|
Những hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt về cái chết của các nghệ sĩ |
Đầu tiên phải kể đến cái chết của Đàm Vĩnh Hưng, sau một đêm người hâm mộ nhận được tin anh chết đột ngột vì mắc phải bệnh “khó chữa”. Thông tin đã khiến không ít người hoang mang và ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng của người bị tung tin nhảm.
Không chỉ người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng mà cả những ca sĩ trẻ cũng bị dính vào “bẫy chết” này của cư dân mạng. Sơn Tùng MT-P một sáng ngủ dậy đã rơi vào trạng thái “trên trời rơi xuống” khi tận mắt đọc thông tin mình… chết do tai nạn. Thậm chí đi kèm tin còn có ảnh minh họa như thật, ca sĩ đang nằm trên giường, mặt mũi bợt bạt.
Đã có rất nhiều nghệ sĩ cùng chung “cảnh ngộ” với Đàm Vĩnh Hưng và Sơn Tùng MT-P như danh hài Chí Trung, ca sĩ Phan Đình Tùng, MC Diễm Quỳnh. Tất cả đều là nạn nhân của trò đùa ác ý mang tên “đột ngột qua đời” này.
Ngoài ra, cũng đã từng có những thông tin sai sự thật, ác ý núp dưới các trang báo lạ hoắc được mạng xã hội truyền tin như: Ngọc Trinh mắc bệnh đường tình dục, Lại Văn Sâm bị siđa, Hoàng Lan bị HIV sau khi đóng phim, Xuân Mai bị tai biến mạch máu não...
Các nghệ sĩ sau đó cũng có những phản hồi lại để trấn an dư luận, cũng như cảnh cáo những tay mạng về trò câu view để quảng cáo như vậy là vi phạm pháp luật. Nhưng im ắng một thời gian rồi đâu lại vào đấy và không ít người đã bức xúc và lao đao với những kiểu tin đồn thất thiệt như thế. Công chúng, người hâm mộ cũng hoang mang không kém.
Cẩn trọng với thông tin trên mạng xã hội
Theo sự kiểm tra của người viết, những trường hợp tung tin nghệ sĩ chết, nghệ sĩ bị bệnh nan y kể trên chính là thủ thuật “sửa tittle” của các bài báo được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngoài trường hợp “làm vậy cho vui” thì những tác giả của trò đùa ác ý như vậy là nhằm đạt mục đích sẽ có nhiều người ấn vào link, để từ đó trục lợi quảng cáo, thậm chí là để xâm nhập vào tài khoản cá nhân của nhiều người.
Chính vì vậy, tham gia mạng xã hội, trước những nội dung thông tin mang tính “gây sốc” như vậy, mỗi người cần phải tỉnh táo hơn, tránh vì tò mò mà tiếp tay cho những kẻ kiếm tiền bằng cách phi đạo đức như vậy.
Và với mỗi một mẩu tin gây sốc, được lan truyền bởi một đường link lạ, nguồn gốc không rõ ràng, bạn đọc mạng cần phải nhận diện ngay rằng đó là những kẻ trục lợi, muốn tung tin đồn nhảm gây sốc để kiếm view. Nếu một sự việc có thực, báo chí chính thống đã phản ánh ngay, hoặc ít ra trên các diễn đàn, trên trang facebook chính của “nạn nhân” đã ít nhiều phản ánh sự việc và cách phản ánh của họ cũng khác hẳn với trò giật tít, câu view kiểu rẻ tiền như vậy.
Pháp luật Việt Nam có luật định cho những hành vi tung tin đồn thất thiệt bôi xấu người khác. Cụ thể, Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Điều 226 Bộ luật Hình sự “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” quy định người xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Như vậy, luật đã có đủ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiêm trị kiểu đùa ác ý, thiếu đạo đức này. Và bản thân những người đã và đang có sai phạm cũng cần phải nắm rõ hành động tung tin đồn sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để kịp thời chấm dứt.