Nhiệm vụ trọng tâm

(PLO) -Thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14 về Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018. 
Hình minh họa

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, tất nhiên không thể thiếu nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại 7 tháng đầu năm có thể thấy, các rào cản kinh doanh, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường đang được gỡ bỏ. Nhiều “hành động” hiện thực hóa quyết tâm cải cách thể chế đã “tấn công” trực diện vào những rào cản hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Có thể nêu một ví dụ “sáng láng”, đó là “cuộc cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, khi bãi bỏ hơn 90% thủ tục hành chính và “làm gương cho việc sửa đổi các nghị định khác” khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm, thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Nghị định 15/2018/NĐ-CP giúp giảm đến 90% chi phí hành chính, tiết kiệm 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp.

Về lĩnh vực tư pháp cũng cải cách mạnh mẽ. Xin nêu ví dụ, tháng 5 và 6, ngành Tư pháp đã đưa ra hai văn bản pháp lý quan trọng, giúp tháo gỡ vướng mắc giải quyết nợ xấu và thi hành quyết định phá sản. Đó là Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP và Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC. Đây là hai vấn đề bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế từ nhiều năm qua, do không có những hướng dẫn, giải thích rõ ràng từ cơ quan làm chính sách.

Xin hoan hô, bởi sức sống của doanh nghiệp là sức sống của nền kinh tế chứ không phải đào hết tài nguyên để bán hoặc bán hết “đất vàng”, “đất kim cương” ở thành phố, đất ven biển.

Theo nhiều chuyên gia, hiện vẫn còn “nút thắt” lớn ngay trong tư duy. Một số bộ, ngành góc nhìn còn bị giới hạn trong phạm vi văn bản được rà soát, ngành nghề được rà soát. Chỉ rà soát kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh mà không xem xét đến kiến nghị loại bỏ ngành nghề đó ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Hay như với một số điều kiện cùng tính chất, nhưng quan điểm của các bộ lại khác nhau. Tóm lại, là “vừa cởi” vừa “do dự”.

Lưu ý rằng, mỗi năm Nhà nước ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó khoảng 50% có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Mỗi văn bản lại có hàng chục hoặc hàng trăm văn bản quy định, đã và đang tạo ra một “rừng” quy định, thậm chí “đá nhau”.

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp luôn có ý nghĩa tạo ra “cú hích”, có giá trị như “giải phóng” sức sản xuất và môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, không chỉ ngắn hạn, việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, trong đó có chính sách liên quan tới doanh nghiệp; qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động phải là mệnh lệnh và đạo đức công vụ.