Nhà khoa học mang trái tim thiên sứ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở tuổi 40, Jonas Salk trở thành nhà khoa học được yêu mến nhất nước Mỹ. Ông đã không lấy bằng sáng chế độc quyền cho vaccine  bại liệt của mình mà cung cấp công thức điều chế miễn phí. Dù bỏ lỡ cơ hội kiếm 7 tỷ USD nhưng đổi lại Jonas Salk đã cứu hàng triệu người thoát chết hoặc ngồi xe lăn.
Bác sĩ Jonas Salk tiêm vaccine bại liệt thử nghiệm cho một bé gái vào năm 1954. (Ảnh: Getty Images).
Bác sĩ Jonas Salk tiêm vaccine bại liệt thử nghiệm cho một bé gái vào năm 1954. (Ảnh: Getty Images).

Căn bệnh khiến cả nước Mỹ khiếp sợ

Vào đầu những năm 1950, nước Mỹ phải đối mặt với căn bệnh bại liệt với tỷ lệ tử vong chỉ đứng sau nỗi sợ về sự chết chóc do vũ khí hạt nhân gây ra. Năm 1952, bệnh bại liệt bùng phát tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với gần 58.000 ca nhiễm được báo cáo vào năm đó, 3.145 người chết và 21.269 người sống sót với di chứng bại liệt. Phần lớn nạn nhân là trẻ em và thanh thiếu niên.

Vào thời điểm đó, một số căn bệnh truyền nhiễm chết người như bệnh lao, viêm phổi... đã được kiểm soát nhờ thuốc kháng sinh thì căn bệnh bại liệt hoàn toàn không thể ngăn chặn.

Thời điểm đó, nhiều y tế đến hiện tại vẫn còn ám ảnh bởi tình trạng quá tải của các bệnh viện khi có quá nhiều người bị mắc virus bại liệt. Tại Bệnh viện Thành phố Pittsburgh, nơi bác sĩ Salk có phòng thí nghiệm nghiên cứu, những chiếc xe cấp cứu xếp hàng chờ bên ngoài khi có tới 17 ca bại liệt nhập viện mới hàng ngày. Các bác sĩ chỉ được tranh thủ chợp mắt chút ít trong khi chiến đấu với dịch bệnh và các y tá thì hầu như không thể về nhà.

Hàng loạt bệnh nhân bại liệt phải nằm trong những chiếc máy "phổi sắt".Hàng loạt bệnh nhân bại liệt phải nằm trong những chiếc máy "phổi sắt".

Một y tá làm việc tại bệnh viện khi đó kể lại: “Để rời khỏi bệnh viện, bạn phải đi qua một số phòng bệnh và nghe thấy tiếng một đứa trẻ khóc lóc đòi ai đó đọc thư cho mình, xin uống nước hoặc thắc mắc tại sao bé không thể cử động. Bạn sẽ không đủ tàn nhẫn để lướt qua. Đó là một bầu không khí đau buồn, kinh hoàng và bất lực”.

Đáng buồn rằng, 323/391 bệnh nhân được đưa tới bệnh viện này vào năm 1953 đã bị liệt, gần như tất cả đều là trẻ em. Trong cuốn sách “Polio: An American Story” (Bệnh bại liệt: câu chuyện của nước Mỹ - năm 2005) trích dẫn cuộc phỏng vấn với Peter, con trai cả của bác sĩ Jonas Salk, kể về cha mình: “Ông tới khu điều trị bại liệt. Mọi người đến gần ông nói trong nước mắt. ‘Làm ơn, bác sĩ Salk, làm ơn cứu con chúng tôi’. Có một nỗi buồn không bao giờ rời khỏi tâm trí ông ấy”.

Số ít trong hàng nghìn bệnh nhân bại liệt có thể tự hồi phục hoàn toàn. Những người may mắn sống sót khác cũng chỉ hồi phục được khả năng sử dụng một phần các chi bị tổn thương và phải sống dựa vào nạng và nẹp chân suốt quãng đời còn lại. Nặng nhất là các bệnh nhân bị virus tấn công vào khu vực hành tủy não, nơi điều khiển hoạt động hô hấp và nhai nuốt. Thường nạn nhân sẽ tử vong sau thời gian ngắn. Những ai còn sống sót được gọi là những người bị “phổi sắt”, bởi họ sẽ phải nằm im trong những chiếc phổi máy to lớn. Dù còn thở nhưng họ lại phải sống trong những “cỗ quan tài” cả cuộc đời.

Vì lẽ đó, vaccine của Jonas Salk được ví như luồng ánh sáng trong đêm đen, còn ông được ca ngợi là thiên tài y học, được ví như vị thánh ban phép lạ cứu vớt những đứa trẻ đáng thương.

Một bé gái bị di chứng của bệnh bại liệt. (Ảnh: AP)Một bé gái bị di chứng của bệnh bại liệt. (Ảnh: AP)

Vị cứu tinh

Jonas Salk được sinh ra tại thành phố New York vào ngày 28/10/1914. Cha mẹ ông, ông là người Do Thái nhập cư từ Ba Lan, vốn không được học hành đầy đủ. Theo sử gia David Oshinky, Salk sinh trưởng trong nền “văn hóa Do Thái nhập cư” của New York.

Năm 13 tuổi, Salk vào trường trung học Townsend Harris, một trường công lập dành cho những học sinh có năng khiếu về trí tuệ. Sau khi hoàn thành trung học chỉ trong ba năm, Salk theo học trường Cao đẳng Thành phố New York, lấy bằng Cử nhân Khoa học về hóa học vào năm 1934.

Sau khi lấy bằng MD tại Đại học New York vào năm 1939, Salk đã phục vụ y tế hai năm. thực tập tại bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York. Kết quả của những nỗ lực của mình tại Mount Sinai, Salk đã được trao học bổng cho Đại học Michigan, nơi anh học cùng với nhà dịch tễ học nổi tiếng Tiến sĩ Thomas Francis Jr., trong nỗ lực phát triển một loại vaccine phòng vius cúm.

Năm 1947, Salk được bổ nhiệm là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Virus của Đại học Pittsburgh, nơi ông bắt đầu nghiên cứu lịch sử của mình về bệnh bại liệt. Năm 1948, với sự tài trợ bổ sung từ Quỹ Quốc gia về Bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Salk đã mở rộng phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu của mình.

Đến năm 1951, Salk đã xác định được 3 chủng virus bại liệt riêng biệt và đã phát triển một loại vaccine mà ông tin rằng sẽ ngăn ngừa được căn bệnh này. Được gọi là “virus đã bị tiêu diệt”, vaccine này sử dụng virus bại liệt sống được nuôi trong phòng thí nghiệm đã được tạo ra về mặt hóa học không có khả năng sinh sản.

Khi đã đi vào máu của bệnh nhân, virus bại liệt lành tính của vaccine đã đánh lừa hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại bệnh tật mà không có nguy cơ để bệnh nhân khỏe mạnh tiếp xúc với virus bại liệt sống. Việc sử dụng “virus đã bị tiêu diệt” của Salk đã bị hầu hết các nhà vi rút học thời đó phản đối, đặc biệt là Tiến sĩ Albert Sabin, người tin rằng chỉ có virus sống mới có hiệu quả trong vaccine.

Jonas Salk tại phòng thí nghiệm của ông ở Pittsburg vào ngày 7/10/1954. (Ảnh: AP).

Jonas Salk tại phòng thí nghiệm của ông ở Pittsburg vào ngày 7/10/1954. (Ảnh: AP).

Sau khi thử nghiệm sơ bộ trên động vật thí nghiệm thành công, Salk bắt đầu thử nghiệm vaccine bại liệt của mình trên trẻ em vào ngày 2/7/1952. Trong một trong những thử nghiệm y tế lớn nhất trong lịch sử, gần 2 triệu trẻ đã được tiêm vaccine này. Năm 1953, Salk thử nghiệm loại vaccine vẫn còn đang thử nghiệm trên chính mình và vợ và các con trai của ông.

Ngày 12/4/1955, vaccine bại liệt Salk được công bố là an toàn và hiệu quả. Giới truyền thông khi đó đã đưa những bài viết với tiêu đề nổi bật như “Bệnh bại liệt đã được chế ngự!”. Hàng loạt các lễ ăn mừng đã nổ ra trên toàn nước Mỹ. Bất ngờ trở thành anh hùng dân tộc, người đàn ông 40 tuổi Salk đã được Tổng thống Dwight D.Eisenhower trao bằng khen đặc biệt trong một buổi lễ ở Nhà Trắng. Eisenhower rơi nước mắt nói với nhà nghiên cứu trẻ tuổi: “Tôi không có lời nào để cảm ơn. Tôi đang rất rất hạnh phúc!”.

Thuốc chủng ngừa Salk có tác động tích cực ngay lập tức. Năm 1952, Trường Cao đẳng Y sĩ Philadelphia đã báo cáo hơn 57.000 trường hợp mắc bệnh bại liệt ở Mỹ. Đến năm 1962, con số đó đã giảm xuống còn dưới 1.000 người. Vaccine của Salk sẽ sớm được thay thế bằng vaccine virus sống của Albert Sabin vì sản xuất ít tốn kém hơn và có thể được dùng bằng đường uống thay vì tiêm.

Vào ngày vaccine của ông được tuyên bố là “an toàn, hiệu quả và mạnh mẽ”, Salk đã được phỏng vấn bởi người dẫn chương trình truyền hình huyền thoại Edward R.Murrow. Khi được hỏi ai là người sở hữu bằng sáng chế, Salk trả lời: “Tôi sẽ trả lời là mọi người” khi người dẫn chương trình nhắc đến số tiền hàng triệu đô-la dành cho nghiên cứu và thử nghiệm do chiến dịch March of Dimes quyên góp. Ông nói thêm: “Không có bằng sáng chế. Bạn có thể cấp bằng sáng chế cho mặt trời không?”.

Đọc thêm