Phải chăng Newton bị nhiễm độc thủy ngân?
Sau khi “Nguyên lý số học của triết học tự nhiên” của Newton ra đời, ông lại bắt tay nghiên cứu quang học. Năm 30 tuổi, râu tóc Newton đều đã bạc trắng. Có lẽ, do ông hoạt động não quá mức khiến hệ thống thần kinh thực vật rối loạn, cuối cùng dẫn đến chứng thần kinh thất thường. Có người lại cho rằng, chứng thần kinh thất thường của Newton là do bị kích thích mạnh của hoàn cảnh bên ngoài.
Năm 18 tuổi, Newton đã vào học đại học Cambridge và nhanh chóng bộc lộ tài năng trong giới khoa học. Năm 1677, thầy giáo Barrow thân thiết và trợ lý hội khoa học Hoàng gia Bager lần lượt qua đời. Điều này đã làm cho Newton vô cùng đau buồn, khiến cho ông phải ngừng công tác nghiên cứu khoa học trong suốt một thời gian dài. Năm 1689, ông được bầu làm nghị sĩ Quốc hội Anh.
Sau khi đến London, Newton không còn thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học nữa. Các cuộc giao tiếp xã hội làm ông lâm vào tình trạng túng thiếu, cùng quẫn vì không được nghiên cứu khoa học. Sau này, Newton đành buồn bã trở về Cambridge. Từ năm 1691 đến năm 1692, có hai việc xảy ra gây ảnh hưởng vô cùng bất lợi đối với tinh thần của Newton. Trước hết, đó là việc mẹ của ông qua đời. Điều này khiến cho Newton rầu rĩ trong một thời gian khá dài.
Ngay sau đó, các bản thảo nổi tiếng của ông bị cháy. Nguyên do là, vào một buổi sáng sau đám tang của mẹ, Newton trở về đại học Cambridge, khi từ nhà thờ trở về, Newton phát hiện bản thảo Quang học và Hóa học cùng một số bài viết để trên bàn đã bị ngọn nến cháy tàn đốt thành tro bụi. “Quang học” là tác phẩm quan trọng thứ hai sau cuốn “Những nguyên lý số học của triết học tự nhiên”.
Trong khi đó, “Hóa học” là kết quả của 20 năm cần cù nghiên cứu, có thể coi là tác phẩm khoa học lớn. Newton vô cùng tiếc nuối bởi những phát hiện rất thú vị của ông bỗng nhiên bị mất. Sau đó, Newton đã phải mất một tháng không làm việc. Ông không thể chỉnh lý lại bản thảo “Quang học”, còn “Hóa học”, ông đã không còn sức lực làm lại được nữa. Còn có một giả thuyết khác, đó là việc Newton bị chứng tinh thần thất thường do bị trúng độc thủy ngân. Hai học giả chuyên nghiên cứu cuộc đời của Newton đã dùng phương pháp kiểm tra tiên tiến đối với 4 sợi tóc để lại của Newton.
Hai người này đã phát hiện, nồng độ nguyên tố vi lượng có độc trong tóc của ông gấp mấy lần người bình thường, đặc biệt hàm lượng thủy ngân cao đến mức đáng sợ. Nhiều học giả từ đó suy đoán, do ở trong phòng thí nghiệm lâu dài, thường xuyên tiếp xúc với khí kim loại có độc, đặc biệt là thủy ngân đã dẫn đến chứng bệnh tinh thần thất thường của Newton.
Giả thuyết này không thuyết phục lắm, bởi trong cả cuộc đời của Newton chỉ có khoảng thời gian 50-51 tuổi, đây là giai đoạn ông mắc chứng thần kinh thất thường, còn lại tinh thần đều ổn định. Nguyên nhân tinh thần thất thường do hàm lượng thủy ngân cao ở tóc lúc 85 tuổi (năm ông mất-PV) của Newton không mấy thuyết phục. Nếu 4 sợi tóc này được lấy từ lúc ông 51 tuổi, giả thuyết sẽ có tính thuyết phục cao hơn. Biểu hiện lâm sàng trúng độc thủy ngân y học hiện nay cho biết sẽ xảy ra hiện tượng: Ngón tay run, răng rụng, tứ chi bại hoại. Nhưng Newton chưa bao giờ có triệu chứng này. Đến nay, nguyên nhân gây ra chứng thần kinh thất thường của Newton vẫn chưa tìm ra lời giải thích hợp lý.
Cuộc tranh giành giữa Newton và Leibniz
Trong lịch sử khoa học thường xảy ra kết luận trùng lặp về kết quả giữa nhiều nhà khoa học cùng nghiên cứu một vấn đề. Ai cũng nhận mình là người đầu tiên phát minh ra, còn đối phương đã sao chép và thay đổi một số thuật ngữ khoa học.
Thế kỷ XVII, giai đoạn “thế kỷ của thiên tài”, cuộc tranh giành sở hữu trí tuệ giữa các nhà bác học đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Năm 1687, Newton xuất bản cuốn “Nguyên lý triết học tự nhiên”, ông cũng thừa nhận Leibniz (1646-1716), nhà Toán học, Vật lý người Đức cũng tìm ra toán vi tích phân như mình, duy chỉ có phần ký hiệu và thuật ngữ có khác. Tạp chí “Các công trình” có đăng một bài báo nói rằng chính Leibniz là người đầu tiên phát minh ra toán vi tích phân và Newton đã sử dụng công trinh của ông ta với tên gọi là “Flowing” (dòng chảy).
Điều này khiến giới khoa học châu Âu khi đó dậy sóng xung quanh tranh luận, ai mới là chủ nhân đích thực của phát kiến trên. Năm 1708, John Keller (1671-1721) ở đại học Oxford đã viết trên “Tạp chí Triết học” của Hội khoa học Hoàng gia Anh. Trong đó có đoạn: “Sở dĩ Leibniz có một số ý kiến về toán vi tích phân, bởi đã được đọc một số bản thảo của Newton về vấn đề này”. Ngay lập tức, Leibniz đã khiếu nại.
Năm 1712, một ủy ban điều tra mới thành lập. Trong ủy ban có một người bạn của Newton là Halley. Cuối cùng, bản kết luận của ủy ban điều tra đã khẳng định phần thắng thuộc về Newton. Điều đó có nghĩa là phát hiện về vi tích phân chính là của Newton. Đến nay, theo quan điểm của các nhà toán học hiện đại, Newton và Leibniz đồng tác giả của công trình toán vi tích phân.
Nhà toán học Pháp, giáo sư G. Hadama đến dự lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Newton năm 1946 đã phát biểu: “Chúng ta hãy ghi nhận rằng, sự sáng tạo của Newton là một việc, còn sự sáng tạo của Leibniz là một việc khác. Trong những khám phá vĩ đại của mình, Leibniz không hề chịu ảnh hưởng của Newton."