Nhận thức về luật thời dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Novak Djokovic (người Serbia) là tay vợt được xếp hạng số 1 trên thế giới, đồng nghĩa là người giàu có, nổi tiếng và có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với con người ở nhiều nơi trên thế giới.
Tay vợt Novak Djokovic.
Tay vợt Novak Djokovic.

Người này công khai phản đối tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Ở nhiều nơi trên thế giới hiện có cuộc tranh luận rất sôi động trên chính trường và trong xã hội về nên hay không nên luật hoá nghĩa vụ tiêm chủng.

Ở Serbia, như ở phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chính phủ khuyến khích tiêm vaccine nhưng không bắt buộc. Novak Djokovic không tiêm vaccine, đã từng bị nhiễm dịch và được chữa khỏi. Người này có quyền không tiêm vaccine. Nhưng nếu không tiêm vaccine mà rồi nhiễm bệnh và làm lây lan sang cho người khác thì chuyện lại hoàn toàn khác. Hơn nữa, người không tiêm vaccine không được nhập cảnh vào những quốc gia quy định rõ là phải tiêm đủ vaccine thì mới được nhập cảnh.

Australia là một trong những quốc gia ấy. Quốc gia này thậm chí còn thuộc diện áp dụng chính sách nhập cảnh ngặt nghèo nhất để ứng phó dịch bệnh và có tỷ lệ tiêm phủ vaccine trong dân chúng rất cao. Người dân ở đây đặc biệt nhạy cảm với nguyên tắc tất cả phải được bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là người giàu có, chức sắc và nổi tiếng không được đứng trên pháp luật và được coi là ngoại lệ trước pháp luật. Trong bối cảnh đã phải chịu đựng dịch bệnh thời gian dài đến thế, người dân Australia rất không thân thiện với người nước ngoài không tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh khi nhập cảnh vào Australia. Dịch bệnh tác động rất mạnh mẽ và sâu rộng tới nhận thức về luật quốc gia cũng như quốc tế.

Tất cả những điều ấy giờ thể hiện trong chuyện tay vợt nói trên bị biên phòng Australia giữ lại ở cửa khẩu khi nhập cảnh. Người này không những chỉ không tiêm vaccine mà còn có trong tay sự cho phép ngoại lệ không phải tiêm vaccine, không phải của chính quyền Australia mà của Ban tổ chức giải quần vợt Australia mở rộng.

Về sau, thiên hạ còn biết người này đã gian dối trong thông tin về tình trạng nhiễm dịch của mình và trong khai giấy tờ làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Australia. Người này không thể nói là không biết gì về quy định nhập cảnh của Australia cũng như về việc chính phủ, xã hội và người dân hiện đặc biệt nhạy cảm về việc tuân thủ các quy định hiên hành về ứng phó dịch bệnh.

Nhiều khả năng là người này quá tự tin về sự nổi tiếng của mình trên thế giới và ảnh hưởng ở Serbia cũng như cho rằng giải đấu quần vợt Australia mở rộng năm nay không thể thiếu sự tham dự của tay vợt hàng đầu thế giới.

Ở Australia hiện tại lại không có cách hiểu như thế về luật pháp hiện hành. Chính phủ cũng như người dân không vì sự nổi tiếng của tay vợt hay vì sự can thiệp của Chính phủ Serbia, không vì làn sóng phản đối bực bội ở Serbia và không vì giải thi đấu phải có tay vợt số một bằng mọi giá mà để cho luật pháp quốc gia không bình đẳng hiệu lực đối với tất cả.

Cho dù chuyện này rồi cuối cùng đi tới kết cục gì thì bài học ở đây vẫn là “nhập gia phải tùy tục” và thượng tôn pháp luật luôn bao hàm ít nhất hai tiêu chí mang tính nguyên tắc là luật pháp quốc gia phải được thực thi thật sự triệt để và công bằng.

Mọi ngoại lệ trong quá trình thực thi luật, bất kể vì cái lệ gì, mà không hợp với thời thế và trái ngược với trào lưu diễn biến tâm lý chung của người dân đều huỷ hoại uy danh và hiệu lực của luật pháp. Ở thời nào cung vậy và đặc biệt ở thời dịch bệnh, cá nhân có quyền riêng nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm pháp lý và đạo lý đối với an nguy của cả cộng đồng.

Đọc thêm