Nguyễn Mười “đồ cổ“: Cơ cực vì cơ quan chức năng “chuyền bóng” trách nhiệm

(PLO) - Sau 10 năm vụ án được đình chỉ, ông Nguyễn Mười được đình chỉ điều tra bị can nhưng hành trình đòi lại hơn 1.500 cổ vật của đại gia đồ cổ xứ Quảng Đà gặp rất nhiều khó khăn bởi các cơ quan liên quan “chuyền bóng” trách nhiệm…
Đã gần 10 năm, không biết khi nào ông Nguyễn Mười mới đòi lại được tài sản của mình
Vi phạm hành chính
Nói về hành vi của mình, ông Nguyễn Mười cho biết: “Nếu hành vi sưu tầm, thu gom cổ vật của tôi là vi phạm thì theo pháp luật hành chính cũng đã hết thời hiệu xử phạt, số cổ vật trên tôi mua từ năm 1997, đến thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt là 12 năm; nếu tính từ ngày VKSND tỉnh Quảng Nam ra quyết định đình chỉ có hiệu lực pháp luật đến nay đã hơn 8 năm mà vẫn không giải quyết được. Còn nói như cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam rằng số cổ vật trên là do tôi tự nguyện giao nộp cho Công an thì Công an tỉnh Quảng Nam phải có trách nhiệm đề nghị các ban, ngành, các cấp khen thưởng tôi về mặt tinh thần, trích phần trăm giá trị cổ vật cho người phát hiện, giao nộp theo quy định của pháp luật, chứ sao Công an tỉnh Quảng Nam lại hết đề nghị VKS cùng cấp truy tố hình sự lại đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt hành chính tôi? Còn nói khắc phục hậu quả thì hành vi của tôi không gây ra hậu quả mà trên thực tế tôi chẳng gây ra hậu quả nào cả, do vậy đã không gây ra hậu quả thì không thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được”.
Liên quan đến vụ việc này, ngoài việc chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Quảng Nam xử lý vì cho rằng có dấu hiệu hình sự, ngày 21/9/2011 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 3421/UBND-NC gửi VKSNDTC kiến nghị xử lý vật chứng liên quan đến 1.457 cổ vật thu giữ tại nhà ông Nguyễn Mười. 
Ngày 5/10/2011, VKSNDTC đã có Công văn số 3059/VKSTC-V1 khẳng định hành vi mua, vận chuyển, tàng trữ 1.457 cổ vật này đã được xác định không còn là tội phạm… Do vậy, quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định đình chỉ vụ án hình sự số 01/KSĐT ngày 27/11/2008 của VKSND tỉnh Quảng Nam là phù hợp, VKSNDTC thấy không cần xem xét lại tính pháp lý của Quyết định này.
“Chuyền bóng” trách nhiệm
Nói về trách nhiệm trong việc trả lại tài sản đang bị tạm giữ cho ông Mười, VKSND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hồ sơ và vật chứng vụ án trước đây và cho đến nay đang được Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam quản lý. Do vậy, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 1.457 cổ vật còn lại thuộc thẩm quyền của cơ quan này. 
“Khi đình chỉ vụ án, Viện không có quyền xử phạt hành chính nên bàn giao toàn bộ cho cơ quan điều tra để chuyển cho UBND cấp tỉnh xử phạt theo thẩm quyền. Đến nay, VKS không còn trách nhiệm trong việc xử lý 1.457 cổ vật đựng trong 27 thùng các-tông của ông Nguyễn Mười” - Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dũng mới đây trả lời báo chí cho biết. 
Cũng nói về trách nhiệm, Trưởng phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam - Thượng tá Dương Tấn Bộ cho biết, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi cơ quan điều tra có kết luận, chuyển hồ sơ vụ án sang VKS đề nghị truy tố, kể từ thời gian trên, mọi xử lý về vụ án thuộc thẩm quyền của VKSND tỉnh Quảng Nam. Sau khi ra quyết định đình chỉ vụ án, việc xử lý vật chứng (kể cả việc chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đề nghị xử lý vi phạm hành chính) thuộc thẩm quyền của VKS. Như vậy, việc xử lý vật chứng từ khi đình chỉ cho đến hiện nay đều thuộc trách nhiệm của VKS.
Về phần mình, ông Nguyễn Mười bức xúc: “Hơn 10 năm qua, tôi đã viết hàng trăm lá đơn khiếu nại, kêu cứu gửi đến các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương xin giải quyết dứt điểm, trả lại tài sản nhưng cơ quan này đùn đẩy sang cơ quan kia, chẳng biết bao giờ mới giải quyết xong. Hiện tại tôi không biết vụ việc của tôi thuộc chức năng, trách nhiệm của cá nhân nào, ngành nào, cơ quan nào giải quyết trả lại tài sản cho, mà bản thân tôi cùng gia đình vẫn cứ phải chờ đợi trong mòn mỏi”.
Vụ án xảy ra đã 10 năm và hành vi của công dân được xác định rõ không còn là tội phạm nữa, nhưng việc đòi lại tài sản bị thu giữ lại trở nên khó khăn vô cùng bởi sự lúng túng của cơ quan chức năng. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho đương sự mà còn gây mất niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Đọc thêm