Nhiều doanh nghiệp TP HCM dự tính thu hẹp hoạt động

Trong điều kiện hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó đạt mức lợi nhuận trên 20%, trong khi lãi xuất tiền vay từ các ngân hàng đã gần tiệm cận chỉ số này khiến hoạt động kinh doah trở nên khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó đạt mức lợi nhuận trên 20%, trong khi lãi xuất tiền vay từ các ngân hàng đã gần tiệm cận chỉ số này khiến hoạt động kinh doah trở nên khó khăn.

"Tháo" nhưng chưa "thông"

Ông Phan Văn Đức, giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang chuyên sản xuất các loại phân bón tại quận 2 - TP.HCM cho biết, với lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp (DN) hoạt động giỏi lắm chỉ đủ trả lãi suất cho ngân hàng. Trong ngành sản xuất phân bón, đa số DN đều hoạt động bằng vốn vay, mặt khác, sản phẩm do công ty làm ra đều bán trả chậm cho người nông dân, khi lãi suất tăng cao, DN càng thêm khó khăn. Không chỉ Công ty Hiếu Giang gặp khó về vốn vay mà các DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM đều chung thực trạng.

Ông Trần Hoa Thăng, giám đốc Công ty may xuất khẩu Tấn Hoa (quận Tân Phú) cũng than, do lãi suất cao công ty buộc phải tiết giảm nhân công, co hẹp phạm vi hoạt động để chống lỗ. 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới tổ chức một hội nghị nhằm giải tỏa bức xúc của cộng động DN và ổn định thị trường tài chính. Tại hội nghị này, các vấn đề về tỉ giá, lãi suất, kiềm chế lạm phát đã được bàn thảo sôi nổi, nhưng cách tháo gỡ thì vẫn chưa thông.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, “sự biến động của thị trường làm phát sinh nhiều hơn các yếu tố đầu cơ, nhiều thông tin gây nhiễu thị trường, gây ra tình trạng làm giá, găm giữ vàng, đô la để thu lợi, trong khi vai trò thị trường của lãi suất chưa thể hiện đầy đủ khi xuất hiện các yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh như tiền thưởng, thu phí, cộng lãi suất dẫn đến làm khó chung cho ngành”.

Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc Ngân hàng ACB lý giải, lãi suất đang cao nhưng với chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì rất khó hạ thấp. CEO của ACB đề xuất, sắp tới NHNN cần có công cụ thị trường hạ lãi suất đô la, bởi lãi suất ngoại tệ này trên thế giới chỉ 0,5% nhưng ở nước ta đã lên tới 5%. Đại diện Vietcombank chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, mặt bằng lãi suất hiện nay đang gây khó cho cả ngân hàng và cộng đồng DN. Vấn đề tỉ giá vẫn đang đang nóng, việc điều chỉnh tăng tỉ giá liên ngân hàng với mong muốn 2 tỉ giá sát lại với nhau chỉ là kỳ vọng. Vì vậy, người điều hành chính sách vĩ mô phải đưa ra giải pháp thích hợp để giải quyết khó khăn hiện nay.

"Ghìm cương" lãi suất

Ông Trần Minh Tuấn, Phó thống đốc NHNN thừa nhận, mức lãi suất huy động, cho vay hiện nay là “không bình thường”. Mức trung bình lãi suất cho vay hiện lên đến 18%-20%, có tổ chức tín dụng cho vay đến 24%, với mức này thì các DN... hết chịu nổi.

Trước thực trạng khó khăn về vốn để sản xuất kinh doanh của DN do lãi suất cao, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM quan ngại: “Không có một nước nào trên thế giới có lãi suất cao như ở Việt Nam. Không DN nào có thể chịu đựng nổi lãi suất cao như hiện nay. Chấp nhận vay vốn, DN sẽ khó tránh khỏi rủi ro; ở chiều ngược lại, không an tâm đầu tư, DN sẽ gửi vốn ở ngân hàng chỉ để lấy lãi thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh”.

Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, kéo giảm lãi suất là điều cần phải làm trong thời gian tới và cần có cơ chế chính sách phù hợp. Về phía mình, các DN kiến nghị ngành ngân hàng cần chia sẻ khó khăn, “bằng khó nhiều DN sẽ phải tạm dừng hoạt động”.

Mị Na

Đọc thêm