Người xưa chết có được chôn cất theo thuật phong thuỷ hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong “Vũ trung tùy bút”, tác giả Phạm Đình Hổ cho rằng khi xưa, việc chôn cất người chết không có việc chọn đất cát, không xem phong thủy để đặt mộ; kể cả các bậc thánh nhân xưa cũng vậy... 
Đỉnh núi Mã Yên (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) là nơi có lăng mộ Đinh Tiên Hoàng.
Đỉnh núi Mã Yên (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) là nơi có lăng mộ Đinh Tiên Hoàng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chỉ là quan điểm thể hiện cái nhìn riêng của Phạm Đình Hổ, còn thực tế không hẳn vậy. Bởi vì người Việt ta quan niệm “sống vì mồ vì mả”, tức việc các nghi lễ tâm linh về xem địa thế đất cát để chôn cất, đặt mồ mả cha ông, tổ tiên vô cùng quan trọng chứ không thể không chọn đất cát, không xem phong thủy...

Kỳ bí việc chôn cất một số bậc đế vương

Lịch sử ghi nhận, trước thời điểm Phạm Đình Hổ sống gần một ngàn năm, việc chôn cất các bậc thánh nhân, đế vương đã được lựa chọn thế đất có phong thủy tốt cực kỳ kỹ lưỡng.

Theo sử sách, vào thế kỷ thứ 10, sau khi mất, lăng mộ Đinh Tiên Hoàng được chọn vùng đất phong thủy tốt để đặt trên đỉnh núi Mã Yên (đỉnh núi hình yên ngựa, thuộc xã Trường Yên, cố đô Hoa Lư). Người dân Hoa Lư (Ninh Bình) vẫn lưu truyền câu chuyện huyền bí có liên quan đến lăng mộ vua Đinh.

Tương truyền, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, triều đình đã làm 99 chiếc quan tài vua Đinh đưa vào chôn trong khắp vùng núi Hoa Lư. Còn quan tài có đặt long thể vua và con trai được quàn tại một hang lớn trong hoàng thành, có lính canh nghiêm mật (Hang này đời sau gọi là Hang Quàn, nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).

Tới ngày an táng vua, có 10 cỗ xe ngựa chạm rồng, bên trong đều chở quan tài, từ hoàng cung chạy đi 10 hướng nên không ai biết nơi chôn cất cha con vua Đinh ở đâu, chỉ Đinh Điền và Nguyễn Bặc biết rõ nhưng không lâu sau khi vua Đinh mất, hai ông đã dấy binh đánh Lê Hoàn vì sợ họ Lê cướp ngôi, nhưng thua trận đều bị giết cả.

Còn các toán quân đi mai táng, không thấy ai trở về; người ta kể rằng tất cả họ vì lòng tận trung đã cùng nhau tuẫn tiết để bảo toàn bí mật thiêng liêng ấy. Chính vì vậy, đâu mới là nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị Hoàng đế vĩ đại trong điệp trùng non nước Hoa Lư vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Đến thế kỷ 14, việc chôn cất Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng là một bí ẩn cho đời sau. Mặc dù không có giai thoại lưu truyền về 99 chiếc quan tài như vua Đinh nhưng đến nay câu hỏi lăng mộ thực của Trần Hưng Đạo ở đâu vẫn là một ẩn số.

Lăng mộ Trần Hưng Đạo ở Khu di tích đền Bảo Lộc (Nam Định).

Lăng mộ Trần Hưng Đạo ở Khu di tích đền Bảo Lộc (Nam Định).

Về cuộc đời huyền thoại của Trần Hưng Đạo, dân gian lưu truyền câu: “sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Nghĩa là Ngài sinh sống chủ yếu ở Kiếp Bạc (Hải Dương), mất (thác về, phần mộ) ở Trần Thương (Hà Nam), còn quê hương là ở Bảo Lộc (Nam Định).

Câu thành ngữ trên được coi là căn cứ chủ yếu cho những ý kiến ủng hộ giả thiết phần mộ Hưng Đạo Vương nằm ở Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) nơi có Khu di tích lịch sử đền Trần Thương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong đó có các nhà nghiên cứu cho rằng nói Trần Thương có phần mộ Trần Hưng Đạo thì khó thuyết phục bởi vì địa danh này không có sự liên quan mật thiết đến thân thế hay cuộc đời của Ngài.

Các ý kiến cho rằng, nếu theo quan niệm “lá rụng về cội” thì nơi được chọn để an táng Hưng Đạo Vương phải là ở Bảo Lộc (Nam Định). Hiện tại trong Khu di tích đền Bảo Lộc (TP Nam Định) có lăng mộ Đức Thánh Trần. Tuy vậy, câu hỏi phần mộ thực của Hưng Đạo Vương nằm ở đâu vẫn còn là một bí ẩn gây tranh luận gần một ngàn năm qua...

Tương truyền, khi tổ chức an táng Hưng Đạo Đại Vương đã có nhiều quan tài xuất phát từ Kiếp Bạc tỏa đi các hướng, ngay cả những người thực hiện an táng cũng không một ai biết xe tang nào chở quan tài chứa thi hài của Hưng Đạo Đại Vương.

Tưởng nhớ công lao của Ngài, vào dịp 20/8 âm lịch hàng năm khắp các ngôi đền thờ Đức Thánh Trần trên khắp Việt Nam đều tổ chức lễ hội, lễ giỗ để nhân dân thắp hương tri ân, tưởng nhớ Ngài. Suốt gần một ngàn năm qua, câu hỏi lăng mộ thực của Hưng Đạo Đại Vương ở đâu vẫn mãi là một bí ẩn.

Một góc nhìn khác trong “Vũ trung tùy bút”?

Trong “Vũ trung tuỳ bút”, Phạm Đình Hổ cho biết, vào thời gần với thời ông sống (đầu thế kỷ 19), con người mới mới mê hoặc về thuyết họa phúc, hoặc đem mồ táng ở tận nơi hang cùng núi hẻm, hoặc đem hài cốt táng ở nơi tha hương. Chính vì lẽ đó, mà có gia đình không tìm được mộ tổ tiên.

Chưa biết việc chôn cất đã hợp phong thuỷ hay không, nhưng việc đi tìm cuộc đất, thậm chí tìm ở nơi xa xôi sao cho tốt, ít nhất đã khiến con cháu không tiện chăm sóc mộ, lâu dần cũng không còn nhớ vị trí ở đâu, nếu như bia bị mất.

Phạm Đình Hổ cũng nói rằng, cổ nhân khi chôn mộ, có khắc đá để ở dưới mộ gọi là chí, dựng bia ở trước mộ gọi là biểu. Ông dẫn ra mấy ngôi mộ của những bậc danh tiếng xưa: “Khi xưa, mộ ông Nghiễm Bá Ngưu (học trò Khổng Tử - Pv) tự nhiên đất sụt xuống thành ao, còn lại cái miếu ở trước mộ. Người ta nhận lầm là miếu Ngưu Đại vương. Về sau, kẻ hiếu sự mò ở dưới ao tìm được mộ chí của ông Bá Ngưu, mới chữa được cái lầm ấy.

Mộ ông Tăng Tử, người đời sau cũng quên không biết ở chỗ nào; sau có bắt được cái bia đá viết lối chữ cổ ở trong núi Gia Thiện, từ đấy mới lại dựng bia làm dấu. Xem thế thì biết cổ nhân đều có làm mộ chí. Ông Khổng Tử tự tay viết sáu chữ “Ân Thái sư Tỷ Can mộ” dựng ở Muội Đô (theo chú thích, đây là Tôn thất nhà Ân, can gián Trụ Vương nên bị Trụ Vương giết chết, moi tim ra để xem. Đời sau tôn là thánh). Đến nay người đi qua mộ ấy vẫn tỏ lòng cung kính.

Ông Âu Dương Tu có vị tổ tiên dựng mộ biểu ở gò Lũng Cương, mộ biểu đã từng lở xuống nước sâu, sau tìm thấy ở Lư Lăng tám chữ “Tế chi phong bất như dưỡng chi bạc” (nghĩa là Lúc chết cúng tế hậu hĩ đến đâu cũng không bằng lúc sống mà phụng dưỡng đạm bạc – PV) khắc vẫn còn thấy đỏ chói rành rành”.

Thời xưa, theo Phạm Đình Hổ, kẻ hiếu tử khi chôn đấng thiên thì chỉ để về phía bắc bên làng xóm, chọn nơi nào cao ráo mà táng thể phách đấng thân cho yên. (Ảnh internet)Thời xưa, theo Phạm Đình Hổ, kẻ hiếu tử khi chôn đấng thiên thì chỉ để về phía bắc bên làng xóm, chọn nơi nào cao ráo mà táng thể phách đấng thân cho yên. (Ảnh internet)

Phạm Đình Hổ cũng kể lại câu chuyện, Hưng Đạo Vương khi xưa dặn con là Hưng Võ Vương đem hỏa táng rồi để xương vào cái đồ tròn, chôn giấu ở trong vườn An Lạc. Sự ấy còn chép ở trong Trần sử, vậy sao ở Thư Trì lại thấy có mộ chí Hưng Đạo Vương? Mấy năm gần đây, nước sông xói lở, cái mộ chí ấy lòi ra, người làng mới đem táng vào chỗ đồng cao.

Còn đời xa xưa hơn, từ đời Thành Chu (các triều đại Thương, Chu thời Tam đại bên Trung Quốc), theo Phạm Đình Hổ thì chưa có thói tìm địa lý để mộ. Kẻ hiếu tử khi chôn đấng thiên thì chỉ để về phía bắc bên làng xóm, chọn nơi nào cao ráo mà táng thể phách đấng thân cho yên. Nếu có xét hỏi đến việc bói toán khi để mộ, hoặc bói rùa, hoặc bói dịch, thì cũng chỉ mong về sau tránh những chỗ khỏi làm thành quách, khỏi làm đường sá, khỏi phải thủy hỏa đạo tắc xâm phạm đến mà thôi.

“Đấng Khổng Phu tử vốn là bậc thánh trời sinh, nhiều tài năng, vậy mà chôn thân phụ ở đường Ngũ Phủ, sau đem về hợp táng ở đất Phòng, chứ không có tìm đất gì cả. Chính mộ đức Khổng Phu tử ở Khổng Lâm, cũng không hề tìm đất trước để làm nơi sinh phần bao giờ. Nay xét sách Đồ chí khuyết lý, thấy một khu đất vài trăm dặm, núi sông rộng rãi, so với thuyết các nhà phong thủy bao nơi nọ là ngưu sa hà thủy, nơi kia là quần quỉ hồ long, đều không có quan hệ gì. Xem vậy thì thấy cổ nhân bốc táng không có cái thuật đi tìm địa lý”, Phạm Đình Hổ viết.

Như vậy, theo Phạm Đình Hổ, người đời xưa, kể cả bậc thánh nhân, khi chôn cất thì không chôn cất theo thuật phong thuỷ. Có không ít người ngày nay, và một số nơi vẫn quan niệm việc tìm địa lý tốt để chôn cất người chết sẽ tạo vận khí tốt cho người sống, và tạo sự yên ổn cho vong linh người mất, thì những quan điểm của Phạm Đình Hổ là một góc nhìn để chúng ta so sánh.

Đọc thêm