Nhà thơ Du Phong: Đừng bao giờ để tình yêu cũ kỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Viết về thơ tình, hầu như nhà thơ nào cũng có viết. Nhưng để tạo ra được dấu ấn riêng, được nhiều người thuộc, nhắc nhớ thì ít người làm được như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Đó là những nhà thơ đã khuấy động một thời trên văn đàn Việt Nam. Hiện nay, tiếp nối dòng chảy thơ tình, có nhà thơ Du Phong.
 Nhà thơ Du Phong (Ảnh internet).
Nhà thơ Du Phong (Ảnh internet).

Nhẹ nhàng êm trôi

Du Phong có lẽ đang được coi là một trong số ít nhà thơ mà tuổi đời còn trẻ lại được nhiều bạn đọc mến mộ. Anh tên thật là Nguyễn Tuấn Trung, sinh năm 1991. Du Phong hiện làm phiên dịch viên tại Hạ Long, Quảng Ninh. Các tác phẩm mà Du Phong đã xuất bản: Đừng gọi anh là người yêu cũ (NXB Văn học, 2014); Tự yêu (NXB Văn học, 2015); Có anh ở đây rồi, hạnh phúc cũng ở đây (NXB Văn học, 2015); Những gì đã qua đừng nghĩ lại quá nhiều (NXB Văn học, 2016); Nắm tay anh rồi bình yên sẽ tới (NXB Văn học, 2016); Thanh xuân không hối tiếc (NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2018); Để anh nâng em dậy - Để anh lay em tỉnh (NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2018).

Cũng như nhiều nhà thơ khác, Du Phong viết nhiều đề tài trong thơ. Nhưng có lẽ, người ta hay nhắc đến anh là người nổi bật hơn hết ở thơ viết về đề tài tình yêu. Ở tình yêu, thơ Du Phong nói lên được nỗi lòng của những người đang yêu, đã yêu, đã đổ vỡ. Có lẽ thế mà nhiều bạn đọc đồng cảm được với tâm hồn anh. Thơ tình Du Phong thể hiện được sự nhẹ nhàng êm trôi.

"Cô gái à, em không ổn đúng không?/ Nói tôi biết đừng để lòng băng giá/ Người ta đến rồi mang đi tất cả/ Em thấy mình đã đủ đáng thương chưa?/ Cô gái à, đừng theo dấu vết mưa/ Lật tung hết bốn mùa năm tháng ấy/ Em có chờ đợi, thiết tha đến mấy/ Người ấy cũng không lưu luyến nhớ mong gì…/ Cô gái à, đừng khóc nữa nín đi/ Vấn vương vì những điều không xứng đáng/ Tự nhốt mình vào nỗi buồn vô hạn/ Sẽ được gì ngoài tiếc nuối không nguôi?/ Cô gái à, đến lúc phải buông xuôi/ Trả em về lại niềm vui như cũ/ Hãy để dại khờ phía sau giấc ngủ/ Bước tiếp thôi hạnh phúc đang chờ."

Những câu thơ trên nằm trong bài Dỗ dành của Du Phong. Ở bài này, ta thấy tác giả đã để vào vai nhân vật không có liên quan gì đến cô gái, và người đó có nhiệm vụ duy nhất là dỗ dành cô gái. Cũng có thể, người dỗ dành đó là người đang yêu, hoặc từng yêu cô gái đó. Nhưng cô gái không đáp lại tình yêu mà chạy theo một tình yêu khác. Cũng có thể, người dỗ dành đó là người thân của cô gái.

Nhưng xét thấy rằng, người dỗ dành trên là người đang yêu cô gái, nhưng không được đáp trả lại. Sau khi chứng kiến cô gái bị người tình phụ bạc, người dỗ dành này đã có những lời lẽ nhẹ nhàng khuyên lơn. Trước tiên đó là hỏi em có ổn không, em hãy kể ra đừng để lòng băng giá.

Em thật đáng thương làm sao, em đừng khóc nữa, đừng đau khổ vì người không xứng đáng. Em hãy là em, trở lại như xưa, là cô gái chưa biết đến tình yêu, dại khờ. Cứ dại khờ như vậy để bước tiếp, vì phía trước hạnh phúc đang chờ em. Ta thấy người dỗ dành này thật “già dơ” triết lý, như thầy giáo, người giảng đạo.

Nhưng sâu xa đó, ta cũng thấy được cái đau đớn của người dỗ dành gửi đến cô gái. Du Phong đã cho thấy mình là người tinh tường khi viết về tình yêu. Anh hoá thân một cách tự nhiên, dỗ dành một cách tự nhiên. Người đọc bắt gặp những lời khuyên xuất hiện ở nhiều nơi khác, nhưng đã quy tụ trong bài thơ này, tạo ra sự thân thuộc, dễ nhớ, dễ gây xúc cảm, và lắng đọng.

Đừng bao giờ để tình yêu cũ kỹ

Thơ Du Phong thuộc dòng thơ triết lý. Một dòng khác, gây sự khó hiểu hơn cho người đọc, đó là dòng thơ hậu hiện đại mà nhiều người phê bình văn học hay nhắc đến. Thực ra, cụm từ hậu hiện đại cũng chỉ là một cách nói, để gom các kiểu thơ vào một chỗ cho dễ phê bình và “kiểm soát”. Hiện nay, thơ trên thế giới và thơ ở nước ta đã có những vượt bậc lớn lao trong nghệ thuật, và chưa thể định hình được.

Thơ Du Phong mạnh về triết lý, nó cũng là điểm yếu của anh. Dòng thơ này dễ gây sáo mòn, lặp lại. Nhưng nó lại thích hợp với đại đa số người đọc. Nhưng để “lấy lòng” được các nhà phê bình văn học khó tính, và những độc giả tinh quái, thì thơ Du Phong cần nhiều “chất kết dính” hơn nữa, đó là cần hình ảnh mới lạ, câu chữ tinh gọn hơn.

Tuy vậy, thơ Du Phong cũng đã đóng góp thêm vào thơ tình Việt Nam, tiếp nối thơ tình sôi nổi từ thời Phong trào Thơ Mới với những tên tuổi như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Trong bài Anh dắt em về, Du Phong viết: "Anh dắt em về thưa chuyện với ông bà/ Về những tháng năm mình cùng nhau gắn bó/ Về giấc mơ có một gia đình nhỏ/ Về nguyện ước suốt đời yêu mãi chẳng lìa xa.../ Anh dắt em về xin phép mẹ cha/ Dù bão tố phong ba, cũng nguyện là đôi uyên ương bước cùng đường, chung lối/ Cùng nắm tay đi qua hết tháng năm dài nông nổi/ Đến cuối bến cuộc đời vẫn hạnh phúc dù tóc bạc da ngăm.../ Anh dắt em về tính chuyện trăm năm..."

Bài thơ "h dắt em về" thể hiện sự cương quyết của nhân vật anh, người sẽ dắt em vượt qua mọi bão tố, chông gai, để em về gặp mẹ cha, để tính chuyện trăm năm, tức chuyện vợ chồng. Bài thơ cũng thể hiện niềm vui của anh, khi được là người yêu của em, để từ đó ước nguyện chung đường, là đôi uyên ương.

Du Phong có lẽ muốn thay mặt cho những chàng trai đang yêu, dõng dạc, đường hoàng nói với người yêu rằng, cứ ở bên anh, cứ yêu anh, rồi em sẽ được hạnh phúc trăm năm. Và ước gì, các đôi yêu nhau trên đời đều được suôn sẻ như thơ Du Phong. Và bài thơ này, có lẽ rất đúng với tâm trạng của những chàng trai đang yêu.

"Ngày mai em sẽ thành cô dâu/ Khoác trên mình chiếc váy cưới trắng tinh đính cườm màu ngọc bích/ Em sẽ như thiên sứ lung linh với giày búp bê và tóc buộc lệch/ Cô gái của anh sẽ hạnh phúc nhất trên đời!/ Ngày mai thôi giữa những tiếng nói cười/ Giữa muôn hoa tươi và lời chúc tụng/ Em của anh sẽ ôm lấy vị hôn phu bằng vòng tay mở rộng.../ Trao cho chồng mình một nụ hôn chứa đựng những khao khát đê mê/ Ngày mai cô gái của anh sẽ là vị hôn thê/ Anh sẽ đến lễ cưới của em nhưng không làm chú rể/ Em sẽ sánh bước cùng chồng em giữa trung tâm buổi lễ/ Anh mỉm cười, ngồi lặng thầm chúc phúc ở hàng ghế thứ mười hai..." (Ngày mai em sẽ thành cô dâu).

Bài thơ Ngày mai em sẽ thành cô dâu thể hiện sự cao thượng của chàng trai. Dù rằng, cô gái mà chàng trai yêu thương kia là cô dâu của người khác, nhưng anh vẫn đến chúc tụng, thầm lặng, mỉm cười. Tuy nhiên, chàng trai cũng phải đau nhói lòng khi chứng kiến cô gái mình yêu ở bên vòng tay người khác, trao cho người khác nụ hôn, mà không phài là anh.

Còn ở bài thơ Hạnh phúc đến thế này thì phải làm sao, Du Phong đã hoá thân thành cô gái. Và cô gái chỉ cần: “Hạnh phúc này là điều cả đời em mong muốn, ước ao/ Hứa với em, đừng bao giờ để tình yêu cũ kỹ/ Hứa với em, suốt đời này anh chỉ/ Yêu mãi mãi một người, là Công chúa nhỏ của anh thôi!/ Và em cũng yêu Hoàng tử của em nhất trên đời!”.

Du Phong đang cho thấy mình là nhà thơ của tình yêu. Tuy nhiên, để tên tuổi của anh có chỗ đứng vững chắc hơn trên thi đàn Việt Nam, khi mà nhiều nhà thơ 9X đang có thay đổi trong cách viết, thì Du Phong cần phải vượt qua những cách viết cũ của anh, và những cách viết cũ của những nhà thơ thành danh trước đó.

Đọc thêm