Nhạc sĩ Ngọc Đại“bơi” trong dòng nhạc đương đại

 Được biết đến như một gã chơi ngông - một ông chủ của những âm thanh khó hiểu, bản thân Ngọc Đại cũng tự nhận mình là “kẻ hâm”, độc hành trên con đường mình thích...

Được biết đến như một gã chơi ngông - một ông chủ của những âm thanh khó hiểu, bản thân Ngọc Đại cũng tự nhận mình là “kẻ hâm”, độc hành trên con đường mình thích.

 

Ngọc Đại nói về “trò chơi” âm nhạc đương đại của mình như sau: “Tác phẩm sắp đặt không có người mua thật nhưng dù sao nó cũng là một xu thế trong mỹ thuật, muốn hay không muốn thì công chúng cũng đã phải công nhận sự tồn tại của nó.

Âm nhạc đương đại cũng vậy, cụ thể là các tác phẩm của tôi, có thể bây giờ thính giả chưa quen, chưa có dịp tìm hiểu thì chưa thích. Nhưng tôi tin rằng sẽ có lúc nó khẳng định được vị trí của mình bởi tôi soạn nó bằng tư duy của người Việt, trên cơ sở ngôn ngữ của người Việt, âm nhạc truyền thống của người Việt thì không có lý gì người Việt lại không hiểu”.

Vẫn có thính giả riêng

* Tại sao anh lại chọn âm nhạc đương đại, một lối đi đầy chông gai và quá mới mẻ với khán giả Việt Nam?

Sáng tạo là gì?

“Tôi quan niệm sáng tác là sáng tạo cái riêng mang đậm yếu tố cá nhân, chứ không đi theo một lối mòn, nên điều cần là tự tìm cho mình một quan điểm sáng tác và phải tự chịu trách nhiệm với tác phẩm mình đã sáng tạo ra. Làm được điều đó cần phải nắm vững âm nhạc cổ điển và những kỹ thuật sáng tác của nó. Đừng thụ động như em bé bị thả vào rừng, cứ thấy người là sợ”.
- Đó là một sự phản kháng môi trường âm nhạc đã quá cũ kỹ và tự đóng khuôn mình, an phận với những giá trị cũ. Và quan trọng là tôi thích tự do sáng tạo. Tôi vẫn có những thính giả nghe nhạc của tôi. Tác phẩm của tôi cũng nhiều lần được trình diễn tại Hà Nội, cả ở TP.Hồ Chí Minh nữa.
Đúng là đi trên con đường này cần sự dũng cảm. Thế nhưng muốn sang sông thì phải tập bơi. Tôi đang “bơi” trong dòng nhạc đương đại.

* Vậy anh viết để thuận tai người nghe hay chỉ viết cho mình, viết cái mình thích? Có hay không một thái độ bất chấp, thách thức khi sáng tạo?

- Tôi làm trước hết là vì mình thích, có nhu cầu hướng đến cái mới. Nếu có nhiều người thông cảm và thích công việc của tôi thì tốt, tôi rất vui. Tôi không làm nghệ thuật theo kiểu bất chấp, cũng không thách thức ai cả.

Có những người làm nhạc như tôi và số đó không phải là ít. Thử nghĩ xem, ban đầu chúng ta nghe nhạc cổ điển, cổ truyền rồi lại làm quen và yêu thích Pop, Rock, Hip Hop. Với mỗi dòng nhạc, ban đầu có thể người ta tiếp cận vì tò mò nhưng có thể sau đó họ sẽ thích.

Nhạc sĩ Ngọc Đại cùng 2 thành viên khác của nhóm "Đại Lâm Linh"

“Giới làm nghệ thuật... nhiều người tráo trở lắm”

* Nhưng những công việc thể nghiệm thế này thường ít tìm được sự đồng cảm ngay cả trong giới làm nghệ thuật? Anh phải đối mặt với những định kiến như thế nào?

“Nỗi oan” Ngọc Đại

“Nhiều người đã phản ánh sai sự thật về các bài hát của tôi. Ví như trong bài “Mơ”, tôi viết “trên da thịt em thơm ngây” thì người ta viết ra là “trên da thịt em thơ ngây”, làm sai ý nghĩa của lời ca. Trong bài “Tự tình”, tôi viết: “Hôn đi môi anh ủ lửa” thì người ta lại bóp méo là: “Hôn đi môi anh phủ lưỡi”...”.

- Giới làm nghệ thuật, quản lý nghệ thuật cứ mang danh đó để chụp mũ, quy chụp, nhìn nhận sai, sẵn sàng vùi dập, cấm đoán sự khác mình. Tôi rất phản đối điều này. Nhiều người tráo trở lắm, họ hạ thấp người khác để tự nâng cao mình lên.

Ngay cả Phó Đức Phương, người bạn thân nhất của tôi cũng buông lời: “Thông thường, khi nghe nhạc tôi cố mở mình như tờ giấy trắng, không định kiến nhưng khi xem màn trình diễn của nhóm Đại - Lâm - Linh trong “Bài hát Việt” vừa qua, tôi có cảm giác khá mệt mỏi và cứ như phải chịu đựng. Tôi thấy rất khó chấp nhận được thì khán giả nói chung có phản ứng là điều hiển nhiên”. Tôi chẳng giận gì anh ta đâu nhưng tôi cho rằng anh ta quá tụt hậu và tôi coi thường anh ta.

Ghét người dám nói, không dám làm

* Đã có lần anh mạnh bạo tuyên bố rằng: “Nghe nhạc tôi chỉ có Sợ, Sởn, Sướng”. Phải chăng đó là một tuyên ngôn gây sốc như nhiều nhạc sĩ vẫn tự đánh bóng tên tuổi của mình?

- Hoàn toàn không phải như vậy! Có thể lúc đó tôi cho rằng khán giả khi nghe nhạc tôi sẽ sợ hãi, thích thú, rởn da gà và sướng như điên. Vì đấy là trạng thái của câu chuyện âm nhạc mà tôi kể với khán giả bằng ngôn ngữ cảm xúc khác nhau hay có thể gọi là lên đồng.

* Nghe nhạc của anh, thấy động, âm thanh đời sống đi vào tác phẩm một cách trực tiếp. Có người bảo làm nhạc đương đại như thế thì nhiều người có thể làm được. Anh nghĩ sao?

- Chị hãy nói giùm với họ rằng, Ngọc Đại nói và khuyến khích tất cả những ai tự tin rằng mình làm được nhạc đương đại thì nên làm ngay. Nhưng Ngọc Đại cũng nói rằng rất ghét những kẻ nào chỉ nói làm được mà không bao giờ dám làm cả!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh luôn dồi dào sức sáng tạo!

Thu Hồng (Thực hiện)

Đọc thêm