn tay, chân cho chồng. Bà tâm sự, căn nhà này bà đã thuê và sống hơn 10 năm nay. Dù hơi chật chội nhưng giá tiền thấp, bà có thể cáng đáng được.
Mở đầu câu chuyện, người phụ nữ tâm sự, cả cuộc đời bà dường như chưa có phút giây nào ngơi nghỉ. Những tai ương ập đến khiến gia đình nhỏ tưởng như viên mãn trở nên buồn thương. Nhưng không vì thế mà bà cho phép mình ngã quỵ. “Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi cũng muốn buông xuôi tất cả.
Thế nhưng, cả gia đình 3 người chỉ còn mỗi mình tôi khỏe mạnh.Nếu tôi không kiên cường, nỗ lực chống chọi với khổ đau, nghèo đói, thì làm sao chồng con tôi có thể vượt qua được”, bà nói.
Sinh ra trong một gia đình khá giả gốc Sài Gòn, tuổi thơ của bà Lê Thị Lợi trôi qua khá ấm êm. Sau khi học hết tú tài, bà Lợi tham gia một số khóa học báo chí, rồi làm ký giả chiến trường cho một số tờ báo thời bấy giờ. Trong những ngày xuống đường đưa tin học sinh, sinh viên biểu tình, bà gặp người lính Trần Văn Tâm. Mến nhau từ cái nhìn đầu tiên, hai người nhanh chóng hò hẹn rồi nên duyên vợ chồng.
Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông bà đưa nhau về quê nội cày thuê cuốc mướn mưu sinh. Nhưng cuộc sống ở Củ Chi chật vật thiếu trước hụt sau, bà Lợi phải lên Sài Gòn học làm ăn buôn bán.
Sáng đi, chiều về, người phụ nữ ấy phải qua quãng đường mấy chục cây số mỗi ngày để có tiền chạy gạo cho gia đình. Được khoảng 5 năm, hai ông bà đưa nhau lên quận 4 (TP.HCM) sinh sống trong căn nhà nhỏ do cha mẹ bà Lợi để lại.
Cuộc sống trở nên viên mãn hơn khi đứa con trai ra đời. Dù phải quần quật làm thuê làm mướn cho người ta, đôi vợ chồng cũng luôn để cho con học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, tai ương bất ngờ đổ ập xuống. Đến bây giờ, bà Lợi vẫn không thể quên biến cố vào tháng 10/2003.
“Thời điểm đó, ông nhà tôi bất ngờ bị tai biến, tôi vội vàng đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Không lâu sau đó, người con trai phát hiện ở cổ có một cục u, đi khám thì mới hay là bị ung thư vòm họng, phải vào bệnh viện Ung Bướu điều trị.
Trong một khoảng thời gian ngắn phải đón nhận hai tin dữ, tôi sợ hãi và hoang mang đến tột cùng. Cũng may có những người thân ở cạnh động viên, tôi mới có thể vực dậy tinh thần, làm chỗ dựa vững chắc cho chồng, cho con”, bà Lợi tâm sự.
|
Ông Tâm bị tai biến nằm liệt giường hơn 10 năm qua. |
Nghị lực chèo chống gia đình
Cùng một thời điểm, hai người quan trọng nhất trong cuộc đời bà ở trong tình trạng nguy kịch ở hai bệnh viện khác nhau. Nhà neo người, mỗi ngày, bà phải chạy đi chạy về hàng chục cây số giữa hai bệnh viện để nuôi chồng, chăm con. Thời gian nằm viện được tính bằng tháng, bằng năm, số tiền viện phí cứ thế chất chồng.
Để có tiền chi trả, bà buộc phải bán căn nhà duy nhất cha mẹ để lại. “Lúc tôi nói ra ý định bán nhà, ông ấy can ngăn tôi nhiều lắm vì sợ bán nhà rồi thì sau này ra viện ở đâu. Nhưng nếu không bán nhà thì lấy tiền đâu để chữa bệnh cho cả hai cha con. Còn sức khỏe thì còn có thể làm việc, còn có thể kiếm tiền mua lại nhà. Thế mà bấy nhiêu năm trôi qua, chúng tôi vẫn phải ngậm ngùi sống trong căn nhà thuê chật hẹp”, bà kể.
Sau cơn tai biến, đến nay đã hơn 10 năm, ông Tâm ngày ngày vẫn nằm liệt giường. Nhiều năm trở lại đây, ông còn bị bệnh Gout hành hạ, tay chân phù nề, sưng đỏ, đau nhức, không thể cử động, cầm nắm được vật gì.
Người con trai dù vẫn phải ra vào bệnh viện thường xuyên, nhưng mấy năm nay, sức khỏe cũng khá hơn, hiện đang làm bảo vệ cho một công ty ở gần nhà. Bà Lợi kể, dù đã 37 tuổi nhưng người con mặc cảm bệnh tật, không quen biết ai. Đây cũng là mối bận tâm lớn nhất của người mẹ vì sợ con trai sau này sẽ cô độc, không có người sớm hôm cận kề.
Là người tháo vát nhưng từ khi chồng đổ bệnh nằm một chỗ, bà phải ở nhà chăm sóc ông nên từ giã việc buôn bán. Bà học nghề may quần áo, rồi mở tiệm tại nhà để có thể kề cận chăm sóc chồng bất cứ lúc nào.
“Cách đây hai năm, tôi phải ra ngoài giao đồ cho khách. Đúng lúc nhà bên cạnh đang đập nhà, làm sập mái nhà tôi. Từng lớp tôn, bê tông ào ào đổ xuống đúng giường ông đang nằm. May những người hàng xóm đỡ ông dậy kịp và đưa đi bệnh viện. Từ đó, tôi không dám đi đâu quá xa”, bà nhớ lại.
Nhiều năm hành nghề sửa chữa quần áo, gia tài của bà bây giờ là 3 chiếc máy may. Chỉ vào chiếc máy cũ nhất, bà cho hay, đó là chiếc máy duy nhất bà tự trang bị được. Hai máy còn lại được Hội phụ nữ phường trao tặng. Tất cả những vật dụng cần thiết trong nhà đều được bà con lối xóm mang đến cho khi không dùng đến.
Nhiều người thương tình thi thoảng mang đến cho kí gạo, mớ rau, một số khác cứ cần may vá, sửa chữa quần áo đều nhớ đến cửa tiệm của bà. Nhờ đó, bà gom góp được từng đồng lo thuốc thang cho cả hai cha con.
Dù khó khăn, cuộc sống thiếu khổ trăm bề, nhưng người phụ nữ này cũng rất đam mê các công việc từ thiện. Bà hào hứng chia sẻ, “Một số nhóm từ thiện đến đặt may áo quần cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Có thời điểm, tôi may một cái áo chỉ với giá 4.000 đồng. Tiền công chỉ đủ tiền kim chỉ, nhưng cảm giác những đứa trẻ nghèo có áo mới đến trường, tôi lại thấy vui vẻ vì có thể giúp được người khác”.
Nằm trên giường, ông Tâm khẽ cựa mình, gương mặt nhăn nhó vì cơn đau hành hạ. Nắm chặt tay người bạn đời, ông tâm sự cả cuộc đời mình, ông chưa thể mang lại cho vợ giây phút nào thảnh thơi mà còn trở thành gánh nặng cho bà. Không ít lần ông nghĩ quẩn định giải thoát cho bà, để cuộc sống đỡ chật vật hơn, nhưng mỗi lần như thế, người vợ tảo tần lại xua tay gạt đi.
“Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần còn được nhìn thấy nhau mỗi ngày, thấy sức khỏe của chồng con được tốt hơn là tôi đã thấy mọi nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng”, bà tâm sự.