Rẻ hơn, tốt hơn?
Du lịch nước ngoài vì lý do y tế không phải là một hiện tượng mới. Tuy nhiên gần đây, một dịch vụ du lịch y tế mới đã xuất hiện, đó là du lịch phẫu thuật thẩm mỹ. Đây được đánh giá là một thị trường phát triển nhanh chóng trong xã hội toàn cầu. Tại Úc, ngành kinh doanh làm đẹp đang bùng nổ mạnh mẽ. Ước tính của ngành công nghiệp này trị giá hàng tỷ USD mỗi năm.
Một nghiên cứu quốc tế lớn có tên Dự án Mặt trời, Biển, Cát, Silicone, ước tính rằng người Úc đang chi 300 triệu USD mỗi năm cho du lịch phẫu thuật thẩm mỹ, với ước tính khoảng 15.000 người Úc ra nước ngoài mỗi năm để đi dao kéo.
Tiến sĩ Meredith Jones từ Đại học Công nghệ Sydney - người đã thực hiện nghiên cứu – cho biết, hầu hết mọi người bị thu hút bởi giá thành rẻ ở nước ngoài nhưng các đại lý môi giới cũng cho hay họ phục vụ ngày càng nhiều người lựa chọn ra nước ngoài vì họ nghĩ rằng việc thẩm mỹ ở đó tốt hơn trong nước.
Ngay cả công ty bảo hiểm sức khỏe NIB của Úc cũng trở thành người chơi trên thị trường này khi cung cấp gói dịch vụ NIB Options. NIB Options không phải là một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mà là một dịch vụ thu phí, cung cấp “sự lựa chọn an toàn và đáng tin cậy cho người tiêu dùng muốn thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ và nha khoa lớn ở Úc hoặc nước ngoài”.
Người phát ngôn của NIB cho biết, NIB Options nhằm giúp người Úc đưa ra lựa chọn cho riêng mình từ một mạng lưới phẫu thuật xuất sắc không biên giới cũng như cung cấp sự đảm bảo an toàn cho họ. Tại Úc, dịch vụ này chỉ đề xuất các thành viên của Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Úc (ASPS) có ít nhất 12 năm kinh nghiệm về y tế và phẫu thuật.
Một nữ du học sinh Việt hỏng mũi do phẫu thuật nâng mũi tại Úc. |
Đối với các thủ thuật ở nước ngoài, họ chỉ chọn các bác sĩ phẫu thuật đã đăng ký và được chứng nhận với ít nhất 5 năm đào tạo sau đại học và 12 năm kinh nghiệm về y tế và phẫu thuật. NIB Options cũng đưa ra lời hứa hẹn hỗ trợ chăm sóc sau phẫu thuật có thời hạn 12 tháng.
Cả Trường Cao đẳng Phẫu thuật Thẩm mỹ Australasian (ACCS) và ASPS đều nói rằng du lịch thẩm mỹ thường tiến hành các thủ thuật phẫu thuật xâm lấn nhỏ hơn nhưng không nên xem nhẹ quyết định này. Tiến sĩ John Flynn - trưởng bộ phận kiểm duyệt của ACCS - nói: “Các thủ tục phẫu thuật và du lịch không nên xuất hiện cùng lúc. Phẫu thuật từng được cân nhắc rất kỹ và là một đề xuất nghiêm túc. Đó không phải là thứ bạn có thể thêm vào một kỳ nghỉ và cũng không phải là việc bạn làm đơn giản vì đây là cách rẻ nhất để đi”.
Ông Flynn cũng cho rằng cách hầu hết bệnh nhân được kết nối với bác sĩ phẫu thuật của họ thông qua một công ty du lịch lữ hành đang nhận hoa hồng cho việc giới thiệu cũng có vấn đề. “Việc có những bác sĩ phẫu thuật lành nghề là không phải nghi ngờ, vấn đề nằm ở chỗ bệnh nhân ở Úc không có cơ hội nghiên cứu những cái tốt ở nước ngoài. Bạn để sự lựa chọn đó cho một công ty du lịch”, ông nói.
Rủi ro cần chú ý
Phẫu thuật là một việc làm rủi ro bất kể nó được thực hiện ở đâu, nhưng các chuyên gia Úc cho biết có thêm rủi ro khi phẫu thuật ở các quốc gia nơi quy định có thể không nghiêm ngặt như ở Úc. “Kết quả có thể khiến bạn không hài lòng, hoặc gây ra nhiều đau đớn và đau khổ”, một chuyên gia cho hay.
Theo Tiến sĩ Anthony Kane - Chủ tịch ASPS, trong vài năm qua, Hiệp hội đã tiếp ngày càng nhiều bệnh nhân ngoại trú hoặc tại các khoa cấp cứu với các biến chứng thường liên quan đến cấy ghép ngực, nhiễm trùng không điển hình…, có trường hợp bị nặng như mất cả hai núm vú”, Tiến sĩ Anthony Kane - Chủ tịch ASPS - cho biết. Theo ông Kane, dù những biến chứng có thể liên quan đến bất kỳ cuộc phẫu thuật nào nhưng ông nhận thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân trong số đó trở về từ Đông Nam Á.
Theo ông Flynn, một trong những vấn đề lớn nhất của việc phẫu thuật ở nước ngoài là nếu biến chứng phát sinh sau khi trở về nhà thì người thích hợp nhất để điều trị vấn đề của bệnh nhân lại ở cách đó cả ngàn dặm. “Ngay cả khi đó có thể là cùng một loại biến chứng mà bạn có thể gặp phải ở Úc thì điều quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân và bác sĩ điều trị phải ở cùng một nơi”, ông nói.
Việc điều trị các biến chứng ở quê nhà hay chi phí đi lại nước ngoài để gặp bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ làm tăng thêm đáng kể chi phí vào số tiền mà khách hàng phải bỏ ra ban đầu, đặc biệt nếu bệnh nhân không thể tìm kiếm giải pháp pháp lý để được hỗ trợ về tài chính cho rắc rối mà họ gặp phải.
Các chuyên gia Úc cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khác của du lịch thẩm mỹ, bao gồm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong môi trường nhiệt đới, cấy ghép không trải qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt giống như Hiệp hội vật phẩm trị liệu ở Úc và tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sau phẫu thuật trong chuyến bay đường dài về nhà, có thể đe dọa tính mạng.
Thông thường ở Úc, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ không niêm yết giá trên trang web của họ, với lưu ý rằng chi phí sẽ khác nhau giữa các bệnh nhân và quy trình. Có nhiều chi phí liên quan đến phẫu thuật - không chỉ là phí phẫu thuật - như chi phí bệnh viện hoặc cơ sở phẫu thuật, phí gây mê, thuốc và xét nghiệm y tế.
Dù vậy nhưng ông Flynn khẳng định chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở Úc không thể rẻ bằng phẫu thuật ở Thái Lan hoặc một nơi nào đó tương tự. “Trong nhiều trường hợp, chi phí ở đó có thể chỉ bằng 1 nửa ở Úc”, ông cho hay. Còn theo bà Cassandra Italia – Giám đốc tổ chức chuyên hỗ trợ bệnh nhân quốc tế có tên Healthcare Hands - bệnh nhân có thể tiết kiệm từ 30 đến 70% chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài nếu so với phẫu thuật ở Úc, tùy thuộc vào bệnh viện và chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật. Ví dụ, nâng ngực ở Úc có thể tốn khoảng 10.000 USD trong khi ở Thái Lan, mức giá có thể là dưới 4.000 USD.
Tuy nhiên, cũng vẫn theo ông Flynn, trong nhiều trường hợp, người bệnh khi chọn làm phẫu thuật thẩm mỹ kết hợp du lịch ở Úc có khi phải chi trả cả những khoản chi phí phát sinh như chi phí tự trả cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, trợ lý và chi phí tại bệnh viện. Vì thế, nhiều trường hợp chi phí của việc ra nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ cũng không chênh lệch nhiều so với làm trong nước. “Thật ngạc nhiên là có khi bệnh nhân chỉ tiết kiệm được một số tiền nhỏ khoảng 20% để đánh đổi rủi ro đi kèm”, vị này cho biết.
Ở Anh, theo một cuộc khảo sát khách du lịch quốc tế hàng năm, mỗi năm có khoảng 100.000 công dân Anh ra nước ngoài để “điều trị y tế” và con số này dự kiến tăng khoảng 20% mỗi năm. Chi phí được xem là yếu tố thúc đẩy ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch nước ngoài của người dân.
Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Anh cũng cho rằng, khi một người chọn đi du lịch nước ngoài để phẫu thuật thẩm mỹ, một số sẽ gặp rủi ro. Những nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro gồm có phần lớn là do khách hàng khó kiểm tra các phòng khám/bệnh viện ở nước ngoài có uy tín không và có chấp hành đúng các quy định an toàn y tế hay không…
Kể cả cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, khái niệm về một “kỳ nghỉ phẫu thuật thẩm mỹ” vẫn rất nguy hiểm. Trong các dịp nghỉ lễ truyền thống, kỳ nghỉ kéo dài và các hoạt động sau phẫu thuật như nằm trên bãi biển, bơi lội, ngắm cảnh và uống rượu, có khả năng gặp rủi ro sau phẫu thuật lại không được cảnh báo. Cuối cùng, giả sử một cuộc phẫu thuật hoàn hảo, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) vẫn rất cao trong hành trình bay đường dài. Vì vậy, Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ, Tái tạo và Thẩm mỹ (BAPRAS) của Anh khuyến cáo mọi người không nên bay về nhà ngay sau khi phẫu thuật khi quyết định lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ du lịch.