Năng khiếu hội họa khiến thầy giáo khó chấm điểm
Anh Nguyễn Văn Việt sinh ra và lớn lên tại Nam Định. Cũng như bao người con khác lớn lên ở mảnh đất thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, anh Việt đã quen với “mùi” đồng ruộng, sớm chiều cùng bạn bè thả cánh diều tuổi thơ bay vào không gian. Cậu bé khi ấy đã gửi gắm ước mơ của mình lên cánh diều và mong một ngày nào đó được như ước nguyện, đó là trở thành một nhà điêu khắc.
Câu chuyện năng khiếu của cậu bắt đầu từ khi còn tấm bé, cứ sau mỗi buổi học về, Việt lại lăng xăng ra đồng, hay đến các hồ ao để tìm loại đất có thể nặn được các hình thù. Cậu bé lúc nào “chân lấm tay bùn” chẳng khác gì những bác nông dân ngoài ruộng, mặt mũi cũng dính đất, nhưng được niềm vui là tạo được những bức tượng nhỏ mình thích.
Việc “nghịch” đất của cậu không những không khiến bố mẹ phiền lòng, mà ngược lại còn tỏ ra quan tâm và động viên cho Việt. Bố là một trong những người đầu tiên cổ vũ để Việt tiến thêm một bước nữa vào niềm đam mê điêu khắc. Để từ đó, cậu chăm chỉ hơn với những bức vẽ trên giấy và hiện thực hóa nó thành những bức tượng.
Gian nhà, xó bếp từ đó để nhiều bức tượng con con, cậu xem đó như những người bạn do mình tạo ra, và nâng niu trân trọng. Cũng vì yêu thích môn nghệ thuật đặc biệt này mà cậu đâm ra mê mẩn với môn vẽ ở trường. Các môn học khác, Việt cũng rất chú tâm và có kết quả tốt, nhưng để học giỏi nhất thì đó là môn vẽ.
Ngày ấy, Việt bỏ công sức tìm hiểu nhiều về các họa sĩ, các nhà điêu khắc lừng danh trên thế giới và trong nước. Thông qua những bậc thầy này, Việt đã nuôi nấng trong mình một ngày nào đó sẽ hiện thực hóa ước mơ, đó là theo đuổi nghề mà ông trời đã ban cho năng khiếu. Đối với Việt, mỗi bức vẽ là một lần được thể nghiệm tài năng. Cậu phóng túng và vẽ, chỉ có vẽ theo trí tưởng tượng bay bổng.
Cậu không biết các bức vẽ của mình theo trường phái nghệ thuật gì, nhưng các thầy hội họa có nói rằng: “Thầy không biết cho điểm bức vẽ của em thế nào cho phải, bởi nó nằm ngoài hội họa trường lớp”.
Mặc dù rất đề cao tài năng của Việt, nhưng những người thầy vẫn biết “kéo” cậu xuống “mặt đất”, và chỉ bảo nhiều điều trong nghệ thuật. Chính vì vậy, dù sau này là chủ một cơ sở điêu khắc gỗ đá, nhưng Việt lúc nào cũng biết ơn thầy cô và coi họ là thần tượng của mình.
Anh nói rằng, ngoài những bài giảng trên lớp, các thầy còn dành riêng thời gian vào buổi tối để nói chuyện hội họa, điêu khắc, nghệ thuật với mình. Chính những buổi tối chong đèn giảng bài đã giúp Việt nâng cao được tay nghề cho mình trong công việc đam mê sau này.
Và để viết tiếp ước mơ đó, Việt đã thi vào ngôi trường về điêu khắc – hội họa, và sau này, anh được cử đi học thêm 2 năm ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Câu chuyện tìm được khối ngọc quý hiếm
Sau khi học xong trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, do đam mê điêu khắc gỗ đá, anh Việt chọn Yên Bái – miền đất của những mỏ đá quý làm nơi lập nghiệp. Và rồi nó trở thành quê hương thứ 2 của anh. Cũng chính nơi này, anh đã có người bạn đời là giáo viên. Người vợ đã giúp anh nhiều trong công việc, cũng như luôn động viên tinh thần để anh lao động nghệ thuật điêu khắc.
Anh Việt điêu khắc thành thạo cả gỗ lẫn đá. Anh điêu khắc đủ các loại hình thù, từ tượng Phật, Bồ Tát, Chúa đến các hình thù cây cối, con vật. Với anh, mỗi bức tượng ra đời là một lần anh phải thao thức, suy tư và sống cùng với nó. Hiện anh có một xưởng chế tác đá gỗ ở Yên Bái, và có khoảng 10 nhân công làm việc.
Ngoài ra, anh còn thuê thêm các nhà điêu khắc lưu động khi cần, và trả lương ngày rất cao cho họ. Anh Việt trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn khi đem theo khối sập đá xanh ngọc quý hiếm nặng khoảng 16 tấn, giá 2,6 tỷ đồng, trưng bày tại triển lãm Sinh vật cảnh Thủ đô (Mỹ Đình, Hà Nội). Khối đá có tên nước ngoài là Serpentine, tên tiếng Việt là khối đá xanh ngọc.
Anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ về nghề và khối đá ngọc. |
Được biết, khối đá xanh ngọc dài 3,24m, rộng 2,1m và dày khoảng 0,6m có giá 2,6 tỷ đồng. Khối đá tự nhiên và được đánh giá là đẹp độc đáo và có giá trị tương xứng với vẻ đẹp vốn có. Chủ nhân khối đá cho biết, để khối đá được hiện diện như vẻ đẹp hôm nay, anh đã cùng gần 10 nhân công chế tác ngày đêm để làm sao nét đẹp trời ban mà nó có được sẽ cống hiến cho người xem một tuyệt tác của Việt Nam. Anh tự hào khi ở trên đất nước mình cũng có những báu vật hiếm có như vậy.
Tại nơi trưng bày, hầu như khách tham quan nào đến đây đều dừng chân trước khối đá trầm trồ khen ngợi. Để đưa được khối xanh ngọc đến Hà Nội, anh Việt phải thuê xe cẩu 25 tấn với chi phí gần 150 triệu.
Vị chủ nhân tiết lộ, đã có những vị khách đến hỏi mua, nhưng chưa được giá nên anh chưa bán, các giá đưa ra đều vào khoảng 2 tỷ. Vân khối đá xanh ngọc lượn sóng được cho là mang đến nhiều lợi lộc nếu xét về phong thủy. Khối đá này có thể dùng làm sập, hoặc điêu khắc làm đủ các kiểu tượng theo ý chủ sở hữu.
Để khối đá đến được với nhà điêu khắc này, và có vẻ đẹp như ngày hôm nay, anh và những nghệ nhân khác đã phải rất vất vả. Khối đá ngọc ban đầu được bà con dân tộc vùng cao tìm được ở Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái.
Nó nằm sâu dưới đồi ngô, là nơi canh tác của bà con. Trong quá trình đào xới đất đai cày cấy, bà con phát hiện ánh sáng tỏa ra từ lòng đất nên đào sâu xuống xem thế nào thì phát hiện khối đá thô có vẻ đẹp kỳ lạ.
Sau đó, khi biết tiếng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Việt, họ đã đến xưởng và thông báo cho anh. Để có thể tiến hành khai quật khối đá thô, anh phải trả tiền cho những người phát hiện, cũng như làm đầy đủ các thủ tục pháp lý đúng pháp luật, rồi mới tiến hành đưa khối đá ngọc ra khỏi lòng đất.
Theo tục lệ địa phương, những người già làng đã thắp hương làm lễ khấn vái thần linh, tiếp theo những người thợ, bằng các biện pháp thủ công, và cần khoảng 30 người khỏe mạnh mới có thể lấy khối ngọc ra khỏi lòng đất. Từ đồi ngô xuống nơi xe tải phải mất 7 cây số, nên công đoạn này cũng rất gian nan, đương nhiên, chỉ có xe cẩu mới có thể hỗ trợ tốt giai đoạn này.
Đem khối đá ngọc về xưởng, anh đã cùng khoảng 10 nghệ nhân chế tác ngày đêm trong vòng hơn 2 tháng để loại bỏ tạp chất, sau đó bằng sự tỉ mẩn, khéo léo, khối đá ngọc mới nổi lên được những vân lượn sóng tự nhiên đẹp như hôm nay.
Được biết, khối đá ngọc này đã thuộc quyền sở hữu của anh trong khoảng 3 năm nay. Từ đó, xưởng chế tác luôn đông khách đến xem, có người hiếu kỳ còn nằm lên.
Anh Việt cho biết, mỗi khi mệt mỏi, anh lại ngả lưng trên khối đá ngọc. Anh tin rằng, khối đá ngọc có tuổi đời hàng triệu năm đã tích năng lượng đất trời, nên khi anh nằm trên đó, năng lượng từ khối đã nhả vào cơ thể giúp khoan khoái hơn.
Từ khi tìm được khối đá ngọc, anh tự hào nói rằng: Việt Nam chúng ta không thua kém các nước nào. Đất nước mình cũng có báu vật, cũng có những thắng cảnh đẹp tuyệt vời.
Lần này đem khối ngọc xuống Hà Nội, anh mong sao, một người có duyên khác như anh sẽ là chủ sở hữu mới. Khối đá có thể để nguyên như vậy làm sập, cũng có thể tạc tượng Phật, Bồ Tát, Chúa... theo ý thích chủ nhân. Anh Việt cũng mong sao, chủ nhân thực sự phải là người Việt Nam, chứ không phải người Trung Quốc, để bảo lưu báu vật cho dân tộc.
TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đá ngọc Serpentine ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở các tỉnh Yên Bái, Gia Lai, Đắk Lắk... mỗi tỉnh thì loại đá này lại cho ra màu khác nhau.
Đây là loại đá mà nhiều khi người ta vẫn bị nhầm lẫn với ngọc. Một số khoáng vật Serpentine có màu sắc xanh lá cây gần như trong suốt, đôi khi hơi ngà ngà vàng trông rất giống với ngọc. Nó là một khoáng vật biến chất thường được tìm thấy trong cùng một khu vực địa lý và các loại đá như ngọc. Tuy nhiên Serpentine nhẹ hơn ngọc và có tỷ trọng riêng thấp hơn nhiều so với ngọc.
Ở Việt Nam, loại đá này được khai thác nhiều ở Yên Bái, còn được gọi với cái tên mỹ miều là Ngọc Yên Bái và đôi khi, với những khối Ngọc khai thác được có phẩm cấp cao hơn một chút, được gọi với cái tên “Ngọc Phỉ Thúy Việt Nam”.
Theo Thegioidaquy: Serpentine là khoáng vật thứ sinh, do biến đổi của các khoáng vật Silicat giàu Magnesi, gặp cả trong đá magma và đá biến chất. Trong họ nhà ngọc, Ngọc Jadeite là loại ngọc có đẳng cấp nhất, sau đó là Ngọc Nephrite và Ngọc Serpentine - loại ngọc này dễ tìm và không quý bằng ngọc Jadeite). Và từ ngàn xưa, ngọc đã được mọi người ưa chuộng.
Tên gọi bắt nguồn từ tiếng La Tinh Serpens– có nghĩa là “Con rắn” chỉ ra màu sắc đặc trưng của viên đá. Serpentine có nguồn gốc từ Maryland và California, Arizona - Mỹ, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc. Serpentine hình thành sâu trong lòng đại dương, cách bề mặt nước biển khoảng 200 km.
Màu sắc của Ngọc Serpentine có thể là vàng phớt xanh lá cây hay xanh lục sẫm với những vết rất đặc trưng làm cho viên đá trông như da rắn, không trong suốt. Tuy nhiên biến thể sáng màu của nó là Ofit quý thì hơi trong, hơi cho ánh sáng mặt trời xuyên qua. Serpentine thường có cấu trúc dạng sơị hay phiến và vẻ ngoài trông giống Ngọc Nephrite.
Ở Châu Âu được dùng làm cối giã và đồ đựng thuốc. Vì vậy, loại khoáng vật này còn được biết đến với tên gọi là “Đá hiệu thuốc”. Các nhà thạch học trị liệu ngày nay cho rằng, Serpentine giúp điều trị chứng đau đầu, chứng ngủ lịm và làm xương mau liền.
Ở Mông Cổ Serpentine được coi là hộ phù chống rắn cắn và côn trùng đốt. Ở Châu Âu được dùng làm cối giã và đồ đựng thuốc. Serpentin là biểu tượng của chòm sao Thất Nữ và Thiên Ất trong cung hoàng đạo.
Ngọc Serpentin có tác dụng đến luân xa vùng tim: tác động đến hệ tim mạch, tế bào tuyến vú, cột sống và hai tay; Khơi gợi lòng nhân ái, giúp tạo ra sự cởi mở chân thành. Và tác dụng đến luân xa vùng đám rối dương: Ảnh hưởng tới gan, lá lách và các cơ quan khác của hệ tiêu hoá; chi phối cảm xúc và trí tưởng tượng.