“Chảo lũ” Tân Hóa
Tân Hóa là xã vùng sâu của huyện Minh Hóa, nằm ở một vùng địa thế thấp trũng, bị bao quanh bởi ba mặt là những dãy núi đá vôi cao ngất trời. Cũng chính bởi cái địa thế ấy nên đến mùa mưa bão hàng năm, nước trên triền núi dốc xuống, mưa trên đầu xối xả và nơi này vốn được biết đến với “biệt danh” là “chảo lũ”, “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình.
Toàn xã Tân Hóa hiện có 672 hộ dân với 3.176 nhân khẩu. Những năm trước, mỗi lần lũ ập về là bà con nơi đây, mà đa số là thuộc tộc người Nguồn, khốn đốn vô cùng bởi những hậu quả do lũ lụt gây ra. Nước từ tứ bề ập về, nhưng cả vùng lòng chảo này chỉ có duy nhất một hang nước nhỏ hẹp dưới chân núi để thoát nước nên lũ lên rất nhanh. Chỉ trong tích tắc, hàng nghìn người dân nơi này có thể bị cuốn phăng hết cả tài sản, nhà cửa và đe dọa đến cả tính mạng của người dân…
Là một xã nghèo, lại thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai nên đời sống người dân nơi đây rất khó khăn. Lâu nay đồng bào xã Tân Hóa vẫn tìm mọi cách để chống chọi với lũ dữ như mua sắm thuyền, sơ tán vào lèn cao mỗi khi lũ về, nhưng những năm gần đây, những trận lũ lớn, nước ập về quá nhanh khiến bà con không kịp trở tay, mà trận lũ lịch sử năm 2010 là một ví dụ…
Tính riêng mùa mưa bão cuối năm 2013, ảnh hưởng của các cơn bão số 8, số 10 và số 11, toàn xã 553 ngôi nhà bị ngập; số nhà tốc mái, hư hỏng lên đến con số 413; 76ha diện tích hoa màu bị mất trắng; 760m3 đất đá bị sạt lở; đập nước Con Voi ở thôn Rí Rị của dân tự bỏ công làm bị cuốn trôi hoàn toàn... Uớc thiệt hại của dân lên đến hàng tỷ đồng.
Người dân Tân Hóa đã ung dung hơn trước mùa mưa bão |
Để giảm thiểu những tổn thất do lũ lụt gây ra, ngay từ khi mùa mưa bão vừa ngớt, chính quyền xã cùng các lực lượng đoàn, hội đã triển khai kế hoạch vận động và hỗ trợ để người dân khẩn trương chuẩn bị sức người, sức của làm nhà bè tránh lũ.
Về xã Tân Hóa những ngày này, chúng tôi đã chứng kiến không khí khẩn trương của bà con đang chuẩn bị cho công tác chống bão lụt năm 2014, với phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, mô hình nhà bè tránh lũ – mô hình do chính đồng bào nơi đây sáng tạo ra là một phương án được đánh giá cao về tính khả quan khi mùa mưa bão hàng năm ở miền Trung đã cận kề.
Mô hình nhà bè “nước nổi thì nhà nổi” được “phát kiến” từ năm 2010 nhưng vì điều kiện kinh tế và chưa có được sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương nên số lượng hộ gia đình làm được nhà này ở Tân Hóa chưa nhiều. Thời điểm hiện tại, toàn xã đã xây dựng được hơn 250 nhà bè vượt lũ. Mỗi nhà bè sau khi làm xong, chưa tính công người bỏ ra thì tiêu tốn khoảng 30 triệu đồng. Để làm được nhà nổi, người dân phải chuẩn bị đầy đủ các vật liệu cần thiết như: thùng phuy, gỗ, mái lợp, hệ thống dây neo, thép buộc…
Điểm khác biệt của căn nhà gỗ vượt lũ ở Tân Hóa là không gắn chặt trên đất mà được chồng trên những thùng phuy rỗng kín đặt bên cạnh những ngôi nhà chính để sinh sống hàng ngày. Trên những thùng phuy ấy, một bộ khung nhà bằng gỗ nhẹ sẽ được dựng chồng lên với hệ thống cửa, mái lợp, vách che như mô hình nhà ở bình thường…
Khi nước lũ ập về, các thùng phuy này sẽ tự nổi lên trên mặt nước và nâng cả căn nhà với diện tích khoảng từ 15 – 20m2 không bị ngập. Cứ mỗi nhà bè tránh lũ hiện tại của người Tân Hóa hiện đủ sức chứa cho một gia đình 8 người và nhiều vật dụng khác như ti vi, tủ lạnh, xe máy, lương thực thực phẩm và nhiều tài sản quan trọng cho đời sống khác…
Ông Đinh Tiến Hùng dưới gầm nhà bè tránh lũ với những công đoạn cuối cùng |
Một mùa mưa bão nữa lại về và việc phải sống chung, chống chịu với những đận bão to, lũ dữ hàng năm của người dân miền Trung đã như thành một nghiệp dĩ. Nhưng riêng ở rốn lũ Tân Hóa năm nay, hàng nghìn bà con nơi xã nghèo này đã an tâm hơn và sẽ không còn phải lo chạy đôn đáo di dời mọi thứ lên những lèn núi đá cao khi nước ngập mà cứ ung dung trú ngụ trên những ngôi nhà bè vượt lũ.