Thông tin tuyệt mật có thể bị rò rỉ
Chiếc Il-80 bị trộm đột nhập có số hiệu RA-86149 ở đuôi, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/1985. Hầu hết thông tin về mẫu máy bay này đều bị xếp vào hàng tuyệt mật. Những máy bay này hiếm khi xuất hiện trước công chúng và chỉ xuất hiện một lần tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng của Nga ngày 9/5/2010.
Hôm 4/12 vừa qua, đại diện Tổng cục Giao thông vận tải thuộc Bộ Nội vụ Nga đã xác nhận vụ đột nhập. Người đứng đầu dịch vụ an ninh của nhà máy Kỹ thuật Khoa học hàng không Taganrog Beriev đã trình báo vụ việc với cảnh sát. Người này cho hay trong lúc kiểm tra chiếc Il-80, các quan chức nhà máy phát hiện cửa khoang hàng của máy bay bị mở. Qua kiểm tra thấy 39 thiết bị vô tuyến và 5 bảng mạch trên máy bay đã biến mất.
“Vào thời điểm máy bay được tiếp nhận, tất cả thiết bị trên khoang máy bay đều được đặt đúng vị trí. Sau khi hoàn thành công việc, lối vào chính, cửa khoang hàng hóa, ba lối thoát dự phòng đều bị niêm phong”, một nguồn tin cho biết.
Những kẻ trộm đã đột nhập và mở cửa khoang hàng của máy bay. Cảnh sát đã tìm thấy dấu vân tay và dấu giày của kẻ trộm. Hãng tin Interfax dẫn lời nguồn tin riêng cho biết chiếc Il-80 trải qua đợt bảo trì thông thường từ đầu năm 2019.
Máy bay “ngày tận thế” của Mỹ. |
Theo nhận định của nhà quan sát quân sự Mikhail Khodarenok, việc đánh cắp thiết bị từ máy bay Il-80 có thể dẫn tới việc rò rỉ những thông tin tuyệt mật và tối mật.
“Theo giả thuyết, có thể tìm thấy các chi tiết kỹ thuật về việc các lệnh được truyền tới lực lượng vũ trang như thế nào trong trường hợp nổ ra xung đột”, chuyên gia Khodarenok nói. Tuy nhiên, trong quá trình bảo trì, những bộ phận quan trọng nhất cho nhiệm vụ tác chiến hạt nhân của máy bay này có thể đã được tháo ra và chuyển đến nơi an toàn từ trước.
Điện Kremlin cho biết an ninh đang được tăng cường tại khu vực và vụ việc đang được điều tra. Hiện có rất ít chi tiết về máy bay này vì Il-80 và những thông tin liên quan tới máy bay này được xếp vào tài liệu bí mật nhà nước.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin mô tả vụ đột nhập là “tình huống khẩn cấp”. Ông nói: “Tất nhiên sẽ có một cuộc điều tra và các biện pháp sẽ được thực hiện để chuyện này không lặp lại lần nữa”. Ông Peskov không nõi rõ ai chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo an ninh của máy bay.
Dòng máy bay bí ẩn
Biệt danh “máy bay ngày tận thế” được đặt cho các trung tâm chỉ huy và kiểm soát trên không ở Mỹ. Ở Nga, các máy bay này được gọi là “Sở Chỉ huy trên không”. Trên thế giới hiện nay chỉ có Mỹ và Nga được trang bị các máy bay đặc biệt “ngày tận thế”.
Các máy bay này đóng vai trò là sở chỉ huy chiến lược trên không dành cho lãnh đạo cao nhất của đất nước và các lực lượng vũ trang trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, khi các sở chỉ huy trên mặt đất bị phá hủy. Các thông tin cho biết, lực lượng vũ trang Nga hiện có 4 máy bay như vậy trong biên chế. Thông tin chi tiết của các máy bay này được xếp vào loại bí mật nhà nước.
Các máy bay phản lực nổi tiếng nhất của lớp này là máy bay E-4B do Mỹ sản xuất dựa trên mẫu máy bay Boeing 747 và máy bay Il-80 của Nga được sản xuất dựa trên máy bay chở khách Il-86. Những thiết bị được trang bị trên các máy bay này đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, bản thân chiếc máy bay lại khá dễ để nhận biết.
Theo các nguồn tin, Mỹ hiện sở hữu 4 máy bay Boeing E-4B Nightwatch. Đây là phiên bản sửa đổi của máy bay Boeing-747 - mẫu máy bay đã bước vào độ tuổi trung niên nhưng đã chứng minh được hiệu quả hoạt động với phạm vi bay được đánh giá là tuyệt vời và sức chứa lớn nhờ thiết kế thân rộng. Ngoài ra, mẫu máy bay Boeing-747 sử dụng 4 động cơ, giúp nó có độ tin cậy và khả năng sống sót cao hơn.
Chiếc máy bay Ngày tận thế đầu tiên đã được đưa vào biên chế quân đội Mỹ vào giữa những năm 1970. Mẫu máy bay Boeing E-4B được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không khiến chuyến bay của máy bay này có thể kéo dài cả một tuần.
Chạy đua trên không
Liên Xô cũng đi theo con đường tương tự. Sở chỉ huy trên không của nước này đã được tạo ra vào những năm 1980 trên cơ sở máy bay thân rộng đầu tiên của Liên Xô là Il-86. Những máy bay được cải biến thành Sở chỉ huy trên không được đặt cho mã riêng là IL-80. Sau khi Liên Xô tan rã, toàn bộ 4 chiếc IL-80 thuộc sở hữu của Nga. Vào giữa những năm 2010, các máy bay này đã được trang bị lại.
Theo các chuyên gia, máy bay ngày tận thế của Nga không thua kém gì so với máy bay cùng lớp của Mỹ về hầu hết các tính năng kỹ thuật. Song, máy bay của Nga có tầm bay liên tục ít hơn so với máy bay của Mỹ. Những chiếc máy bay IL-80 của Nga không bay thường xuyên mà chỉ thực hiện những chuyến bay để kiểm tra các hệ thống của nó.
Vài năm trước, máy bay IL-80 đã được giới thiệu với công chúng khi bay cùng các máy bay chiến đấu trên Quảng trường Đỏ khi Không quân Nga phô diễn sức mạnh trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng 9/5. Nhiều người nhận định, hình dáng của máy bay này không khác gì chiếc Il-86 dân dụng, ngoại trừ một số chi tiết như chiếc IL-80 không có cửa sổ trên thân máy bay mà thay bằng một “cái bướu” nhỏ ở phía trên.
Dù tối tân đến đâu, tốt đến đâu thì tất cả các máy bay sẽ đều trở nên lỗi thời và cuối cùng là hết hạn sử dụng. Trong bối cảnh đó, đại diện ngành công nghiệp chế tạo máy bay Nga cho hay, Nga sẽ đổi mới các sở chỉ huy trên không của họ, thay đổi nền tảng của những máy bay này. Thông báo này được đưa ra sau khi Nga đã nối lại hoạt động sản xuất máy bay tầm xa 4 động cơ Il-96-400M. Khác với mẫu máy bay Il-96 trước đó, máy bay Il-96-400M có hệ thống điện tử hiện đại nhất, buồng lái bằng kính kỹ thuật số, 4 động cơ PS-90A1 tiết kiệm nhiên liệu và mạnh hơn.
Nhờ việc sử dụng các vật liệu hiện đại, trọng lượng của máy bay đã giảm. Nhà sản xuất tuyên bố, tuổi thọ của lớp máy bay này là 20 năm hoặc 60.000 giờ bay. Đó là còn chưa kể chiếc Il-96-400M trong tương lai gần có thể sẽ được trang bị loại động cơ mới tiết kiệm nhiên liệu hơn và gần như không gây tiếng ồn của Nga. Trong trường hợp này, máy bay sẽ có khả năng bay xa hơn nữa.
Theo Tiến sỹ khoa học quân sự, Đại tá Nga Makar Aksyonenko – một chuyên gia về hàng không quân sự, phiên bản sửa đổi mới nhất của máy bay chở hàng Il-76 hay Il-96-400M là phương án thích hợp để làm nền tảng cho dự án máy bay sở chỉ huy trên không độc quyền của Nga. “Một trong những yêu cầu chính đối với sở chỉ huy trên không là thời gian làm nhiệm vụ trên không đủ dài. Máy bay tầm xa Il-96 có thời gian bay liên tục dài gần gấp đôi so với máy bay tầm trung Il-86. Do đó, việc lựa chọn Il-96 được hiện đại hóa sâu sắc làm nền tảng cho dự án có vẻ khá hợp lý”, ông nói.
Các chuyên gia của Nga cho rằng, trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, việc sở hữu các máy bay ngày tận thế là điều cần thiết. Những máy bay này sẽ luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các phi vụ để duy trì khả năng bay.