Nhà khoa học thiên tài góp phần xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Marie Curie là người phụ nữ đầu và duy nhất vinh dự giành được 2 giải Nobel trong hai lĩnh vực Vật lý và Hóa học. Bà đã dành cả cuộc đời cho niềm đam mê cống hiến theo đuổi con đường khoa học.
Marie Curie đã khẳng định phụ nữ có thể trở thành một nhà khoa học tài ba.
Marie Curie đã khẳng định phụ nữ có thể trở thành một nhà khoa học tài ba.

Những phát minh từ việc tìm ra chất phóng xạ của bà đã cứu sống nhiều người nhưng đồng thời cũng cướp đi mạng sống của người phụ nữ kiệt xuất, luôn nghĩ cho cộng đồng.

Người mở ra cánh cửa khoa học cho mọi phụ nữ

Marie Curie có tên khai sinh là Maria Skłodowska sinh ra ngày 7/11/1867 tại Warsaw - Thủ đô của Ba Lan. Đây là thời kỳ mà Ba Lan là thuộc địa của Nga. Bà là con út trong một gia đình có 5 người con, bố mẹ của Marie đều là giáo viên. Tại nơi Marie sinh sống và tất cả các quốc gia trong khu vực châu Âu không phải nữ giới nào cũng có thể đi học. Vì thế, Marie luôn cố gắng giữ vị trí đứng đầu ở trường trong những năm tháng đi học. Mặc dù vậy, những thành tích học tập có được không thể giúp Marie được nhận vào học ở Đại học Warsaw, ngôi trường chỉ dành cho nam sinh. Marie tiếp tục sự nghiệp học hành ở một “trường đại học chui” có các lớp bí mật dưới lòng đất.

Marie và chị gái Bronya từng mơ ước du học để có tấm bằng chính thức nhưng họ không có khả năng chi trả học phí. Marie quyết định đi làm để hỗ trợ Bronya theo học y khoa. Trong gần 5 năm, Marie làm gia sư và giáo viên dạy trẻ để kiếm tiền trang trải chi phí. Thời gian rảnh, cô tiếp tục nghiên cứu, đọc sách về vật lý, hóa học và toán học.

Sau 5 năm làm gia sư, khi đã 24 tuổi, nhờ sự giúp đỡ từ người chị cả, Marie được sang Paris học tại Trường đại học Sorbonne - một trường đại học danh tiếng, coi trọng trí thức và nhân tài, trân trọng người có học vấn cao không phân biệt nam hay nữ. Tại đây, Marie đã giành tất cả thời gian và tâm sức cho học tập và nghiên cứu khoa học.

Chân dung nhà khoa học Marie Curie.Chân dung nhà khoa học Marie Curie.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Paris, nhờ những nỗ lực phi thường, Marie đã nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất. Ngay khi đang còn là sinh viên năm thứ ba, Marie đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Nga, Anh, Đức và quyết tâm làm luận án Tiến sĩ Vật lý.

Năm 1894, Marie gặp Pierre Curie - một nhà vật lý 35 tuổi tài ba. Pierre lập tức bị thu hút bởi trí tuệ và động lực khác thường của Marie nên đã cầu hôn bà. Họ kết hôn vào năm 1895. Và cũng từ đây họ cùng nhau đồng hành trong cuộc sống hàng ngày và cả trong nghiên cứu.

Năm 1898, Marie tìm ra một nguyên tố hoàn toàn mới và đặt tên nó là polonium, theo tên quê hương Ba Lan của bà. 5 tháng sau, bà tìm thêm được một nguyên tố thứ hai: radium. Cái tên này được đặt dựa theo khả năng phóng xạ của nó.

Năm 1903, Marie trở thành người nữ Tiến sĩ Vật lý đầu tiên ở Pháp. Các giáo sư đã xem xét luận án của bà về bức xạ và tuyên bố rằng đó là đóng góp lớn nhất cho khoa học từng được viết ra.

Tin đồn về giải Nobel bắt đầu lan truyền, nhưng một số thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho rằng công trình sáng chói đó không phải do Marie mà là các đồng nghiệp của bà. Họ lặng lẽ vận động hành lang để giải Nobel Vật lý được chia đều cho Marie, Pierre và Henri. Đây là lần đầu tiên một người phụ nữ được xướng tên. Tuy nhiên, dù như vậy thì Pierre vẫn luôn khẳng định Marie mới chính là người đã nghiên cứu, hình thành các thí nghiệm và tạo ra các lý thuyết về bản chất của hiện tượng phóng xạ. Đáng tiếc, vào ngày 19/4/1906, mối lương duyên của vợ chồng bà đã đột ngột kết thúc khi Pierre bị tai nạn.

Năm 1910, Marie xuất bản một chuyên luận dài 971 trang về hiện tượng phóng xạ. Tuy nhiên, một số đàn ông trong giới khoa học vẫn không xem Marie bình đẳng với mình. Bà nộp đơn xin gia nhập Viện Hàn lâm khoa học Pháp vào năm 1910 nhưng bị từ chối bởi ý kiến cho rằng “phụ nữ không thể là một phần của viện Pháp”.

Năm 1911, Marie nhận được giải Nobel thứ hai ở lĩnh vực Hóa học, cho việc khám phá ra polonium và radium. Trong bài phát biểu nhận giải ở Stockholm, Marie bày tỏ lòng kính trọng đối với chồng, nhưng nhấn mạnh công việc của mình không phụ thuộc vào ông, khẳng định những đóng góp riêng biệt của từng người và mô tả những khám phá bà đã đạt được sau khi ông qua đời.

Marie Curie trong một chiếc xe X-quang di động

Marie Curie trong một chiếc xe X-quang di động

Ân nhân cứu sống nhiều mạng người

Năm 1914, nghiên cứu Radium Institute của Marie được hoàn thành đúng vào lúc Thế chiến I bùng nổ và cũng là lúc các đồng nghiệp nam trong phòng thí nghiệm của bà phải ra trận.

Marie đã tạo được 1 gram radium để sử dụng cho nghiên cứu, nhưng không đủ để thử nghiệm trong chiến tranh. Marie Curie muốn làm điều gì đó đóng góp cho cuộc chiến. Bà sẵn sàng hiến tấm huy chương Nobel để lấy vàng quyên góp nhưng Chính phủ Pháp và ngân hàng không đồng ý. Vì vậy, Marie Curie đã tặng toàn bộ số tiền giải Nobel để mua trái phiếu chiến tranh.

Tuy nhiên, bà quyết định làm một điều gì đó thiết thực hơn, đó là sử dụng X-quang vào chăm sóc y tế cho những người bị thương trong chiến tranh. Marie Curie khẳng định, X-quang sẽ là một công nghệ mới hữu ích, có thể cứu được nhiều binh sĩ. Khác với nhiều lần, nhờ ý tưởng này mà bà đã được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (IRC) bổ nhiệm làm Giám đốc dịch vụ X-quang của IRC.

Để có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả này, Marie đã tự nghiên cứu giải phẫu học, học cách sử dụng máy X-quang và đào tạo các chuyên gia y tế sử dụng thiết bị này. Để có kinh phí xây dựng một đơn vị X-quang di động đặt trong xe tải Renault đặt tên là “Petites Curies” đi kèm với máy phát điện, giường bệnh, bà đã phải đích thân kêu gọi quyên góp.

Công nghệ X-quang này đã được đưa tới Marne - nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt để thử nghiệm và kiểm định đánh giá trị của thiết bị trong môi trường thực tế. Nhờ thiết bị nói trên, các bác sĩ quân y có thể phát hiện được những mảnh đạn còn găm lại trong cơ thể thương binh. Thông qua các phim chụp X- quang, công việc của bác sĩ phẫu thuật trở nên dễ dàng, chính xác hơn, nhờ vậy đã cứu sống được nhiều người.

Mặc dù vậy nhưng cuối cùng sự cống hiến của Marie Curie vẫn không mang lại kết cục tốt đẹp cho chính nhà khoa học này. Phơi nhiễm bức xạ đã làm cho sức khỏe của bà trở nên tồi tệ. Do phơi nhiễm phóng xạ nhiều năm, đặc biệt là để các ống nghiệm ngay trong túi áo nên bà đã bị nhiễm phóng xạ nặng, mắc bệnh bạch tạng trầm trọng, qua đời năm 1934.

Ngày nay, những cuốn sổ tay của bà lưu lại trong Thư viện Quốc gia ở Paris vẫn còn chứa độc tố phóng xạ, nó nặng đến nỗi những ai muốn tiếp cận với các tài liệu này phải mang trang phục phòng hộ.

Các nghiên cứu khoa học của Marie Curie đã thay đổi mạnh mẽ diện mạo của ngành y, đặc biệt là trong chẩn đoán - điều trị bệnh ung thư và sinh học phóng xạ. Cốt lõi nằm ở khả năng xuyên thấu và diệt tế bào của bức xạ mạnh. Ngày nay có thể phát hiện sớm nguy cơ ung thư là dựa vào thứ kỹ thuật được Marie đã đặt nền tảng từ 100 năm trước. Việc tiêm chất phóng xạ vào cơ thể cũng là phương thức điều trị hiệu quả căn bệnh quái ác này, dựa trên nguyên lý tiêu diệt các tế bào mang bệnh, nhưng hạn chế tối đa thương tổn cho cơ thể.

Bên cạnh đó, phóng xạ còn được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp và nông nghiệp. Ví dụ tia X quét tại sân bay, lai tạo các giống cây trồng, điều chỉnh khả năng sinh sản của côn trùng...

Đọc thêm